VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Việt Nam sai lầm trong chiến lược trồng cây?

Việt Nam sai lầm trong chiến lược trồng cây?

14:20 - 17/06/2021

Các chuyên gia cho rằng chiến lược trồng cây tập trung vào khu vực đô thị sẽ không giúp giảm tác động của lũ và lở đất, theo SMCP.

Đối với cư dân của thành phố lớn nhất Việt Nam, cảnh cây cối bị đốn hạ để phát triển không phải là hiếm. Năm 2017, 258 cây có từ thời Pháp thuộc đã được di dời khỏi một con phố lớn ở trung tâm TP HCM để xây cầu. Tháng trước, giới chức thành phố thông báo sẽ chặt hạ hoặc di dời 178 cây xanh trên cùng tuyến đường để cải tạo công viên ven sông Sài Gòn.

Những hành động này diễn ra bất chấp việc TP HCM chỉ có 0,55 m2 công viên công cộng cho mỗi người dân, so với 30,3 m2/người ở Singapore và 41 m2/người ở Seoul.

Trong khi đó, ô nhiễm không khí – một vấn đề mà cây xanh có thể giúp giảm bớt – đã trở thành mối quan tâm môi trường hàng đầu đối với người Việt Nam. Hà Nội có chất lượng không khí thuộc hàng tồi tệ nhất thế giới trong những năm gần đây, trong khi TP HCM cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, có thể có hy vọng ở các khu vực đô thị phát triển mạnh của Việt Nam, theo một kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ là trồng 1 tỷ cây xanh trên toàn quốc từ nay tới năm 2025.

Cây trồng ở TP.HCM thuộc chương trình 1 tỷ cây.

Cây trồng ở TP HCM thuộc chương trình 1 tỷ cây.

Chương trình được đề xuất lần đầu tiên bởi nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bối cảnh hàng chục cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp đã giết chết hàng chục người, gây ra lũ lụt và sạt lở đất kỷ lục ở miền Trung vào cuối năm ngoái.

Theo đề án, 690 triệu cây xanh sẽ được trồng ở các khu vực thành thị và nông thôn, cụ thể là trên vỉa hè đường phố, trong công viên, trong khuôn viên trường học, bệnh viện, nhà máy, khu chế xuất. và các cơ sở khác. 310 triệu cây còn lại sẽ được phân bổ cho các diện tích có rừng, mặc dù phần lớn là rừng sản xuất, nơi thường xuyên bị chặt phá để sản xuất gỗ.

Điều này gây bất ngờ đối với Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chương trình của tổ chức phi chính phủ Forest Trends. “Điều đó thật thú vị đối với tôi”, ông nói. “Người Việt Nam khi nghe đến 1 tỷ cây xanh là chúng ta nghĩ ngay đến rừng. Tất nhiên các khu đô thị và khu công nghiệp là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của lũ lụt và sạt lở đất do bão nhiệt đới gây ra”.

Mục tiêu chung của chính phủ là nâng cao chất lượng và giá trị của các hệ sinh thái rừng, phát huy vai trò của rừng và cây xanh trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, hạn chế tiêu cực từ các tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.

Điều cuối cùng đặc biệt quan trọng với miền Trung, nơi được dự báo sẽ hứng chịu những cơn bão ngày càng mạnh mỗi năm, nhưng đây không phải là trọng tâm của kế hoạch, khi mà phần lớn cây xanh đã được giao cho các khu vực đô thị.

Trong khi đó, các chính quyền cấp tỉnh và thành phố đang triển khai đề án. TP.HCM đặt mục tiêu trồng 500.000 cây xanh vào cuối năm 2021, tuy nhiên chưa rõ chính xác số cây này sẽ được trồng ở đâu. Tỉnh Lâm Đồng sẽ trồng 50 triệu cây xanh từ nay đến năm 2025, trong đó 70% là cây xanh cho các khu vực đô thị.

Dương Duy Khánh, điều phối viên phục hồi rừng tại WWF Việt Nam, hy vọng sẽ có sự tập trung nhiều hơn vào các vùng miền núi. “Một tỷ cây là tốt, nhưng vì chúng tôi đang làm việc trong lĩnh vực bảo tồn và đa dạng sinh học, nên chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc cải thiện chất lượng rừng và trồng cây trong rừng chứ không phải khu vực đô thị”, ông nói. “Theo quan điểm của chúng tôi, rừng nên được cải thiện nhiều nhất có thể”.

Lũ lụt ở Bình Định và các tỉnh miền Trung khác trong năm ngoái đã gây nhiều hậu quả nặng nề.

Lũ lụt ở Bình Định và các tỉnh miền Trung khác trong năm ngoái đã gây nhiều hậu quả nặng nề.

Trong 2 thập kỷ qua, các chương trình trồng rừng quốc gia đã cải thiện độ che phủ tổng thể của Việt Nam, hiện ở mức 42%, nhưng những sáng kiến ​​này thường dựa vào các loài không bản địa như keo. Các đồn điền keo, được thu hoạch luân phiên từ 5 đến 7 năm để sản xuất giấy và gỗ, hiện bao phủ các vùng rộng lớn ở miền Trung, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các trận bão năm ngoái. Keo là một loại cây cao, mảnh, dễ bị gió mạnh quật ngã, góp phần gây ra sạt lở đất, và rừng trồng keo đơn canh không mang lại lợi ích gì cho động vật hoang dã vì chúng không chứa các nguồn thức ăn.

Chỉ thị của Chính phủ thừa nhận điều này, đồng thời lưu ý rằng cây xanh phải phù hợp với điều kiện sinh thái và tập quán canh tác của từng địa phương và vùng cụ thể, có tác dụng phòng hộ cao.

“Thay vì trồng keo hoặc các cây sinh trưởng nhanh khác, chúng ta nên giới thiệu các loài bản địa có thể duy trì đất đai lâu hơn và giúp ngăn ngừa thiên tai”, TS. Phúc nói. “Kế hoạch 1 tỷ cây nhắc đến thành phần loài, đây là một điều tốt, và không gồm cây keo, vì vậy họ đang tập trung vào các loài có thể ngăn chặn lở đất tốt hơn”.

TS. Phúc cũng cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tập trung vào các khu vực đô thị vì đơn giản là không có đủ quỹ đất để trồng một số lượng lớn cây xanh ở các vùng cao của đất nước. “Về cơ bản, chúng tôi không có tài nguyên đất để trồng cây”, ông nói. “Hiện, chúng tôi có khá nhiều đất có thể sử dụng, nhưng nó do các hộ gia đình địa phương quản lý, và không thể yêu cầu họ trồng cây theo ý mình. Rất khó để tìm đủ đất và tôi nghĩ rằng Bộ nhận ra điều này”.

Dù trồng cây ở đâu, Khánh cho biết Việt Nam không thể đợi thêm được nữa. “Những gì chúng tôi làm bây giờ sẽ có tác động trong 20 hoặc 30 năm tới”, ông nói. “Và ở miền Trung Việt Nam, người dân đã phải chứng kiến tác động của bão và thảm họa do biến đổi khí hậu”.