VNReport»Kinh tế»Tài chính»Tăng trưởng GDP năm nay dự kiến hơn 7%

Tăng trưởng GDP năm nay dự kiến hơn 7%

11:55 - 14/09/2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam cao hơn 7%, nhưng nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong quý IV và năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam cao hơn 7%, theo công bố tại một hội nghị tổ chức ngày 12/9 do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì

Báo cáo về tình hình kinh tế đất nước cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết rằng kinh tế cả nước sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng nhiều khả năng khó khăn hơn trong quý IV và năm 2023. Nhiều tổ chức quốc tế có xu hướng nâng dự báo tăng trưởng 2022, hạ dự báo tăng trưởng 2023 của Việt Nam.

GDP 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái, với tốc độ tăng từ 5,03% trong quý I lên 7,72% trong quý II. Mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra hồi đầu năm là từ 6,0% đến 6,5%.

Hoạt động sản xuất kinh doanh đang tiếp tục khởi sắc, việc giải ngân vốn đầu tư công từ chương trình khôi phục và phát triển kinh tế ­– xã hội được đẩy nhanh. Tuy nhiên, rủi ro và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm và cân đối các điều kiện kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Ông nói rằng các cơ quan chịu trách nhiệm cần đi tìm sự ổn định trong sự bất định, đồng thời xây dựng các công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái, khủng hoảng, thiết lập phòng tuyến hợp tác kinh tế quốc tế và cạnh tranh trong hội nhập.

Mặc dù các tổ chức quốc tế cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực, nhưng Thủ tướng nhận định tình hình vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Nền kinh tế Việt Nam có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, khả năng chống chịu còn hạn chế nên một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng đến kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cũng như việc triển khai một số giải pháp, chính sách. Thị trường trái phiếu, chứng khoán và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro cần được điều tiết phù hợp, không thắt chặt bất hợp lý.

Trong bối cảnh hiện nay, việc điều hành phải bám sát thực tiễn, trên cơ sở các vấn đề kinh tế, kỹ thuật và phải ổn định về chính trị, xã hội, có nghệ thuật điều hành linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, Thủ tướng nói.

Francois Painchaud – Trưởng đại diện tại Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – đánh giá Việt Nam đang phục hồi rất tốt. Vào tháng 7, IMF nâng dự báo tăng trưởng cho Việt Nam, là nền kinh tế duy nhất ở châu Á được IMF nâng dự báo đáng kể. Mặc dù giảm dự báo xuống còn 6,7% vào năm 2023, nhưng con số đó vẫn cao so với các nước khác trong khu vực.

Ông Phainchaud khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên áp dụng chính sách tiền tệ một cách thận trọng và nhất quán. Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng ổn định tỷ giá để giúp sản xuất trong nước phù hợp với chính sách tiền tệ, nhưng việc nâng trần tín dụng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá.