VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Việt Nam đứng cuối về khả năng chống chịu Covid-19

Việt Nam đứng cuối về khả năng chống chịu Covid-19

23:17 - 25/12/2021

Bảng xếp hạng khả năng chống chịu Covid của Bloomberg – đo lường khả năng đối phó virus hiệu quả và ít ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội – xếp Việt Nam ở vị trí 53/53 trong tháng 12.

Theo Bảng xếp hạng khả năng chống chịu Covid (Covid Resilience Ranking) tháng 12 của Bloomberg, Việt Nam rơi xuống vị trí cuối cùng, thay thế cho Philippines, sau khi đợt bùng phát biến thể Delta kéo dài khiến số người chết tăng đột biến và làm lu mờ triển vọng kinh tế của đất nước.

Đây là sự thay đổi lớn so với thời kỳ đầu đại dịch, khi các biện pháp kiềm chế hiệu quả virus trong năm 2020 và đầu năm 2021 giúp Việt Nam chỉ ghi nhận một vài ca nhiễm mỗi ngày. Điều này giúp nước ta đứng ở vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng hồi tháng 4 năm nay.

Nhưng từ mùa hè, Việt Nam – cùng với các nước Đông Nam Á khác – rơi xuống những vị trí cuối cùng do dịch bệnh bùng phát dữ dội cùng với việc siết chặt các hạn chế chống dịch.

Nhiều công nhân rời khỏi các trung tâm công nghiệp trong quý III.

Nhiều công nhân rời khỏi các trung tâm công nghiệp trong quý III.

Bảng xếp hạng khả năng chống chịu Covid đánh giá khả năng đối phó virus hiệu quả và ít ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội. Bảng xếp hạng sử dụng 12 dữ liệu bao gồm mức độ kiềm chế virus, chất lượng y tế, tỷ lệ tiêm vaccine, tỷ lệ tử vong, mức độ hồi phục đi lại … Bảng xếp hạng bao gồm 53 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Số ca nhiễm ở Việt Nam đang đạt kỷ lục, với hơn 10.000 ca mới mỗi ngày trong tháng qua, ngược lại với xu hướng ở các nước Đông Nam Á khác. Số ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày là hơn 200 người.

Theo Bloomberg, Việt Nam cũng chịu áp lực đặc biệt vì lĩnh vực xuất khẩu – vốn cung cấp nguồn hàng cho các thương hiệu toàn cầu như Nike – bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa sản xuất nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus. Trong quý III, việc đóng cửa nhà máy tạm thời và công nhân rời khỏi các đô thị khiến cho sản xuất bị gián đoạn trong giai đoạn quan trọng phục vụ mùa mua sắm cao điểm cuối năm. Điều này làm lu mờ triển vọng kinh tế của đất nước trong năm.

Chính phủ dự báo tổng sản phẩm quốc nội tăng 2,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đầu năm là 6,5%. Đây là một nguyên nhân khiến Bloomberg đánh tụt điểm số của Việt Nam.

Kể từ tháng 10, Việt Nam cố gắng mở cửa nền kinh tế từng bước, cho phép các nhà máy hoạt động trở lại. Gần 60% toàn bộ dân số hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng với số ca nhiễm vẫn đang gia tăng, Chính phủ đang xem xét việc thắt chặt hạn chế trở lại ở các địa phương có nguy cơ cao trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.

Ngược lại, Philippines – nước đứng cuối trong bảng xếp hạng tháng 11 – chứng kiến số ca mắc bệnh và tử vong giảm xuống còn một phần nhỏ so với mức đỉnh trước đây và các hạn chế đã được nới lỏng. Điều này giúp nước này tăng 3 bậc trong tháng 12. Sau khi phải chịu đựng nhiều đợt phong tỏa, người dân giờ có thể đến các nhà hàng ở trong nhà, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim. Trẻ em được phép vào trung tâm mua sắm và số chuyến bay nội địa tăng lên.

Trong tháng 12, nhìn chung, các nước ở Nam Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương tăng bậc nhờ thời tiết ấm hơn và biến thể Omicron đến chậm hơn. Chile vượt Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để vươn lên vị trí số 1. Các nước ở Châu Á Thái Bình Dương tăng bậc nhờ chuyển chiến lược từ loại bỏ sang sống chung với virus. Ở châu Âu, một số nước như Đức, Na Uy và Hà Lan đã áp đặt lại các hạn chế nghiêm ngặt, khiến họ tụt bậc.

Các nước Đông Nam Á tiếp tục nằm trong nhóm 10 nước đứng cuối trong bảng xếp hạng, dù Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đều tăng bậc so với tháng 11.