VNReport»Kinh tế»Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về điện gió

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về điện gió

14:52 - 03/12/2021

Với công suất lắp đặt 3,98 GW tính đến tháng 10, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á và nằm trong top 10 thế giới về điện gió.

Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về công suất lắp đặt điện gió với 3,98 GW tính đến tháng 10, tăng từ 103 MW vào năm 2020. Nước ta hiện đứng trong top 10 thị trường toàn cầu về công suất lắp đặt điện gió, mặc dù mảng điện gió ngoài khơi vẫn chưa phát triển mạnh.

Đây là lần đầu tiên một thị trường châu Á ngoài Trung Quốc và Ấn Độ lọt vào top 10, theo Liming Qiao, người đứng đầu châu Á tại Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC), phát biểu tại Hội nghị Điện gió Việt Nam. Bà nói thêm rằng đây là một thời khắc lịch sử đối với Việt Nam, vì đất nước không chỉ dẫn đầu về lắp đặt điện gió ở Đông Nam Á mà còn trở thành thị trường lớn thứ 2 ở Châu Á – Thái Bình Dương sau Trung Quốc.

Việt Nam đặt mục tiêu công suất lắp đặt điện gió đạt 21 GW vào năm 2030.

Việt Nam đặt mục tiêu công suất lắp đặt điện gió đạt 21 GW vào năm 2030.

“Hãy nhớ rằng hầu hết trong số 4 GW lắp đặt hiện nay ở Việt Nam là từ trên bờ và một phần nhỏ từ vùng đất bồi. Thị trường gió ngoài khơi thực sự vẫn chưa có và sẽ chỉ bắt đầu sau năm 2025. Một phân khúc thị trường hoàn toàn mới vẫn chưa thực sự khởi động. Có một cơ hội rộng lớn ở phía trước chúng ta”, bà nói.

Việt Nam được ưu đãi với nguồn tài nguyên gió lớn cả trên bờ và ngoài khơi. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và loại bỏ than vào năm 2040 theo cam kết tại hội nghị COP26. Điều này sẽ tạo thêm động lực cho phát triển điện gió, Qiao cho biết.

Chính phủ vừa công bố bản dự thảo mới nhất về Quy hoạch Điện VIII cho giai đoạn 2021-2030 vào giữa tháng 11. Kế hoạch đặt mục tiêu có 17 GW điện gió trên bờ vào năm 2030 và 4GW điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, GWEC tin rằng 5-10 GW công suất ngoài khơi là mục tiêu thực tế vào năm 2030.

Từ năm 2030 đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu 38 GW điện gió trên bờ – tương đương 1,4 GW mỗi năm trong thời hạn 15 năm; và 36 GW điện gió ngoài khơi trong cùng giai đoạn – tương đương 2,1 GW mỗi năm.

“Chúng tôi rất vui khi thấy những con số này. Đây là những mục tiêu tham vọng nhất cho đến nay, nhưng không đủ tham vọng”, Qiao nói với các đại biểu. “Thông điệp chính là khái niệm không phát thải ròng cho phép chúng ta nghĩ lớn và có nhiều tham vọng hơn cho tương lai”, bà nói thêm.

Đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có tổng công suất gió lắp đặt khoảng 4 GW.

Điện gió có dư địa tăng trưởng đáng kể ở Việt Nam như một giải pháp thay thế cho việc mở rộng nhiệt điện than, nguồn cung cấp phần lớn điện năng của đất nước. “Việt Nam có tiềm năng tự nhiên đáng ghen tị về sức gió, với 3.000 km đường bờ biển và sức gió thổi từ 5,5 đến 7,3 m/s. Cơ hội lớn nhất để phát điện gió quy mô lớn là ở ngoài khơi”, theo báo cáo của công ty tư vấn McKinsey.

Theo Ngân hàng Thế giới, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính lên tới 500 GW. Đức, nước dẫn đầu về năng lượng gió, hiện có khoảng 62 GW tổng công suất điện gió lắp đặt, trong đó khoảng 8 GW ở ngoài khơi.