VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Việt Nam hướng tới “kinh tế tuần hoàn”

Việt Nam hướng tới “kinh tế tuần hoàn”

14:27 - 07/01/2022

Luật môi trường mới khuyến khích doanh nghiệp đóng góp vào “nền kinh tế tuần hoàn” bằng chuỗi cung ứng ít lãng phí và các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.

Hai lần một tuần, nhân viên của Veritas Việt Nam đến Starbucks để nhặt bã cà phê, từ đó biến thành giày, cốc và khẩu trang cho các khách hàng như Mercedes và InterContinental Hotels.

Giảm rác thải từ việc thay thế nhựa bằng nguyên liệu hữu cơ là một trong số các chiến lược làm nền tảng cho khái niệm “nền kinh tế tuần hoàn”, thay thế văn hóa vứt bỏ bằng các sản phẩm tồn tại lâu dài.

Với luật mới được ban hành, Việt Nam đã tham gia vào xu hướng nền kinh tế tuần hoàn đang ngày càng phổ biến trên khắp thế giới. Các công ty hiện được yêu cầu phải giữ lại nhiều sản phẩm, bộ phận và bao bì của họ thay vì thải ra các bãi chôn lấp.

Lời hứa hẹn về nền kinh tế tuần hoàn có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Một số có thể loại bỏ sự lãng phí khỏi chuỗi cung ứng, trong khi những doanh nhập khác nhận thấy không thể thay đổi nhiều nếu mức tiêu thụ vẫn cao. Còn có những doanh nghiệp khác dùng khái niệm mới này để đánh bóng thương hiệu của mình.

“Các thương hiệu đang chịu áp lực từ khách hàng và chính quyền”, Thanh Lê, người sáng lập và giám đốc Veritas, cho biết. “Một số muốn thay đổi, một số cần luật” bắt buộc phải thay đổi.

Các bộ phận có thể tái chế được lọc ra từ thiết bị điện tử bỏ đi. Việt Nam lo ngại về khả năng trở thành bãi rác thải điện tử của thế giới.

Các bộ phận có thể tái chế được lọc ra từ thiết bị điện tử bỏ đi. Việt Nam lo ngại về khả năng trở thành bãi rác thải điện tử của thế giới.

Trong nền kinh tế tuyến tính, các doanh nghiệp sử dụng nguồn lực để tạo ra hàng hóa mà khách hàng mua và vứt bỏ. Ngược lại, một nền kinh tế tuần hoàn giữ cho các nguồn lực đó luân chuyển càng lâu càng tốt, chẳng hạn như bằng cách sản xuất hàng hóa từ vật liệu dễ tái sử dụng.

Chìa khóa cho mục tiêu đó là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), một khái niệm đang được quan tâm trên toàn cầu và được Việt Nam thông qua trong Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1. Với các quy tắc EPR, trách nhiệm của doanh nghiệp không còn kết thúc sau khi bán mà mở rộng đến khâu xử lý sau khi sử dụng.

Luật mới của Việt Nam cho các công ty lớn 2 lựa chọn: tái chế hoặc trả tiền. Họ phải có hệ thống thu thập hàng hóa sau khi khách hàng sử dụng xong, trích xuất các vật liệu có giá trị và xử lý phần còn lại. Nếu không, họ sẽ nộp vào quỹ môi trường hoặc bị phạt.

Apple, HP, Panasonic và những công ty khác đã có các chương trình thu hồi thiết bị điện tử bị người tiêu dùng vứt bỏ. Luật mới nhằm mở rộng quy mô những chương trình như vậy.

“Các doanh nghiệp không thể tham gia một cách hời hợt”, Kim Lê, đồng sáng lập của công ty tư vấn tuần hoàn CL2B, nói với Nikkei Asia. “Để có một nền kinh tế tuần hoàn, cần phải có sự thay đổi mang tính hệ thống”. Cô lưu ý một số xu hướng không tốt, bao gồm làm cho sản phẩm lỗi thời một cách có tính toán và chống quyền sửa chữa.

Bị chỉ trích trên cả 2 phương diện trên, Apple tăng cường sử dụng các bộ phận tái chế trong iPhone, iPad và sẽ hỗ trợ tự sửa chữa vào năm 2022. AirPods của công ty được lắp ráp tại nhà máy Goertek – nhà máy đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận từ UL rằng ít nhất 90% chất thải không được chuyển tới các bãi chôn lấp – theo báo cáo môi trường của Apple.

Những người ủng hộ phong trào không chất thải trên khắp thế giới muốn loại bỏ chất thải ngay từ khi bắt đầu sản xuất và tiêu dùng. Các chiến lược bao gồm tạo ra hàng hóa từ nguyên liệu có thể phân hủy hoặc thu hồi, chuyển từ thiết kế sử dụng một lần sang thiết kế có thể tái sử dụng hoặc nạp lại, giảm thiểu chủ nghĩa tiêu dùng và tìm cách sử dụng mới cho các phụ phẩm.

Ví dụ, 7 Bridges Brewing – tuyên bố là hãng bia không chất thải đầu tiên ở châu Á – sản xuất xà phòng từ hoa bia và men cũ, đồng thời sử dụng ngũ cốc đã qua sử dụng để làm bánh pizza và thức ăn gia súc. Những câu chuyện về biến vỏ cua thành quần áo, khẩu trang thành vật liệu xây dựng và vải bạt thành ba lô thường xuyên xuất hiện trên truyền thông Việt Nam.

Tuy nhiên, tái chế chỉ nên là biện pháp cuối cùng và có thể tốn kém, theo các nhà hoạt động môi trường. Kim Lê cho biết rất ít vật liệu, như thiếc và đồng, giữ được giá trị để tái chế. Và quá trình này còn phức tạp hơn khi vật liệu bị nhiễm bẩn. Cô nói thêm rằng mọi người sai lầm khi tin rằng chất thải của họ được tái sử dụng. Ví dụ, 91% nhựa không được tái chế.

Thanh Lê của Veritas cảnh báo rằng nhiều người không sẵn sàng từ bỏ sự tiện lợi và chi phí thấp vì môi trường, trong khi các công ty có thể “phủ xanh” hình ảnh của họ bằng các khẩu hiệu môi trường.

Là nguồn phát thải nhựa đại dương lớn thứ 7 toàn cầu, Việt Nam đang cảnh giác với khả năng trở thành bãi rác thải điện tử của thế giới. Đó là lý do tại sao cần luật mới để giải quyết ô nhiễm vì cả lý do môi trường lẫn sức khỏe, theo luật sư Minh Nguyễn. “Trong đại dịch, chúng ta đã học được một bài học vô cùng quý giá, đó là tiền không thể mua được sức khỏe “, ông nói và cho biết thêm rằng các công ty cần phải chi tiền để tuân thủ luật môi trường.