VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Việt Nam nhập khẩu thiết bị quốc phòng của Nhật Bản

Việt Nam nhập khẩu thiết bị quốc phòng của Nhật Bản

16:42 - 12/09/2021

Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh 2 nước đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Hai quốc gia đã ký một thỏa thuận hôm thứ Bảy cho phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật Bản sản xuất sang Việt Nam để thúc đẩy hợp tác, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các vùng biển khu vực.

Thỏa thuận được ký tại Hà Nội trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi sau khi nhậm chức vào năm ngoái. Ông Kishi, trong cuộc họp báo trực tuyến, cho biết Nhật Bản sẽ đẩy nhanh đàm phán với Việt Nam để bán các tàu của Lực lượng Phòng vệ nước này (SDF), sau cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam Phan Văn Giang.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đến Việt Nam ngày 11/9.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đến Việt Nam ngày 11/9.

Việt Nam là quốc gia thứ 11 ký một thỏa thuận như vậy với Nhật Bản, vào thời điểm Trung Quốc đang khẳng định yêu sách của mình ở các vùng biển phía đông và nam nước này.

Một quan chức của Nhật Bản cho biết hiệp định này được đưa ra trong bối cảnh “Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn thiết bị quốc phòng”. Việt Nam có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Nga và dựa vào Nga để mua hầu hết các trang thiết bị, bao gồm cả tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Mối quan hệ này đã có từ thời Chiến tranh Lạnh.

Hiệp định mới sẽ “củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản và dự kiến ​​sẽ đóng góp vào an ninh của đất nước”, ông Kishi nói.

Ông nói thêm rằng 2 nước đã đồng ý hợp tác vì một trật tự dựa trên luật lệ và tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, cũng như việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Những tuyên bố trên có thể hiểu là sự đáp trả lại Bắc Kinh.

Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông, với cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa các tiền đồn của mình.

Trong cuộc họp, ông Kishi nói với ông Giang rằng muốn gửi một thông điệp tới cộng đồng quốc tế để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng”, khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý ở Biển Hoa Đông.

Ông Kishi đưa ra quan điểm của mình là duy trì và củng cố một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ông đồng thời nêu lên những lo ngại liên quan đến một bộ luật của Trung Quốc được thực thi vào tháng 2, cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài mà họ coi là xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã nói với ông Giang rằng “sự ổn định của tình hình ở Đài Loan là quan trọng” đối với an ninh của Nhật Bản và phần còn lại của thế giới. Đồng thời, 2 bộ trưởng quốc phòng cũng đồng ý đẩy mạnh hợp tác song phương, chẳng hạn như thông qua các chuyến tàu và máy bay của SDF ghé cảng tại Việt Nam, và trong lĩnh vực an ninh mạng.

Ông cũng cho biết Nhật Bản sẽ làm việc với Việt Nam để đạt được mục tiêu “dỡ bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược của Triều Tiên đối với tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo ở mọi tầm bắn”.