VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Việt Nam thất thu hơn 5.000 tỷ đồng/năm vì thuốc lá lậu, ngăn chặn ra sao?

Việt Nam thất thu hơn 5.000 tỷ đồng/năm vì thuốc lá lậu, ngăn chặn ra sao?

15:22 - 10/03/2025

Thông tin mới nhất cho thấy, mỗi năm, Việt Nam thất thu hơn 5.000 tỷ đồng do hoạt động buôn lậu thuốc lá gây ra. Theo chuyên gia, để giảm tình trạng buôn lậu thuốc lá cần tăng cường hợp tác xuyên biên giới, đồng thời, Chính phủ cần áp dụng chính sách thuế hài hòa, tăng mức xử phạt.

Tại hội thảo “Dập tắt thuốc lá lậu” tổ chức ở Buriram (Thái Lan) gần đây, ông Rodney Van Dooren, Trưởng Bộ phận Phòng chống buôn lậu của Philip Morris International, cho biết khoảng 15% tổng lượng tiêu thụ thuốc lá ở ASEAN là thuốc lá lậu.

Trong đó có cả Việt Nam, cụ thể, bốn quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã chiếm khoảng 95% sản lượng thuốc lá lậu vào năm 2017. Ông cũng cho biết, năm 2017, toàn khu vực ASEAN thất thu khoảng 2,9 tỷ USD vì nạn buôn lậu thuốc lá, con số này đã tăng lên khoảng 3,7 tỷ USD gần đây, trong đó Việt Nam thất thu hơn 200 triệu USD.

Thực tế là trong những năm gần đây, buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam vẫn diễn ra phức tạp. Theo nguồn tin từ Báo Dân Trí, từ 2019 đến 2023, cả nước ta đã có hơn 59.600 vụ buôn lậu thuốc lá bị phát hiện, với 37,5 triệu bao thuốc bị tịch thu và 22,1 triệu bao bị tiêu hủy. Điều này dẫn đến thất thu thuế cho Nhà nước khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng mỗi năm.

Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2024, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết các lực lượng chức năng đã bắt giữ 7.523 vụ, tịch thu 3,1 triệu bao thuốc lá nhập lậu và tiêu hủy 1,4 triệu bao thuốc giả.

Từ 2019 đến 2023, cả nước ta đã có hơn 59.600 vụ buôn lậu thuốc lá bị phát hiện

Tình trạng thuốc lá nhập luật có lẽ xuất phát từ sự chênh lệch giữa giá và thuế suất của từng nước. Bà Liyana Othman, Giám đốc Vận động chiến dịch cấp cao tại Hội đồng Kinh doanh EU – ASEAN đã khẳng định quan điểm này. Theo bà, sự chênh lệch lớn về giá và thuế suất giữa các nước ASEAN là “miếng mồi” thu hút tội phạm buôn lậu thuốc lá. Đơn cử như thuế thuốc lá ở Singapore, Malaysia hay Thái Lan khá cao. Điều này khiến người tiêu dùng ở các quốc gia này tìm mua thuốc lá lậu với giá rẻ hơn. Chưa kể đến, an ninh biên giới yếu và nạn tham nhũng cũng góp phần vào tình trạng này.

Tại Việt Nam, trong một hội thảo hồi tháng 7/2024, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường nay là Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng thừa nhận đường biên giới phức tạp, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi, trong khi đó, đối tượng vi phạm ngày càng liều lĩnh, manh động.

Trước tình hình này, tại hội thảo “Dập tắt thuốc lá lậu” diễn ra ở Thái Lan, bà Liyana Othman nhấn mạnh rằng việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới là rất quan trọng để giảm tình trạng buôn lậu thuốc lá. Các quốc gia cần tích cực đàm phán và cải thiện mối quan hệ hợp tác để đối phó với vấn đề này. Chính phủ các nước trong ASEAN cũng cần áp dụng chính sách thuế hài hòa, tránh tăng thuế quá cao, điều này có thể làm gia tăng hoạt động buôn lậu.

Hơn nữa, bà cũng đề xuất cần tăng tính răn đe trong xử lý tội phạm, chuẩn hóa mức hình phạt tối thiểu, bao gồm cả phạt tù.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi và giám sát chuỗi cung ứng cũng rất cần thiết để ngăn chặn thuốc lá lậu. Các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội cần chịu trách nhiệm về việc này.

Ông Rodney Van Dooren, Trưởng Bộ phận Phòng chống buôn lậu Tập đoàn Philip Morris International (PMI) cũng khuyến nghị cần hợp tác song phương hoặc đa phương để giải quyết vấn đề buôn lậu thuốc lá. Ông cho biết Singapore có tỷ lệ thuốc lá lậu rất thấp (chỉ 3%) nhờ vào mức phạt cao đối với hành vi vi phạm và việc thực thi pháp luật nghiêm ngặt.

Ông đề xuất ASEAN cần áp dụng các quy định hài hòa, yêu cầu nhà sản xuất và xuất khẩu tuân thủ luật pháp của quốc gia nhập khẩu, đồng thời điều chỉnh các quy định cho dễ thực thi. Cần kiểm tra các lô hàng thuốc lá nghi ngờ khi quá cảnh và lập danh sách cho phép tất cả nhà sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu và các nhãn hiệu liên quan.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, để giảm tình trạng buôn lậu thuốc lá, cần tăng cường hợp tác xuyên biên giới và Chính phủ nên áp dụng chính sách thuế hài hòa cùng với việc tăng mức xử phạt.

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/viet-nam-that-thu-hon-5000-ty-dongnam-vi-thuoc-la-lau-ngan-chan-ra-sao-20250308180801308.htm