VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Việt Nam trồng thêm lúa để tận dụng nhu cầu gạo tăng cao

Việt Nam trồng thêm lúa để tận dụng nhu cầu gạo tăng cao

12:07 - 25/08/2023

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đẩy nhu cầu và giá gạo Việt Nam tăng cao, là cơ hội để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Nhu cầu và giá bán gạo Việt Nam đang tăng vọt sau khi Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – áp đặt hạn chế xuất khẩu vào tháng trước. Các doanh nghiệp trong ngành cho biết giá gạo toàn cầu tăng đột biến là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhưng cũng có lo ngại về thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến vụ mùa.

Tháng trước, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati nhằm cố gắng giữ giá gạo trong nước ở mức thấp. Lệnh cấm này theo sau hạn chế xuất khẩu gạo tấm vào tháng 9 năm ngoái hiện vẫn còn hiệu lực. Lệnh cấm khiến giá gạo toàn cầu tăng vọt, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung hạn chế sẽ thúc đẩy lạm phát lương thực toàn cầu và khiến các nước xuất khẩu khác áp đặt hạn chế tương tự.

Cầu vượt cung

Tại đồng bằng sông Cửu Long – nơi trồng 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước – nông dân nói rằng họ gần như không thể đáp ứng kịp nhu cầu.

Trao đổi với CNA, Một nông dân trồng lúa ở Cần Thơ cho biết tất cả lúa trên cánh đồng 2,6 ha của ông đã được đặt trước, dù phải đến tháng 10 mới có thể thu hoạch. Chỉ vài ngày sau khi lệnh cấm của Ấn Độ có hiệu lực, một thương nhân đã đề nghị mua lúa của ông với giá cao hơn đáng kể giá thị trường thông thường.

Giá lúa trong nước đã tăng 50% lên mức cao nhất trong lịch sử.

Giá lúa trong nước đã tăng 50% lên mức cao nhất trong lịch sử.

“Giá lúa vài năm qua chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg. Nên khi thương nhân đến chào giá 7.000 đồng/kg, tôi vui vẻ chấp nhận”, ông nói. Nhưng giá tiếp tục tăng lên đến 8.000 đồng/kg và không cho thấy dấu hiệu chậm lại, làm người nông dân này tiếc vì đã đồng ý bán quá sớm.

Giá lúa trong nước đã tăng 50% lên mức cao nhất trong lịch sử. Giá gạo xuất khẩu cũng tăng khoảng 35%, mức tăng mạnh nhất trong 15 năm. “Kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo ở đây đã tăng vọt. Giá tăng theo giờ chứ không phải theo ngày”, theo Phạm Phước Hữu, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật.

Thương nhân rơi vào cảnh hỗn loạn

Trong khi giá gạo tăng vọt là tin tốt cho nông dân, các nhà buôn gạo phải đối mặt với tình trạng bất ổn – thậm chí hỗn loạn – khi cầu vượt xa cung.

Ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời – cho biết: “Trong tháng vừa qua, 90% tàu đến Việt Nam không có gạo để vận chuyển … Chỉ 10% có hợp đồng với nông dân và nhà xay xát mới có gạo đủ số lượng và chất lượng cần thiết”.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam ngần ngại ký hợp đồng mới với khách hàng quốc tế do giá gạo biến động mạnh. Họ cũng đang gặp khó khăn trong việc thực hiện những hợp đồng đã ký với người mua. “Sự cạnh tranh giữa các thương nhân vô cùng khốc liệt. Người mua trong nước đang đẩy giá lên cao để có đủ hàng”, ông Hữu nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngần ngại ký hợp đồng mới vì giá biến động mạnh.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngần ngại ký hợp đồng mới vì giá biến động mạnh.

Các chuyên gia trong ngành hy vọng sự biến động hiện này của thị trường sẽ thúc đẩy cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam cải tiến, tạo ra chuỗi giá trị ổn định và tích hợp hơn. Ví dụ, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể hợp tác chặt chẽ hơn với nông dân về kế hoạch gieo trồng, nguồn tài chính, cam kết về giá và khối lượng.

“Bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu nào không liên kết với nông dân sẽ bị thiệt hại. Bây giờ, có sự thay đổi đáng kể, ai có liên kết tốt hơn, có hợp đồng dài hạn với số lượng lớn thì có thể tồn tại và phát triển qua thời kỳ hỗn loạn này”, ông Thuận nói.

Ông cũng bác bỏ lo ngại Việt Nam có thể theo chân Ấn Độ áp đặt hạn chế xuất khẩu gạo. “Thị trường nội địa của chúng tôi tiêu thụ khoảng 30% đến 50% tổng lượng gạo mà chúng tôi sản xuất”, ông nói với CNA. “Vì vậy, xuất khẩu là điều bắt buộc”.

Gạo là loại lương thực chính ở Việt Nam, với mức tiêu thụ trung bình ước tính 90 kg/người/năm, tương đương với lượng tiêu thụ trong nước khoảng 9 triệu tấn/năm.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, nước ta xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu đạt 2,58 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Trồng thêm lúa

Với giá tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng xuất khẩu gạo lên thêm 200.000 tấn trong năm nay, tương đương với diện tích trồng lúa tăng 50.000 ha. Khối lượng xuất khẩu gạo cả năm dự báo tăng 10% so với năm 2022, lên 7,8 triệu tấn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn có thêm 50.000 ha diện tích trồng lúa trong năm nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn có thêm 50.000 ha diện tích trồng lúa trong năm nay.

“Trong điều kiện giá, nhu cầu gạo xuất khẩu tăng như hiện nay, việc mở rộng diện tích trồng lúa là phản ứng linh hoạt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Tuy nhiên, các nhà buôn gạo nhấn mạnh rằng Việt Nam không thể lấp đầy khoảng trống nguồn cung do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ tạo ra, vì Ấn Độ chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu. Gạo Việt Nam cũng thường chào bán với giá cao hơn so với gạo Ấn Độ.

Lo ngại El Nino

Không có dự báo thời tiết cực đoan nào ảnh hưởng đến vụ lúa năm nay của Việt Nam, nhưng triển vọng năm 2024 khó đoán hơn. Theo ông Cường, vụ đông xuân năm 2023-2024 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết như xâm nhập mặn và thời tiết El Nino khô hạn.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Việt Nam đã rút kinh nghiệm từ quá khứ trong đối phó với thời tiết như vậy. Các phương pháp giải quyết ví dụ như điều chỉnh thời gian gieo trồng. Đồng bằng sông Cửu Long có thể thu hoạch 3 vụ lúa mỗi năm với mỗi vụ 100 ngày.

Việt Nam cũng tận dụng hệ thống đê điều và thủy lợi để đối phó với tình trạng nước biển xâm nhập hoặc hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông cho biết El Nino khô hạn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, nhưng tin rằng tác động sẽ được giảm thiểu.