VNReport»Kinh tế»Việt Nam ủng hộ công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình

Việt Nam ủng hộ công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình

12:23 - 04/08/2022

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên khởi động lại các dự án điện hạt nhân.

Việt Nam luôn ủng hộ việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại phiên thảo luận có chủ đề “Không phổ biến, năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu” do Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm chủ trì ngày 2/8 tại New York.

Cuộc thảo luận là một sự kiện bên lề của Hội nghị rà soát lần thứ 10 của các bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Ông Ngọc tái khẳng định các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), đặc biệt là mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông đánh giá cao tiềm năng và lợi ích của điện hạt nhân, nhưng cho rằng việc phát triển điện hạt nhân cần đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân và tuân thủ các quy định về thanh tra hạt nhân.

Vị quan chức này cũng khẳng định Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nghĩa vụ đối với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và cam kết tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của cơ quan này trong việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Cùng ngày, ông Ngọc đã gặp và làm việc với Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Điều phối Chiến lược Volker Turk, cùng các trưởng đoàn các nước Anh, Kyrgyzstan, Na Uy, Romania, Slovenia và Australia. Các bên trao đổi về các vấn đề song phương, cũng như tình hình quốc tế và khu vực, và các ưu tiên sẽ được thúc đẩy tại Hội nghị này và hợp tác tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc.

Ông Ngọc khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc thúc đẩy cân bằng 3 trụ cột của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời cho rằng các nước cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Ông cũng nhấn mạnh quyền của các quốc gia trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, cũng như vai trò quan trọng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Gần đây, Quốc hội đề cập đến khả năng trở lại phát triển điện hạt nhân, sau nhiều năm tạm dừng. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được phê duyệt chủ trương xây dựng từ năm 2009, nhưng đã tạm dừng từ năm 2016 do lo ngại về tính an toàn sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011.

Dự thảo mới nhất của Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) mà Bộ Công Thương trình lên Chính phủ vẫn không đề cập đến điện hạt nhân. Nhưng ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên cân nhắc khởi động lại các dự án điện hạt nhân để giúp đảm bảo an ninh năng lượng mà không ảnh hưởng đến những mục tiêu về phát thải carbon.