VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Việt Nam và Ấn Độ có tiềm năng hợp tác thiết lập chuỗi cung ứng

Việt Nam và Ấn Độ có tiềm năng hợp tác thiết lập chuỗi cung ứng

14:52 - 30/09/2022

Các chuyên gia Ấn Độ cho rằng hai nước có tiềm năng thiết lập chuỗi cung ứng mới, kết nối Ấn Độ với Đông Nam Á.

Theo các nhà phân tích Ấn Độ, Việt Nam và Ấn Độ có tiềm năng hợp tác lớn trong việc thiết lập chuỗi cung ứng sau Covid 19, đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả hai nền kinh tế trong 2 năm qua do sự gián đoạn khu vực và toàn cầu.

Ông Sanjaya Baru – cựu Tổng thư ký Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ – cho biết rằng Ấn Độ đang cố gắng thiết lập các chuỗi cung ứng mới để khắc phục hậu quả của Covid-19 và Việt Nam được coi là một đối tác tiềm năng.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn vì đã tham gia ký kết một số hiệp định thương mại tự do.

“Ấn Độ và Việt Nam có thể làm việc cùng nhau trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới để xuất khẩu của Ấn Độ sang Đông Nam Á và Đông Á có thể được tăng cường thông qua các liên doanh”, ông Baru nói.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ ở New Delhi vào tháng 12 năm ngoái, hai nước đã ký 12 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, chế biến dầu khí và năng lượng, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

Trong khi đó, Jagannath Panda, người đứng đầu trung tâm Stockholm về các vấn đề Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mô tả Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng Đông Nam Á và Ấn Độ.

Ông đánh giá cao quan hệ Việt Nam – Ấn Độ, đang ngày càng tiến triển tốt đẹp và phát triển thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2017.

Theo Amitendu Palit – nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore ­– một bước ngoặt trong quan hệ là sự khởi động chính sách Hướng Đông của Ấn Độ vào năm 1991, nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và chiến lược sâu rộng hơn với các nước Đông Nam Á.

Thành công của chính sách Hướng Đông khuyến khích Ấn Độ tham gia tích cực hơn, dẫn đến chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, được công bố vào năm 2014. Các chính sách này khiến Ấn Độ hướng ngoại nhiều hơn, ông Palit cho biết.