VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Việt Nam vượt Bangladesh thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới

Việt Nam vượt Bangladesh thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới

09:02 - 03/08/2021

Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.

Theo số liệu thống kê mới nhất về thương mại thế giới năm 2021, do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố, Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.

Suốt 10 năm qua, thị phần của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ. Trong năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng trưởng 6,4% với giá thị trường đạt 29 tỷ USD.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực hàng may mặc của Bangladesh đã giảm từ 6,8% xuống còn 6,3% trong năm 2020. Do đó, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh về xuất khẩu hàng may mặc và chỉ đứng sau Trung Quốc – quốc gia có thị phần chiếm 31,6%, với giá trị xuất khẩu đạt 142 tỷ USD.

Việt Nam vượt Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới

Sản lượng hàng may mặc của Bangladesh sụt giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các nhà máy phải đóng cửa do nhiều nhãn hàng phương Tây hủy hợp đồng hoặc trì hoãn việc thanh toán. Trong khi đó, Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa sản xuất, không chỉ là hàng may mặc thời trang nhanh (giá rẻ, hợp thời trang) mà còn cả quần áo và phụ kiện tầm trung và cao cấp.

Năm 2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và điều này cũng giúp thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu.

Đồng tiền của Việt Nam so với đồng USD cũng ít có sự biến động về giá khi thị trường sụt giảm. Đời sống chính trị xã hội Việt Nam ổn định hơn so với các nước như Bangladesh, Ấn Độ và người dân được tiếp cận với cơ sở hạ tầng giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt hơn cũng là điều kiện thuận lợi để ngành dệt may phát triển. Ngoài ra, do có vị trí gần Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô và máy móc phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Xuất khẩu dệt may trong cả năm 2021 có thể chỉ đạt khoảng 32-33 tỷ USD, thay vì con số 39-39,5 tỷ USD như mục tiêu đặt ra từ đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát.

Hiện tại, tỷ trọng các nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30-35%. Bên cạnh đó, người lao động đang rời khu vực phía Nam, cụ thể như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về các tỉnh miền Tây Nam bộ, Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ. Nếu số lao động có quay trở lại sau giãn cách khả năng chỉ đạt được 60-65% Do đó, doanh nghiệp hoạt động trở lại là thách thức rất lớn.

Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vaccine của ngành dệt may Việt Nam hiện còn rất thấp. Nếu doanh nghiệp không được tiêm vaccine sẽ làm đứt gãy nguồn cung, đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành dệt may Việt Nam cho toàn cầu.