VNReport»Kinh tế»Tài chính»VietinBank bán nợ xấu tiêu dùng

VietinBank bán nợ xấu tiêu dùng

11:14 - 04/06/2021

VietinBank rao bán khoản nợ của 9 khách hàng với giá trị sổ sách hơn 75,5 triệu đồng vào ngày 17/5

Thời gian gần đây, VietinBank liên tục có thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng. Chẳng hạn, ngày 17/5, ngân hàng này rao bán khoản nợ của 9 khách hàng với giá trị trên sổ sách là hơn 75,5 triệu đồng, bao gồm cả gốc, lãi và lãi phạt. Trong đó, khoản nợ cao nhất là hơn 16 triệu đồng, thấp nhất chỉ hơn 1 triệu đồng.

Ngân hàng này cũng lưu ý, giá khởi điểm chưa bao gồm các chi phí liên quan đến chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản và các chi phí khác khi mua nợ, sẽ do người trúng đấu giá chịu. Ngân hàng có thể bán các khoản nợ riêng lẻ, một số hoặc tất cả các khoản nợ đó.

Khoản nợ của 9 khách hàng nói trên được rao bán với giá khởi điểm hơn 83 triệu đồng, trước khi giảm xuống còn 75,5 triệu đồng.

VietinBank rao bán khoản nợ của 9 khách hàng với giá trị sổ sách hơn 75,5 triệu đồng vào ngày 17/5

VietinBank rao bán khoản nợ của 9 khách hàng với giá trị sổ sách hơn 75,5 triệu đồng vào ngày 17/5

Ngoài ra còn có một số khoản nợ được rao bán nhiều lần hoặc giảm giá bán. Một khoản nợ khác của nhóm 15 khách hàng cũng được VietinBank rao bán lần hai với giá giảm 15 triệu đồng so với cách đây vài ngày xuống còn gần 151 triệu đồng. Vì đây là các khoản vay tiêu dùng nên không có tài sản đảm bảo. Khoản vay lớn nhất là 40 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi), còn khoản vay nhỏ nhất là hơn 4 triệu đồng.

VietinBank cho biết đây là bước thử nghiệm nhằm kích hoạt thị trường mua bán nợ cho vay tiêu dùng. Theo đại diện ngân hàng này, nhiều người chỉ quen với những khoản nợ lớn và có tài sản đảm bảo, còn cho vay tiêu dùng thì chưa ngân hàng nào chào bán công khai. Thực tế, nhiều đơn vị muốn mua các khoản nợ này là đơn vị đã có giấy phép kinh doanh thu hồi nợ.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng – tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – cho rằng việc các ngân hàng công khai bán nợ cho thấy thị trường mua bán nợ Việt Nam đã bắt đầu hình thành. Đây là tín hiệu đáng mừng vì các tổ chức tín dụng đã phải tính toán để bán đi các khoản nợ, kể cả nợ cho vay tiêu dùng để đảm bảo vốn lưu động.

Tuy nhiên, một tổng giám đốc ngân hàng cho biết, trên thực tế, việc bán nợ tín chấp đủ gốc và lãi là rất khó, khoản thu được luôn thấp hơn khoản cho vay ban đầu. Nhiều tổ chức quốc tế có quy định bán khoản nợ nhóm 5 – nhóm có khả năng trả nợ thấp nhất –với giá rất thấp, có khi chỉ bằng 5% giá trị khoản vay. Khi đó, người mua nợ chỉ cần thu từ 7 – 8% giá trị khoản vay là có thể sinh lời.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần tại TP HCM cho biết, ngân hàng đã tính đến việc bán nợ xấu cho vay tiêu dùng nhưng sau đó lại chọn cách thu nợ của khách hàng thay vì bán nợ. Bán nợ sẽ nhanh hơn, nhưng ngân hàng phải chấp nhận trả giá thấp, chỉ 10 – 20%, cao nhất cũng chỉ khoảng 30% giá trị khoản nợ đó.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 3, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 1.867 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm ngoái. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống không liên quan đến nhà ở là 760.302 tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xếp cho vay tiêu dùng vào các lĩnh vực cần tăng cường quản lý rủi ro. Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn hệ thống đã xử lý được 716,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý chiếm tỷ trọng lớn với 566,3 nghìn tỷ đồng, nợ xấu bán cho VAMC là 139,9 nghìn tỷ đồng. Chỉ 1,47%, tương đương 10,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu được bán cho các tổ chức và cá nhân khác.