VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»VietJet khai thác máy bay Trung Quốc trên các tuyến nội địa từ tháng 4/2025?

VietJet khai thác máy bay Trung Quốc trên các tuyến nội địa từ tháng 4/2025?

13:51 - 11/04/2025

Hãng hàng không giá rẻ VietJet sẽ khai thác máy bay COMAC ARJ21-700 do Trung Quốc sản xuất (còn được gọi là C909), trên các tuyến bay nội địa lần đầu tiên vào giữa tháng 4, theo một tài liệu của công ty mà Reuters đã tiếp cận được.

Theo tài liệu này, VietJet có kế hoạch khai thác 4 chuyến bay giữa thủ đô Hà Nội và Côn Đảo vào ngày 15/4. Hãng cũng sẽ khai thác 4 chuyến bay giữa TP HCM và Côn Đảo vào cùng ngày.

VietJet đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Chiếc COMAC C909 bay trên bầu trời tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc (Airshow China) tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 12/11/2024. Ảnh: REUTERS/Tingshu Wang.

Chiếc COMAC C909 bay trên bầu trời tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc (Airshow China) tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 12/11/2024. Ảnh: REUTERS/Tingshu Wang.

C909 là loại máy bay phản lực chở khách tầm ngắn đến trung bình được sản xuất bởi Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC). Máy bay này có sức chứa từ 78-95 hành khách và tốc độ hành trình khoảng 825 km/h. C909 có tầm bay từ 2.225-3.700 km.

Máy bay C909 được đánh giá là phù hợp với thị trường Đông Nam Á, với khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường băng ngắn, hẹp.

COMAC vừa bàn giao chiếc máy bay C909 đầu tiên cho Lao Airlines. Đây là lần đầu tiên máy bay phản lực chở khách của Trung Quốc thâm nhập thị trường Lào, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình quốc tế hóa máy bay thương mại của Trung Quốc.

Nhà sản xuất máy bay của Trung Quốc hiện đang nỗ lực mở rộng hoạt động ra nước ngoài với các thỏa thuận mới cung cấp máy bay chở khách cho các nước láng giềng châu Á.

Thỏa thuận cho phép C909 bay ở Lào được đánh giá là sẽ thúc đẩy hơn nữa tham vọng của COMAC trong việc xuất khẩu các dòng máy bay, bao gồm cả máy bay phản lực C919 lớn hơn, ra nước ngoài.

Tính đến ngày 5/1/2025, khoảng 160 chiếc C909 đã được bàn giao cho 12 hãng hàng không, trong đó có 11 hãng của Trung Quốc và 1 hãng của Indonesia; khai thác tổng cộng 645 đường bay, kết nối 158 thành phố, vận chuyển an toàn hơn 20 triệu lượt hành khách.

Indonesia hiện là quốc gia đầu tiên bên cạnh Trung Quốc vận hành máy bay COMAC.

Theo báo cáo của COMAC, không có tai nạn hoặc sự cố nghiêm trọng nào xảy ra với máy bay C909 kể từ khi được đưa vào khai thác.

Ở động thái liên quan, hãng tin Reuters cũng dẫn tài liệu cho thấy VietJet sẽ ký một thỏa thuận tài chính trị giá 200 triệu USD với một đối tác của quỹ đầu tư KKR, trong một cuộc họp dự kiến diễn ra tại Washington vào tuần tới, với sự tham dự của nhà sản xuất máy bay Boeing.

Theo lịch trình đã định, các lãnh đạo VietJet sẽ ký thỏa thuận tài chính với Công ty Tài chính AV Air (một đối tác của KKR) tại Đại sứ quán Việt Nam ở Washington vào ngày 9/4 tới đây. Sự kiện này có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Theo tài liệu, thỏa thuận tài chính được ký kết nhằm hỗ trợ hoạt động mua máy bay của hãng.

Tại sự kiện, các lãnh đạo VietJet cũng sẽ gặp gỡ đại diện Boeing để thảo luận về hợp tác chiến lược, đồng thời “khẳng định cam kết mở rộng mối quan hệ đối tác”.

VietJet từng ký thỏa thuận mua 200 máy bay Boeing 737 MAX từ năm 2016 và đã có điều chỉnh sau đó, tuy nhiên đến nay hãng vẫn chưa nhận bất kỳ chiếc nào. Một nguồn tin nắm rõ cuộc đàm phán tiết lộ rằng VietJet cũng đang cân nhắc đặt mua thêm 20 máy bay Boeing 787.

Trong tuyên bố hồi tháng 1 năm nay, VietJet cho biết họ đang nắm giữ các thỏa thuận trị giá gần 50 tỷ USD với các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, trong đó có Boeing, và đang tiến hành đàm phán thêm các hợp đồng trị giá khoảng 14 tỷ USD nữa.

Hãng cũng thông báo rằng Boeing sẽ bắt đầu bàn giao 14 chiếc đầu tiên trong tổng số 200 máy bay đặt mua ngay trong năm nay.

Theo:

https://vietnamfinance.vn/reuters-vietjet-khai-thac-may-bay-trung-quoc-tren-cac-tuyen-noi-dia-tu-giua-thang-4-d124788.html