VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»VNG dự định triển khai một dịch vụ giống ChatGPT

VNG dự định triển khai một dịch vụ giống ChatGPT

19:33 - 18/11/2023

Công ty công nghệ Việt Nam hy vọng tạo ra nguồn thu mới khi tìm cách niêm yết cổ phiếu ở Mỹ.

Theo Nikkei Asia, Công ty cổ phần VNG có kế hoạch triển khai một dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) giống ChatGPT dành riêng cho người nói tiếng Việt, hy vọng tạo ra nguồn thu mới khi tìm cách niêm yết cổ phiếu ở Mỹ.

Kỳ lân công nghệ – nhận đầu tư từ Tencent và Ant Group của Alibaba – sở hữu một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Việt Nam hơn Facebook và gần đây mở rộng nó với chức năng dịch ngôn ngữ. VNG cho biết, sắp tới, họ sẽ bổ sung tính năng AI tạo sinh, có thể cho phép người dùng thực hiện nhiều tác vụ từ viết email đến nhận trả lời cho các câu hỏi.

Người dùng Internet Việt Nam và thế giới đổ xô đến ChatGPT hồi đầu năm nay, nhưng các câu trả lời của chatbot này bằng tiếng Việt có vẻ kém chính xác hơn bằng tiếng Anh. Điều đó mang lại cơ hội cạnh tranh cho các công ty trong nước.

Hồi tháng 8, VNG nộp đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq – nơi mà hãng xe điện VinFast đã niêm yết thành công. Nhưng sau đó, VNG hoãn niêm yết với lý do tình hình thị trường cổ phiếu không thuận lợi.

“Tôi muốn thế giới thấy rõ có một công ty xứng đáng với danh hiệu “công ty công nghệ toàn cầu” có trụ sở tại Việt Nam”, nhà sáng lập kiêm CEO VNG Lê Hồng Minh nói với Nikkei Asia. “Điểm mạnh của VNG là chúng tôi vừa lãng mạn vừa thực tế”.

Văn phòng của VNG ở TP HCM.

Văn phòng của VNG ở TP HCM.

Trong hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào tháng 8, VNG cho biết đang xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn bằng tiếng Việt cho “sáng tạo nội dung, dịch ngôn ngữ và chatbot”. Những mô hình như vậy được tạo trên hàng núi dữ liệu văn bản, và các nhà phân tích cho rằng việc kiểm duyệt tạo ra một trở ngại trong quá trình xây dựng chúng.

Thành lập vào năm 2004, VNG đã phát triển từ một công ty phát hành game điện tử thành một tập đoàn gồm 34 công ty con, với các mảng kinh doanh bao gồm công nghệ tài chính, trung tâm dữ liệu, dịch vụ âm nhạc Zing và Zalo – ứng dụng nhắn tin có 75 triệu người dùng.

Ngoài việc tạo ra một đối thủ của ChatGPT, công ty còn có một loạt ứng dụng khác cho AI: hỗ trợ một trợ lý giọng nói giống như Alexa của Amazon hay Siri của Apple, tạo hình ảnh và âm thanh trong game, đọc bản quét khuôn mặt để vào văn phòng công ty ở TP HCM.

“Chúng tôi cố gắng kết hợp AI vào tất cả các sản phẩm của mình, cho dù đó là game hay Zalo, thanh toán hay đám mây”, Phó chủ tịch điều hành Vương Quang Khải – người dẫn đầu bước tiến vào AI của VNG – nói với Nikkei.

Ông Minh cho biết các khu vực mới đang thách thức sự thống trị của Mỹ trong ngành công nghệ, mô tả đó là một “sự phát triển tự nhiên”, rằng sẽ có “rất nhiều công ty đến từ các quốc gia khác nhau”. Một ví dụ mà ông nhắc đến là ngành bán dẫn – lĩnh vực có những gã khổng lồ ở Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc, cũng như Hà Lan và Anh.

Ông bày tỏ mong muốn đưa Việt Nam trở thành một người chơi lớn trong ngành công nghệ. Đối với VNG, điều đó đòi hỏi chiến lược dài hạn, đặc biệt là khi bị cạnh tranh mạnh mẽ trong hai lĩnh vực chủ chốt của mình là trung tâm dữ liệu và tự phát triển game.

Công ty vẫn chưa tìm được nguồn lợi nhuận để giảm bớt sự phụ thuộc vào game từ bên thứ ba, vốn mang lại 80% doanh thu cho công ty. Tiền bản quyền game là một trong những khoản chi lớn nhất của VNG, lên tới 784 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Bên cạnh việc thúc đẩy các game tự phát triển và bán ra nước ngoài, công ty sẽ thử “bán chéo” nhiều hơn, chẳng hạn như biến người chơi thành người dùng ví ZaloPay khi họ mua vật phẩm trong game.

Trong khi đó, ZaloPay đang lỗ lớn khi cung cấp cho người dùng nhiều ưu đãi nhằm giành thị phần trước các đối thủ như Momo.

Công ty báo lỗ 650 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, so với mức lỗ 390 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Hồ sơ gửi lên SEC cũng cho biết cấu trúc doanh nghiệp của VNG “chưa từng có và chưa được thử tại bất kỳ tòa án nào”. Họ dự kiến niêm yết công ty mẹ, đăng ký tại quân đảo Cayman, đang sở hữu 49% cổ phần tại VNG – giới hạn sở hữu nước ngoài theo luật Việt Nam – cộng với 21% cổ phần gián tiếp.

Các nhà đầu tư bao gồm Temasek, GIC, Tencent và Ant Group dự kiến sẽ nhận cổ phiếu sau khi VNG IPO.

“Các hạn chế đầu tư nước ngoài luôn là mối lo ngại, cũng như các yêu cầu đầu tư ra nước ngoài”, theo một luật sư ở Tilleke & Gibbins.

Zing News – một trang tin tức nổi tiếng của VNG – bị Bộ Thông tin và Truyền thông đình chỉ hoạt động vào tháng 7. Nói về những rủi ro chính sách như vậy, ông Minh cho biết: “Bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ có quy định để đảm bảo nội dung trực tuyến được an toàn”.

Theo hồ sở gửi SEC, công ty cho biết: “VNG Cloud có thể được hưởng lợi từ “lợi thế sân nhà” vì Hà Nội yêu cầu dữ liệu phải được lưu trữ trên “các máy chủ đặt tại Việt Nam””. Nhưng công ty cũng cảnh báo rằng cần có sự đồng ý của nhà nước để chuyển dữ liệu ra nước ngoài, sự đồng ý của người dùng đối với quảng cáo, và các bước khác theo luật trong nước có thể ảnh hưởng “tiêu cực” đến hoạt động kinh doanh.

Tại Việt Nam, 90% người dùng trực tuyến sử dụng Zalo, so với 77% sử dụng TikTok và Facebook Messenger, theo DataReportal.