VNReport»Kinh tế»Vốn FDI vào Việt Nam giảm tháng thứ 7 liên tiếp

Vốn FDI vào Việt Nam giảm tháng thứ 7 liên tiếp

10:50 - 26/08/2022

Tính đến ngày 20/8, vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam sụt giảm 43,9% so với cùng kỳ. 

Vỗ FDI đăng kí mới liên tiếp sụt giảm

Theo số liệu mới công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,8 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, tới cuối tháng 8, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 6,35 tỷ USD, giảm 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng nghĩa, đây là tháng thứ 7 liên tiếp kể từ đầu năm, vốn FDI đăng ký mới sụt giảm so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân vốn FDI đăng ký mới tiếp tục sụt giảm, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, vốn đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn sau gián đoạn của các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm trước những diễn biến gần đây của thế giới như xung đột Nga – Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát leo cao… thì dòng vốn FDI mới chảy vào các quốc gia Đông Nam Á sẽ có những tác động nhất định. Nhà đầu tư trở nên dè dặt và cẩn trọng hơn với các quyết định đầu tư mới.

Vốn FDI đăng ký mới 8 tháng đầu năm 2022 sụt giảm so với cùng kỳ

Điểm tích cực là vốn FDI thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2022 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng thêm 0,3 điểm % so với thống kê của 7 tháng. Đồng thời, tuy vốn đầu tư đăng ký mới giảm, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ, lần lượt là 50,7% và 3,6%.

Trong kỳ, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD, chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,3%, 25,3% và 16,1% tổng số dự án.

So với số thống kê ở tháng liền kề, vừa có thêm 6 quốc gia/vùng lãnh thổ mới đầu tư vào nước ta, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam lên con số 94. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,53 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3,5 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 43,7% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 7 tháng đầu năm 2022 – tăng thêm 2 địa phương so với tháng trước đó. TP HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,7 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,64 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn, tăng 57,9% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,75 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn và tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế tới cuối tháng 8/2022, cả nước có 35.539 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 430 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 264,4 tỷ USD, bằng 61,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Tận dụng cơ hội đón sóng đầu tư mới

Dù vốn đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn song niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng đầu tư của Việt Nam vẫn rất lớn. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhận định, sau đại dịch, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới. Các ngành công nghiệp có nhiều triển vọng đón nhận dịch chuyển đầu tư đều là các ngành sản xuất chủ lực, có đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam như: chế biến thực phẩm, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, công nghiệp sản xuất hàng điện tử và linh kiện, công nghiệp chế biến, ô tô…

Thực tế, sóng đầu tư vẫn đang đến Việt Nam. Điển hình như Samsung cam kết sẽ tiếp tục đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay. Foxconncũng đang lên kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Ngoài ra, hàng loạt tên tuổi lớn khác như Luxshare, Goertek… đã không ngừng mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua.

Đánh giá cao xu hướng này, ông Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam đang có cơ hội đón sóng FDI. Đó là việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19; các lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa; sự quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương…

Qua thời gian, các nút thắt, điểm hạn chế đang dần được quan tâm, tháo gỡ, khắc phục một cách nhanh chóng nhằm đáp ứng yêu cầu của giới đầu tư và đã mang lại hiệu quả thiết thực. “Đó là sự cải thiện rõ nét về hệ thống hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông đường bộ, cảng biển; khả năng sẵn sàng cung ứng về nguồn nhân lực. Đặc biệt là Chính phủ đã tạo môi trường đầu tư – kinh doanh ngày càng thông thoáng, cởi mở, phù hợp với thông lệ quốc tế bên cạnh lợi thế hội nhập của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài khẳng định.

Tuy vậy, để tận dụng tối đa cơ hội của sự dịch chuyển vốn đầu tư này vẫn phụ thuộc rất lớn vào chính sách, sự sẵn sàng chuẩn bị của Việt Nam, bao gồm cả đất đai, nguồn nhân lực, hạ tầng… Và còn rất nhiều việc Việt Nam phải làm để có thể thực sự “đón sóng” FDI.