VNReport»Kinh tế»Tài chính»VPBank hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho Ngân hàng Nhật Bản SMBC

VPBank hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho Ngân hàng Nhật Bản SMBC

14:52 - 27/03/2023

Thương vụ trị giá 35,9 nghìn tỷ đồng cho phép SMBC – một trong những tập đoàn ngân hàng lớn nhất Nhật Bản – mở rộng sự hiện diện ở Việt Nam. Thông qua hợp tác với SMBC, VPBank có thể thu hút các khách hàng doanh nghiệp lớn và tập đoàn đa quốc gia.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức bán 15% cổ phần với giá 35,9 nghìn tỷ đồng (1,5 tỷ USD) cho Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC). Thỏa thuận này mở rộng sự hiện diện của một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

Sau thương vụ này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất của Việt Nam tính theo vốn chủ sở hữu, tăng từ 103,5 tỷ đồng lên 139,4 tỷ đồng.

“Khoản đầu tư này nằm trong kế hoạch bổ sung vốn từ năm 2022 của VPBank và giúp ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng”, VPBank cho biết trong một tuyên bố đưa ra sau lễ ký kết.

Sau thương vụ, vốn chủ sở hữu của VPBank tăng từ 103,5 tỷ đồng lên 139,4 tỷ đồng, lớn nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.

Sau thương vụ, vốn chủ sở hữu của VPBank tăng từ 103,5 tỷ đồng lên 139,4 tỷ đồng, lớn nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.

SMBC là thành viên của Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) – tập đoàn tài chính ngân hàng lớn thứ hai của Nhật Bản. Thông qua các thương vụ mua lại, SMFG đang tìm cách nắm bắt sự tăng trưởng ở các thị trường mới nổi châu Á, trong bối cảnh tiềm năng kinh doanh ở Nhật Bản hạn chế với lãi suất siêu thấp và dân số già.

Vào cuối năm 2021, SMBC từng mua 49% cổ phần của công ty cho vay tiêu dùng FE Credit từ VPBank. Mức giá cho thỏa thuận này là 1,4 tỷ USD.

Cổ phiếu của VPBank tăng mạnh trong 2 tuần qua sau khi xuất hiện thông tin ngân hàng này chuẩn bị bán cổ phần cho SMBC. Tổng cộng trong năm nay, cổ phiếu VPB của ngân hàng đã tăng hơn 18%, đưa giá trị vốn hóa của nó lên mức hơn 140.000 tỷ đồng.

Năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank tăng 48% so với năm trước lên hơn 21.200 tỷ đồng, đứng thứ 5 trong số các ngân hàng thương mại niêm yết. Xét theo tổng tài sản, VPBank là ngân hàng thương mại tư nhân lớn thứ 4 ở Việt Nam với bảng cân đối kế toán trị giá 631 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022.

Thỏa thuận mua bán của VPBank và SMBC được thực hiện sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo cho phép tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) ở một số ngân hàng thương mại. Đây là các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bao gồm MB, HDBank và VPBank. Theo đó, room ngoại của VPBank có thể được tăng lên từ 30% đến 49%.

VPBank đang có thế mạnh ở nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cho vay cá nhân. Thông qua hợp tác với SMBC, ngân hàng này có thể mở rộng đối tượng khách hàng sang cả nhóm doanh nghiệp lớn, bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. SMBC hiện có hơn 200.000 khách hàng là doanh nghiệp lớn và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

SMBC sẽ chia sẻ với VPBank chuyên môn về tài chính cấu trúc và tín dụng liên quan đến môi trường để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Trong khi đó, các doanh nghiệp khách hàng lớn của SMBC có thể sử dụng dịch vụ tài chính của VPBank và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua VPBank.