VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Wall Street Journal: Mỹ muốn dùng đàm phán thuế quan để cô lập Trung Quốc

Wall Street Journal: Mỹ muốn dùng đàm phán thuế quan để cô lập Trung Quốc

10:04 - 16/04/2025

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent muốn các đối tác thương mại hạn chế giao dịch kinh tế với Trung Quốc để đổi lấy các nhượng bộ về thuế quan đối ứng.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn dùng đàm phán thuế quan để gây sức ép khiến các đối tác thương mại của Mỹ hạn chế giao dịch với Trung Quốc, những người biết về các cuộc thảo luận nói với Wall Street Journal.

Ý tưởng là đàm phán để các đối tác thương mại của Mỹ đưa ra những cam kết nhằm cô lập nền kinh tế Trung Quốc, đổi lấy việc giảm các rào cản thương mại và thuế quan do Nhà Trắng áp đặt. Giới chức Mỹ có kế hoạch sử dụng đàm phán với hơn 70 quốc gia để yêu cầu họ không cho phép Trung Quốc vận chuyển hàng hóa qua nước họ, ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc đặt trụ sở tại lãnh thổ họ để tránh thuế quan Mỹ và không hấp thụ hàng công nghiệp giá rẻ của Trung Quốc vào nền kinh tế họ.

Các biện pháp đó nhằm mục đích gây hại đến nền kinh tế vốn đang yếu kém của Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải ngồi vào bàn đàm phán với ít đòn bẩy hơn trước các cuộc thương lượng có thể diễn ra giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các yêu cầu cụ thể có thể khác nhau nhiều tùy theo quốc gia, do mức độ quan hệ của họ với kinh tế Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết giới chức Mỹ đã nêu ý tưởng này trong đàm phán ban đầu với một số quốc gia. Bản thân ông Trump đã ám chỉ đến chiến lược này khi vào ngày 15/4, trên chương trình “Fox Noticias”, trả lời câu hỏi về việc Panama rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, ông cho biết ông sẽ cân nhắc thúc đẩy các nước lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một trong những bộ não đằng sau chiến lược này là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent. Ông Bessent đã giữ vai trò lãnh đạo trong đàm phán thương mại kể từ khi ông Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế quan đối ứng trong 90 ngày đối với các nước trừ Trung Quốc.

Ông Bessent đã trình bày ý tưởng này với ông Trump trong cuộc họp ngày 6/4 tại câu lạc bộ Mar-a-Lago, các nguồn tin cho biết. Họ nói rằng những nhượng bộ từ các đối tác thương mại của Mỹ có thể ngăn Bắc Kinh và các doanh nghiệp nước này tránh thuế quan, lệnh kiểm soát xuất khẩu và những biện pháp kinh tế khác của Mỹ.

Container tại một cảng ở phía nam Trung Quốc. Ảnh: Jade Gao/AFP/Getty Images.

Container tại một cảng ở phía nam Trung Quốc. Ảnh: Jade Gao/AFP/Getty Images.

Đây là một phần trong chiến lược mà ông Bessent thúc đẩy nhằm cô lập nền kinh tế Trung Quốc, gần đây được các quan chức của ông Trump quan tâm hơn. Họ đang tranh luận về quy mô và mức độ thuế quan, nhưng có vẻ họ hầu hết đồng ý với kế hoạch của ông Bessent về Trung Quốc.

Chiến lược này bao gồm việc cắt đứt Trung Quốc khỏi nền kinh tế Mỹ bằng thuế quan và thậm chí có thể loại cổ phiếu Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch của Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Fox Business, ông Bessent không loại trừ khả năng hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc.

Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của chính sách với Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng.

Ông Bessent cũng cho biết vẫn còn chỗ để Mỹ và Trung Quốc có thể thương lượng. Các cuộc đàm phán như vậy sẽ phải có sự tham gia của ông Trump và ông Tập. Trong cuộc họp báo ngày 15/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã đọc một tuyên bố mới của ông Trump cho thấy thỏa thuận với Trung Quốc vẫn còn xa.

“Quả bóng đang ở trong tay Trung Quốc”, bà Leavitt nói khi đọc tuyên bố của ông Trump. “Trung Quốc cần phải đạt được thỏa thuận với chúng ta. Chúng ta không cần phải đạt được thỏa thuận với họ. Trung Quốc muốn những gì chúng ta có… người tiêu dùng Mỹ”.

Cũng không rõ đường lối chống Trung Quốc đã đi vào cuộc đàm phán với tất cả các nước hay chưa. Một số quốc gia chưa nghe thấy Mỹ đưa ra yêu cầu liên quan đến Trung Quốc, theo những người quen thuộc với các cuộc đàm phán, dù họ thừa nhận việc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu. Nhiều nước dự đoán rằng sớm hay muộn, chính quyền Trump sẽ đưa ra các yêu cầu liên quan đến Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã đưa ra một danh sách các nước mà ông nghĩ rằng có thể sớm đạt được thỏa thuận với Mỹ. Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã đưa ra một danh sách các nước mà ông nghĩ rằng có thể sớm đạt được thỏa thuận với Mỹ. Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images.

Trước đây, ông Bessent từng thể hiện mong muốn có được cam kết chống Trung Quốc từ các đối tác thương mại của Mỹ. Hồi cuối tháng 2, ông cho biết Mexico đã đề nghị áp thuế quan tương đương thuế quan của Mỹ với Trung Quốc khi đàm phán về thuế quan mà ông Trump áp với Mexico do hoạt động buôn bán fentanyl. Ông Bessent gọi đề nghị này là một “cử chỉ đẹp”, dù nó không nhận được nhiều sự quan tâm trong chính quyền Trump.

Kể từ đó, ông Bessent ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong đàm phán thương mại, trở thành người đứng đầu trong các cuộc đàm phán về thuế quan đối ứng sau khi ông Trump tuyên bố tạm dừng 90 ngày vào ngày 9/4. Bộ trưởng Tài chính Mỹ dự kiến ​​sẽ gặp Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Nhật Bản sớm nhất vào ngày 16/4 và đã đưa ra danh sách các nước mà ông cho rằng có thể sớm đạt được thỏa thuận với Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Anh, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Về phần minh, Trung Quốc đang tiến hành ngoại giao thương mại. Tuần này, ông Tập đã đến Việt Nam – một đối tác thương mại lớn của Mỹ bị áp thuế quan đối ứng cao – và ký hàng chục cam kết kinh tế với chính quyền Hà Nội. Sau đó, ông sẽ đến Malaysia và Campuchia.

Trung Quốc xem nước cờ thuế quan đối ứng của ông Trump là một cơ hội, Peter Harrell – cựu giám đốc cấp cao về kinh tế quốc tế tại Hội đồng An ninh Quốc gia của cựu Tổng thống Joe Biden – cho biết ngày 15/4 tại một cuộc thảo luận ở Trường luật Georgetown.

Nhưng Trung Quốc có khả năng hạn chế để chống lại các chính sách thương mại của Mỹ, ông Harrell nói. Trong khi Mỹ vẫn là “nước nhập khẩu ròng rất lớn”, Trung Quốc đang giảm nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới và tập trung tăng cường khả năng tự cung tự cấp.

Trung Quốc “sẽ không thay thế Mỹ trở thành nguồn cầu cho những sản phẩm mà một loạt các quốc gia đang phát triển… sản xuất”, ông Harrell nhận xét. “Vì vậy, mặt kinh tế của điều này sẽ là thách thức đối với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ chúng ta thấy họ đang xử lý mặt chính trị một cách khá khôn ngoan”.

Theo:

https://www.wsj.com/politics/policy/u-s-plans-to-use-tariff-negotiations-to-isolate-china-177d1528?mod=hp_lead_pos2