VNReport»Kinh tế»WB hỗ trợ 200 triệu USD tín dụng phục hồi kinh tế Việt Nam

WB hỗ trợ 200 triệu USD tín dụng phục hồi kinh tế Việt Nam

16:37 - 27/12/2021

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa ký với Chính phủ Việt Nam hiệp định tín dụng trị giá 221,5 triệu USD để hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19 thông qua các cải cách chính sách nhằm tăng cường mức độ bao trùm tài chính và nâng cao khả năng thích ứng với môi trường.

Theo Giám đốc WB tại Việt Nam Carolyn Turk, các hành động chính sách được khoản vay này hỗ trợ sẽ không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi ngắn hạn sau cuộc khủng hoảng Covid-19 mà còn mang lại lợi ích về lâu dài cho Việt Nam, vào thời điểm nền kinh tế đang phục hồi sau cú sốc lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua và khi đại dịch vẫn còn nhiều bất ổn.

Khoản tín dụng trị giá 221,5 triệu USD sẽ được giải ngân trực tiếp vào ngân sách, với các điều khoản ưu đãi trong thời hạn 30 năm với thời gian ân hạn là 5 năm. Khoản tín dụng này nhằm khuyến khích cải cách chính sách theo hai trụ cột: Trụ cột thứ nhất hỗ trợ sự phục hồi kinh tế mang tính bao trùm thông qua giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ tài chính của các nhóm dễ bị tổn thương, thu hẹp khoảng cách giới tại nơi làm việc và thúc đẩy tài chính toàn diện; Trụ cột thứ hai góp phần vào việc xanh hóa các chính sách thương mại, thúc đẩy chính phủ điện tử và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau cú sốc Covid-19

Theo WB, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái nhanh chóng trong những tháng gần đây để thực hiện những cải cách này. Việc phê duyệt giấy phép triển khai Mobile Money và mở rộng phạm vi áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử ở các tỉnh thành lớn nhất cả nước là những ví dụ điển hình. Với tốc độ cải cách dự kiến ​​sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới sẽ là một phần trong gói phục hồi kinh tế sắp được Quốc hội thảo luận tới đây.

Tuy nhiên, bài toán lớn đặt ra với các nhà hoạch định chính sách lúc này là việc cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới.

Theo TS. Jacques Morisset – Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam đã và đang triển khai chính sách đúng đắn trong vòng 2 năm qua và chính sách này hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 rất nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ đã triển khai trong và cần phải theo dõi sát sao tình hình “sức khỏe” của khu vực tài chính, để tránh những rủi ro hệ thống.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, qua những diễn biến gần đây của kinh tế thế giới và Việt Nam có thể thấy vấn đề về lạm phát có khả năng quay trở lại, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia khác. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát lạm phát thận trọng hơn so với thời gian đầu năm 2020.

Về chính sách tài khóa, Việt Nam đã triển khai tất cả các hoạt động như bơm tiền vào các hoạt động đầu tư, hỗ trợ tiền cho người dân nhưng việc thực hiện còn khá khiêm tốn trong năm 2021, nhất là so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, hay ngay cả các quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Malaysia, Hồng Kông… Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn nữa, ví dụ như ban hành các gói tài khóa mạnh hơn như nhiều quốc gia khác đã thực hiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa khi tỷ lệ nợ công mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%. Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn, cho dù không đẩy mạnh vay vốn thì Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách vì dự trữ tiền mặt của Chính phủ vẫn tốt và vẫn còn dư địa để triển khai chính sách này nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng đã có từ trước thời kỳ đại dịch.