VNReport»Kinh tế»Tài chính»WB: Kinh tế Việt Nam đối mặt rủi ro lạm phát và gián đoạn nguồn cung

WB: Kinh tế Việt Nam đối mặt rủi ro lạm phát và gián đoạn nguồn cung

12:06 - 13/05/2022

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã trở về gần tốc độ mở rộng trước đại dịch ở nhiều chỉ số. Nhưng rủi ro lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng cần được theo dõi chặt chẽ.

Theo Báo cáo cập nhật tháng 5 của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng Việt Nam cần thận trọng với lạm phát và rủi ro do nhu cầu toàn cầu yếu hơn, cũng như sự gián đoạn nguồn cung ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế.

Theo báo cáo của WB, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với tốc độ tăng trước đại dịch. May mặc, giày dép, điện tử, điện gia dụng và sản phẩm kim loại là những ngành năng động nhất, ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số.

Tuy nhiên, ngành sản xuất máy móc, thiết bị lại tăng trưởng với tốc độ chậm hơn, giảm từ 26,6% trong tháng 3 (so với cùng kỳ năm trước) xuống chỉ 5,1% vào tháng 4. Sự giảm tốc này liên quan đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Trung Quốc phong tỏa, khiến nhập khẩu máy móc, thiết bị từ thị trường này giảm mạnh trong 2 tháng qua.

Tăng tốc phục hồi

Doanh thu bán lẻ tăng tốc, với tốc độ tăng trưởng được nâng từ 10,4% trong tháng 3 lên 12,1% trong tháng 4 (so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù hưởng lợi từ mức nền thấp tháng 4/2021, đây là lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ trở lại gần với tốc độ trước đại dịch.

Kết quả đáng chú ý này phản ánh cả mức tăng trưởng vững chắc của doanh thu bán lẻ hàng hóa (tăng 12,4%) và sự phục hồi mạnh mẽ của doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tăng 11%) – gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng của tháng 3.

Sản xuất công nghiệp tiến gần tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.

Sản xuất công nghiệp tiến gần tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.

Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tăng tốc từ 17% trong tháng 3 lên 25,2% trong tháng 4, trong khi tăng trưởng nhập khẩu nhích nhẹ từ 14,6% lên 16,5%. Xuất khẩu các mặt hàng chính và xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm đều tăng trưởng khá.

Nhập khẩu tăng trưởng chậm hơn xuất khẩu, phần lớn phản ánh sự giảm tốc nhập khẩu từ Trung Quốc do nước này đã đóng cửa các hoạt động để kiểm soát đợt bùng phát Covid-19 mới. Kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị từ Trung Quốc – chiếm hơn 1/5 tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này và khoảng 1/2 tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị của Việt Nam – bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm 15,2% trong tháng 3 và 6,4% trong tháng 4. Đây là 2 tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2020.

Do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

Vốn FDI đăng ký trong tháng 4 đạt 1,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tác động chiến tranh Nga-Ukraine và việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, sự gia tăng bất ổn có thể khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn.

Những rủi ro

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lạm phát tăng từ mức 2,4% theo năm trong tháng 3 lên 2,6% trong tháng 4. Sau 3 tháng tăng chóng mặt liên tiếp, giá xăng tháng 4 giảm 2,5% so với tháng trước, phản ánh xu hướng chung của thế giới, trong khi giá dầu diesel tăng 7,0%. So với một năm trước, giá xăng dầu vẫn cao hơn gần 50% và do đó tiếp tục là yếu tố góp phần lớn nhất gây ra lạm phát. Giá lương thực, thực phẩm tháng 4 cũng tăng 1,1% theo năm, tương đương mức tăng của tháng 3.

Lạm phát nhích lên với đóng góp lớn từ nhóm giao thông do giá xăng dầu tăng cao.

Lạm phát nhích lên với đóng góp lớn từ nhóm giao thông do giá xăng dầu tăng cao.

Giá cả tăng thể hiện tác động của cả cung và cầu. Về cung, một phần mức độ tăng giá hàng hóa và chi phí vận tải thế giới bị chuyển sang giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng khác trong nước. Lạm phát do cầu kéo cũng tăng lên do nhu cầu trong nước được thúc đẩy bởi việc tăng chi tiêu trong 2 kỳ nghỉ lễ vừa qua.

“Nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi bất chấp bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt”, WB nhận định. Tuy nhiên, theo WB, cơ quan quản lý vẫn cần thận trọng với lạm phát và rủi ro để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu mạnh như hiện nay. Cả lạm phát cơ bản và giá lương thực đều nhích lên, cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục nâng giá nhập khẩu và ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá thương mại, vốn đã xấu đi đáng kể trong quý đầu tiên. Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc – 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến vào năm 2022 và điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

“Cuối cùng, vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên tác động toàn phần của tình trạng phong tỏa ở quốc gia này đối với hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn được cảm nhận trong những tháng tới”, WB cảnh báo.

Báo cáo nhận định rằng đa dạng hóa các đối tác thương mại sẽ là một cân nhắc chiến lược để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững.