VNReport»Kinh tế»WB: Năm 2023 Việt Nam mới trở lại mức tăng trưởng như trước khi có Covid-19

WB: Năm 2023 Việt Nam mới trở lại mức tăng trưởng như trước khi có Covid-19

17:04 - 13/01/2022

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5% năm 2022 trong kịch bản đại dịch được kiểm soát tương đối tốt trong nước và trên thế giới.

Trong báo cáo “Điểm lại, Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam” mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam phục hồi lên mức tăng trưởng 5,5% trong năm 2022, dựa trên kịch bản đại dịch được kiểm soát tương đối tốt trong nước và trên thế giới.

Mức dự báo của tổ chức tài chính quốc tế này thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6-6,5%.

Về trung hạn, WB dự báo nền kinh tế Việt Nam chỉ trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước Covid-19 vào năm 2023, khi các ngành dịch vụ đã hồi phục hoàn toàn và không có cú sốc mới.

Báo cáo cho biết tăng trưởng toàn cầu từ năm 2022 trở đi sẽ chậm lại một chút xuống khoảng 3,2% trong trung hạn.

Sản lượng tại các nền kinh tế tiên tiến có thể vượt các dự báo trung hạn trước đại dịch – chủ yếu phản ánh gói hỗ trợ chính sách quy mô lớn dự kiến ​​được thực hiện ở Mỹ, bao gồm các biện pháp nâng cao tăng trưởng tiềm năng. Điều này có nghĩa là các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam xuất khẩu từ năm 2023 trở đi sẽ có nhiều cơ hội hơn do Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam.

Lạm phát của Việt Nam dự báo tiếp tục duy trì dưới mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%.

Sự gia tăng gần đây của giá cả toàn cầu cho thấy có sự mất cân bằng cung cầu do đại dịch và giá hàng hóa cao hơn so với mức thấp một năm trước. WB dự báo áp lực giá nêu trên giảm bớt vào năm 2022. Những gián đoạn sản xuất do đại dịch dự kiến lắng dịu trong năm tới.

Mặc dù sự gia tăng gần đây của giá thương phẩm toàn cầu, chẳng hạn như xăng, có khả năng tiếp tục tăng trong trung hạn, nhưng nhu cầu của Việt Nam dự kiến chỉ được cải thiện dần trong năm 2022 và đến 2023 mới hồi phục đầy đủ. Do đó, áp lực lạm phát vẫn có thể chống đỡ được.

Những rủi ro đối với nền kinh tế

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với rủi ro về hướng giảm. Báo cáo đề cập rằng yếu tố bất định chủ yếu là hướng đi của đại dịch. Các chủng nguy hiểm hơn có thể xuất hiện, các biện pháp giãn cách xã hội được tái áp dụng làm chậm quá trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam và ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.

Ngoài ra, rủi ro còn đến từ khả năng việc khôi phục các hoạt động kinh tế có thể phức tạp hơn bởi sự gián đoạn chuỗi giá trị và tình trạng thiếu lao động (cú sốc cung) cũng như sự không chắc chắn về hướng đi của đại dịch, bao gồm biến thể Omicron mới. Điều này khiến người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi mua hàng (cú sốc cầu).

Bên ngoài Việt Nam, có 2 rủi ro về hướng tiêu cực nếu cuộc khủng hoảng kéo sang năm thứ 3. Nhiều quốc gia hiện không còn nhiều dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ để xử lý một cuộc khủng hoảng kéo dài, do đó làm tăng thêm sự không chắc chắn và rủi ro theo hướng giảm cho đà phục hồi toàn cầu. Điều đó có thể ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ngoài ra, kinh tế Mỹ, EU và Trung Quốc tăng trở lại trong năm 2021, nên họ có thể bắt đầu bình thường hóa chính sách tài khóa và tiền tệ, ảnh hưởng đến lộ trình tăng trưởng của các nền kinh tế này trong trung hạn; đồng thời thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu.

WB khuyến nghị, trước nhu cầu bên ngoài không chắc chắn, Việt Nam nên tận dụng các hiệp định thương mại tự do hiện có để đa dạng hóa sản phẩm và điểm đến xuất khẩu.

Điều này cho phép rủi ro được dàn trải trên nhiều sản phẩm và đối tác, do đó giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn khi phụ thuộc vào một số thị trường lớn và dải hẹp các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo.