VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Xu hướng áp dụng công nghệ AI trong ngành làm đẹp

Xu hướng áp dụng công nghệ AI trong ngành làm đẹp

12:02 - 11/12/2024

Những năm gần đây, độ phủ sóng của AI (trí tuệ nhân tạo) đang lan rộng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Ngành làm đẹp cũng không ngoại lệ, AI hiện đang đang là xu hướng được ưa chuộng các chuyên gia làm đẹp và người tiêu dùng.

AI, với khả năng học hỏi và phân tích dữ liệu khổng lồ, đang tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành làm đẹp. Từ việc phân tích làn da chi tiết, tư vấn sản phẩm cá nhân hóa đến việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm ảo sống động, AI đã ghi lại dấu ấn trong ngành công nghiệp làm đẹp.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất của InsightAce Analytic, quy mô thị trường AI trong ngành làm đẹp và mỹ phẩm toàn cầu dự kiến đạt 13,34 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) ấn tượng 19,7% trong giai đoạn 2021 – 2030.

Cũng theo một báo cáo mới được công bố vào tháng 3/2024 bởi công ty Nghiên cứu Kinh doanh cho thấy, những ông lớn trong lĩnh vực làm đẹp và mỹ phẩm đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo gồm L’Oréal S.A., Beiersdorf AG, Olay, Shiseido, Procter & Gamble, Pure & Mine, YOus Skincare, My Beauty Matches, EpigenCare Inc., mySKIN, Haut.Al, Luna Fofo, Revieve, Anokai, và Youth Laboratories dự kiến sẽ đạt 6,8 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ CAGR là 14,4%.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, một trong những ứng dụng nổi bật nhất của AI trong làm đẹp là khả năng phân tích da một cách chi tiết và chính xác. Thông qua các ứng dụng hoặc thiết bị chuyên dụng tích hợp AI, người dùng có thể dễ dàng chụp ảnh làn da của mình và nhận được phân tích chi tiết về tình trạng da, từ đó đưa ra phác đồ chăm sóc phù hợp. Đồng thời, các thuật toán AI còn có khả năng nhận diện các vấn đề về da như mụn, nám, tàn nhang, nếp nhăn với độ chính xác cao, giúp người dùng hiểu rõ hơn về làn da của mình và tìm kiếm giải pháp phù hợp.

Quy mô thị trường AI trong ngành làm đẹp và mỹ phẩm toàn cầu dự kiến đạt 13,34 tỷ USD vào năm 2030

Đối với doanh nghiệp, AI trở thành công cụ công cụ đề xuất cá nhân hóa, nền tảng đo lường hiệu suất tiếp thị, dự báo nhu cầu của người tiêu dùng,chuỗi cung ứng hoặc nền tảng dịch vụ khách hàng và các thiết bị làm đẹp dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Không chỉ thế, trong lĩnh vực bán lẻ, các doanh nghiệp có thể ứng dụng AI cho phép người tiêu dùng thử các sản phẩm làm đẹp trực tuyến trước khi quyết định chi tiền. Điều này giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và có những trải nghiệm mua sắm trực tuyến thú vị hơn.

Ngoài ra, với khả năng tiếp cận lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ, AI còn được sử dụng để phân tích hành vi mua sắm của khách hàng. Các công cụ AI không chỉ giúp nhận diện xu hướng, tối ưu hóa công thức mà còn có thể gợi ý những sản phẩm hoàn toàn mới, phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng, từ đó giúp các doanh nghiệp làm đẹp đưa ra các chiến lược marketing hiệu quả hơn.

Các nhà phân tích cũng nhận định, việc sử dụng AI thay vì tư vấn viên con người có thể đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm và giảm thiểu sai sót. Do đó, các doanh nghiệp ứng dụng AI nhiều hơn trong ngành làm đẹp, còn người tiêu dùng cũng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ làm đẹp từ AI, AI trở thành xu hướng trong ngành làm đẹp.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ ràng, việc ứng dụng AI trong làm đẹp cũng đặt ra một số thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất chính là bảo mật dữ liệu cá nhân. AI có khả năng thu thập dữ liệu cho doanh nghiệp nhưng chưa có gì đảm bảo những thông tin này sẽ được bảo mật an toàn.

Những công ty mỹ phẩm sử dụng công nghệ AI muốn giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo đem lại cần nghiên cứu, thử nghiệm nhiều phương pháp để đảm bảo rằng chúng tạo ra kết quả chính xác nhưng vẫn bảo vệ quyền riêng tư mạnh mẽ.

Hơn nữa, dù công nghệ AI hiện nay có thể tiết kiệm thời gian không chỉ trong việc thực hiện các dịch vụ thông thường mà còn phân tích được nhu cầu của khách hàng, nhưng trí tuệ nhân tạo vẫn thiếu tính minh bạch và phân tích ảo, do đó nó vẫn cần đòi hỏi đánh giá của con người.

Nhìn chung, AI có thể trở thành xu hướng trong ngành làm đẹp, tuy nhiên, người sử dụng cũng cần theo dõi thường xuyên các tính năng của AI để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Cân bằng giữa công cụ và nhân lực.

https://vneconomy.vn/xu-huong-ap-dung-cong-nghe-ai-trong-nganh-lam-dep.htm