VNReport»Kinh tế»Xu hướng gia tăng lao động tự do: Nguy cơ của Việt Nam

Xu hướng gia tăng lao động tự do: Nguy cơ của Việt Nam

14:59 - 22/11/2022

Trong khi hiện nay chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn chưa cao, năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực, có một nghịch lý là lực lượng lao động tự do có trình độ lại chiếm tỷ lệ rất cao và có chiều hướng gia tăng. Điều này bộc lộ nhiều bất ổn trong thị trường lao động tại Việt Nam.

Thực trạng thị trường lao động

Việt Nam đối mặt với thách thức lớn về chất lượng nguồn nhân lực khi tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn cao chỉ chiếm hơn 11% tổng lực lượng lao động. Nguồn nhân lực có năng suất lao động thấp, ngoại ngữ hạn chế và có thể phải chịu sức ép về nguy cơ thất nghiệp khi bước vào kỷ nguyên số.

Ngân hàng Thế giới ước tính nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, khoảng hai triệu việc làm sẽ bị mất, tính đến năm 2045.

Thị trường lao động trong nước cần hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng người lao động có trình độ cao tham gia vào nền kinh tế tự do đang đặt ra nhiều thách thức.

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Dân số, Lao động – việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), 36,6% giao hàng công nghệ (shipper) có trình độ cao. Con số này ở nhóm lái xe công nghệ và giúp việc gia đình lần lượt là 20,65% và 11,36%.

Giới trẻ đang có xu hướng lựa chọn công việc tự do

Thực tế, không khó để bắt gặp một lao động trình độ cao làm shipper hay lái xe công nghệ. Dù phải đối mặt với tình trạng “6 không” là không có hợp đồng lao động, không được hỗ trợ tiền ăn, không chế độ nghỉ phép, không khám sức khỏe định kỳ, không bảo hộ lao động, không thưởng lễ Tết…, nhiều người vẫn sẵn sàng đánh đổi. Bởi thu nhập từ những nghề này hấp dẫn, ở mức nếu sống với đúng nghề được đào tạo, phải mất rất lâu người lao động mới có thể đạt được.

Chẳng hạn, những người làm công việc tự do như lái xe công nghệ hoặc giao hàng, trừ hết các khoản chi phí, cũng có thể kiếm được mức lương trung bình từ 8-9 triệu đồng một tháng. Chưa kể, nếu chăm chỉ chạy thêm buổi tối, mức lương có thể lên trên 15 triệu đồng. Nếu so sánh với sinh viên mới ra trường làm trong các doanh nghiệp hoặc các cơ quan nhà nước, mức lương của lái xe công nghệ đang cao hơn khá nhiều.

Theo bà Lê Thu Huyền – nghiên cứu viên của Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), xu hướng chọn việc làm GIG (nghề tự do) như lái xe hoặc shipper công nghệ, YouTuber, blogger càng nhiều hơn do thời gian linh hoạt, thu nhập cao, sức lao động đi đôi với thu nhập.

Vì vậy, thay vì việc phải gắn bó một công việc toàn thời gian tại một công ty cố định, có xu hướng lựa chọn những công việc tự do của giới trẻ Việt Nam. Thị trường việc làm tự do đang có mức độ ổn định khá cao, khi 82,2% người lao động coi đây là việc làm chính. 94,1% người lao động không hoặc chưa có dự định chuyển việc trong khoảng 2-5 năm tới.

Lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao

Dưới tác động kép của đại dịch và chuyển đổi số, thị trường việc làm tại Việt Nam trong tương lai dự báo chứng kiến những thay đổi lớn liên quan đến người lao động và địa điểm, cách thức làm việc. Trong đó, xu hướng của lực lượng lao động tự do sẽ chiếm ưu thế.

Trong khi ngày càng nhiều người lao động có trình độ cao tham gia vào nền kinh tế tự do, hầu hết các chỉ tiêu về nhân lực của Việt Nam đều thấp, ngay cả khi so sánh với các nước trong khối ASEAN. Đây được coi là tình trạng “vừa thừa – vừa thiếu”, thừa về số lượng nhân công giá rẻ, nhưng lại thiếu lực lượng tay nghề có chuyên môn cao. Điều này đang cho thấy sự mất cân đối trong thị trường việc làm của nước ta.

Xu hướng của lực lượng lao động tự do ngày càng chiếm ưu thế

Theo TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, lựa chọn nghề lương cao là quyền chính đáng của người lao động và đây là xu hướng hiện nay. Tuy vậy, shipper, giúp việc gia đình, rửa bát quán phở, cò đất, tiếp thị, bán hàng online… có thể là một cách kiếm tiền trong những thời điểm khó khăn mang tính nhất thời. Nhưng người 12 năm học phổ thông, 4 năm đại học… coi đây là công việc chính, trở thành một nghề hoàn toàn không giống những gì được đào tạo, phải chăng là sự lãng phí chất xám?

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề được đặt ra khi việc làm và thu nhập bấp bênh là những đặc điểm của nền kinh tế tự do. Người lao động không được tiếp cận các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Hơn nữa, hiện nay cũng không có quy định pháp lý thống nhất và người lao động phải chấp nhận các quy định, điều khoản do các doanh nghiệp công nghệ đặt ra bao gồm trả lương, các chính sách an toàn và điều kiện lao động…

Bà Phạm Lan Khanh – Người sáng lập kiêm CEO FreelancerViet cho rằng làm công việc tự do tưởng rằng ai cũng có thể làm được nhưng thực chất không phải ai cũng thành công. Theo bà Khanh, làm tự do được nhiều thứ như linh hoạt thời gian làm việc, chủ động trong thu nhập, tự do làm những gì mình thích và thoát khỏi áp lực trong mối quan hệ với sếp, với đồng nghiệp…

Nhưng làm tự do cũng mất rất nhiều. Việc rời khỏi tổ chức đồng nghĩa với phúc lợi, bảo hiểm sẽ không còn nên người làm tự do phải tự lo. Tiếp nữa là mất dần những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp nên đôi lúc có cảm giác chênh vênh, đơn độc, không ổn định. Thêm nữa là mất cơ hội thăng tiến nếu sau này quay lại công việc chính thức.

Còn bà Lê Thu Huyền cho rằng, với giờ làm việc nhiều hơn 8 tiếng một ngày, thậm chí có người là 12 tiếng một ngày, thời gian tái tạo sức lao động giảm sút. Bên cạnh đó, có gần 80% người lao động không có hợp đồng lao động trong khi chỉ có 2% có hợp đồng làm dấy lên vấn đề đảm bảo quyền lợi lao động và an sinh xã hội.

Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, việc gia tăng số lượng các lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ sẽ không thể tạo ra sự ổn định việc làm và an sinh xã hội, ảnh hưởng đến nguồn lực về con người cho sự phát triển của đất nước.