VNReport»Kinh tế»Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục

Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục

18:06 - 02/12/2021

Sau những tháng gặp khó khăn do giãn cách xã hội, xuất khẩu nông lâm thủy sản đang hồi phục mạnh mẽ.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 11/2021 đem về 4,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5,8% so với tháng 10/2021.

Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt gần 82,67 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 43,48 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua cả năm 2020 và lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 39,18 tỷ USD, tăng 39,0% so với cùng kỳ năm trước.

Cao su là mặt hàng tăng mạnh nhất cả về số lượng và giá trị xuất khẩu

Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế… Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, cao su tăng 11,7% về khối lượng, tăng 40,5% giá trị; gạo tăng 0,8% về khối lượng, tăng 7,3% giá trị, hạt điều tăng 14,3% về khối lượng, tăng 14,6% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 7,9%, tăng 23,0% lần lượt về lượng và giá trị.

Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 247 nghìn tấn, giảm 6,7%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 54,4% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 44,0%. Với ngành hàng cà phê, khối lượng xuất khẩu giảm 4,4% nhưng giá trị kim ngạch vẫn tăng 5,9%.

Những mặt hàng khác tăng giá trị như: Rau quả tăng 8,6%; sản phẩm chăn nuôi tăng 4,0%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20,0%; mây, tre, cói thảm tăng 42,2%; quế tăng 14,7%. Riêng mặt hàng chè giảm cả khối lượng (giảm 6,4%) và giá trị xuất khẩu (giảm 2,3%), dù giá xuất khẩu bình quân tăng.

Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,1%; châu Mỹ chiếm 29,6%; châu Âu chiếm 11,5%; châu Phi chiếm 1,9%; châu Đại Dương chiếm 1,6%.

Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 11,9 tỷ USD (chiếm 27,5% thị phần), trong đó kim ngạch nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 8,4 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 23,3% tỷ trọng. Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD (chiếm 6,9%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 43,% giá trị).

Ở vị trí thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,9 tỷ USD (chiếm 4,4%) và nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất, chiếm 42,5% giá trị ở thị trường này.

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 11 tháng ước khoảng 39,2 tỷ USD, tăng 39,0% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 54,2%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 3,1 tỷ USD, giảm 1,8%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 11,0%; nhóm lâm sản chính khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 260,5%; nhóm đầu vào sản xuất trên 6,6 tỷ USD, tăng 33,6%.

Có thể thấy, sau nhiều tháng trầm lắng vì căng thẳng dịch bệnh thì tới nay hoạt động thông thương của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã phần nào khởi sắc hơn. Dù phải đối mặt với các yếu tố bất lợi như: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước; cước vận tải tăng cao; sự kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu… song xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt những kết quả tích cực.

Với kết quả kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng thì mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 44 tỷ USD của ngành nông nghiệp năm 2021 là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể vượt xa mục tiêu đã đề ra.