VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng gần 25%

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng gần 25%

15:47 - 09/05/2021

Bức tranh toàn cảnh 4 tháng đầu năm về xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản tiếp tục có nhiều điểm sáng. 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32,07 tỷ USD, xuất khẩu đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 14,93 tỷ USD, tăng 48,7%; xuất siêu đạt 2,2 tỷ USD, giảm 41,1% so với cùng kỳ năm trước…

Xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản tiếp tục có nhiều điểm sáng

Tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 29,1% so với tháng 4/2020, giảm 13,3% so với tháng 3/2021; trong đó giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,53 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,29 tỷ USD, thủy sản đạt 650 triệu USD và chăn nuôi đạt 36 triệu USD.

Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng mạnh, như: cao su tăng 79,6% về khối lượng và tăng 111,6% về giá trị; chè tăng 1,6% về khối lượng và tăng 7,9% về giá trị; sắn tăng 65,3% về khối lượng và 23,9% về giá trị. Cùng với đó, nhóm hàng rau quả tăng 9,5%, sản phẩm chăn nuôi tăng 37,4%, cá tra tăng 2,8%, tôm tăng 5,5; sản phẩm gỗ tăng 71,4; mây, tre, cói thảm tăng 65,9%; quế tăng 28,1% về giá trị xuất khẩu.

Điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 4 tháng đầu năm nay là mặt hàng cao su khi không những vượt tốc về khối lượng xuất khẩu mà còn được giá cao, nên giá trị kim ngạch đem về cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021, chiếm thị phần lần lượt là 71,4%, 4,5% và 2,6%.

Ngành hàng đồ gỗ trong 4 tháng đầu năm vẫn giữ được đà tăng trưởng thần tốc, thậm chí còn mạnh hơn những năm trước, tăng 71,4% về giá trị, đạt kim ngạch 5,81 tỷ USD. Các khách hàng lớn nhất của gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của nước ta.

Trong nhóm các ngành hàng nông sản, có hai mặt hàng dù giảm khối lượng nhưng nhờ giá trị xuất khẩu bình quân tăng nên vẫn tăng giá trị, gồm: gạo (giảm 10,8% khối lượng nhưng tăng 1,2% giá trị); hạt tiêu (giảm 21,3% nhưng tăng 10,3%). Tuy nhiên, với mặt hàng gạo, dù giá xuất khẩu bình quân đạt 547 USD/tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng do khối lượng xuất khẩu suy giảm mạnh nên kim ngạch tăng không đáng kể.