VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, vươn lên số 1

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, vươn lên số 1

15:04 - 06/05/2025

Ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang chứng kiến một bước chuyển mình mạnh mẽ khi Mỹ từ thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tụt xuống sau Trung Quốc và Nhật Bản. Sự tăng trưởng này cũng phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc đối với các sản phẩm thủy sản chất lượng cao từ Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bốn tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản đã phục hồi với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 4, xuất khẩu đạt 850,5 triệu USD, tăng 10%. Tuy nhiên, thị trường chính đã có sự thay đổi lớn.

Theo nguồn tin từ Báo điện tử VietNamNet, Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) đã trở thành thị trường dẫn đầu với 709,8 triệu USD trong bốn tháng, tăng 56%. Cụ thể, tháng 4 vừa qua, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 182,3 triệu USD, tăng 29% nhờ nhu cầu tăng đối với tôm, cua và nhuyễn thể cao cấp.

Ngay sau Trung Quốc là Nhật Bản đứng ở vị trí thứ hai với 536,6 triệu USD, tăng 22%.

Đáng chú ý là Mỹ, từng là thị trường lớn nhất trong bốn tháng đầu năm 2024, tuy nhiên, trong năm nay, xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng nhẹ 7%, đạt 498,4 triệu USD. Riêng trong tháng 4/2025, xuất khẩu sang Mỹ giảm 15%, chỉ đạt 120,5 triệu USD khiến Mỹ tụt từ vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất xuống thứ ba, sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra vừa qua, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết nếu Mỹ áp thuế 46% trong khi các nước khác chỉ khoảng 20%, doanh nghiệp có thể phải rút khỏi thị trường Mỹ. Hiện tại, Sao Ta đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 46 triệu USD trong quý I/2025, và nếu tính cả hàng đang vận chuyển, con số có thể lên tới hơn 60 triệu USD. Việc tăng cường xuất khẩu trước khi thuế có hiệu lực giúp Sao Ta phòng ngừa rủi ro.

Tháng 4 vừa qua, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 182,3 triệu USD, tăng 29%

Liên quan đến lo ngại về thuế quan khi xuất khẩu vào Mỹ, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, Nguyễn Ngô Vi Tâm, cho biết công ty đã đánh giá tác động của thuế đối ứng đối với khả năng sinh lời. Khách hàng Mỹ vẫn duy trì nhu cầu ổn định, vì vậy công ty sẽ tận dụng cơ hội trong 90 ngày hoãn thuế để tăng cường xuất khẩu. Dù vậy, Vĩnh Hoàn đã đặt mục tiêu cho năm 2025 đạt 1.000 tỷ đồng, giảm 226 tỷ đồng so với năm 2024.

Nhìn chung, tác động của thuế quan đối ứng từ Mỹ đã khiến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng. Các mặt hàng thuỷ sản như cá tra và tôm, vốn phụ thuộc vào thị trường Mỹ đã phải chịu tác động nặng nề từ thuế quan. Thuế quan đã làm tăng giá các sản phẩm này, khiến các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang nguồn cung khác như Ấn Độ hay Ecuador. Hơn nữa, các rào cản kỹ thuật, như kiểm tra an toàn thực phẩm, cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

VASEP dự đoán rằng trong tháng 5 và 6/2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục có sự chuyển dịch mạnh mẽ trước khi chính sách thuế mới của Mỹ có hiệu lực từ ngày 9/7. Doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra, để tận dụng thời gian trước khi thuế quan mới làm tăng chi phí. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng 10-15% so với tháng 4/2025 nhờ các hợp đồng được ký kết nhanh chóng.

Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu tác động tiêu cực bằng cách mở rộng thị trường sang EU, Nhật Bản và ASEAN. Để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh chiến lược, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc và ASEAN được sự đoán có thể sẽ chững lại với tăng trưởng chỉ 3-5% do sự cạnh tranh từ sản phẩm thủy sản Trung Quốc. Sự cạnh tranh này sẽ làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm Việt Nam, đặc biệt trong phân khúc giá rẻ.

https://vietnamnet.vn/xuat-khau-thuy-san-viet-nam-sang-my-sut-giam-manh-2397930.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews