VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»10 nhóm doanh nghiệp có giá trị trái phiếu đáo hạn cao nhất trong tháng 5/2023

10 nhóm doanh nghiệp có giá trị trái phiếu đáo hạn cao nhất trong tháng 5/2023

16:27 - 08/05/2023

Nhóm Vingroup và Masan chiếm hơn một nửa trong tổng số gần 20.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 5, không bao gồm trái phiếu của các ngân hàng thương mại.

  1. Vingroup (5.780 tỷ đồng)

Vào ngày 29/5, một lô trái phiếu có giá trị 5.280 tỷ đồng của Vinhomes – công ty con của Vingroup – sẽ đáo hạn. Lô trái phiếu này phát hành năm 2022, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất năm đầu 9%. Ngoài ra, nhóm Vingroup còn có 2 lô trái phiếu đáo hạn trong tháng với tổng trị giá 500 tỷ đồng do Công ty cổ phần Phát triển Thành phố Xanh phát hành.

  1. Masan (4.600 tỷ đồng)

Tập đoàn Masan là đơn vị phát hành một lô trái phiếu vừa đáo hạn vào ngày 6/5 trị giá 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cũng có một lô trái phiếu 2.600 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 29/5.

Có tổng cộng 19.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 5.

Có tổng cộng 19.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 5.

  1. Kita (2.100 tỷ đồng)

Kita Invest – một công ty bất động sản mới nổi – có 2.100 tỷ đồng trái phiếu dự kiến đáo hạn vào tháng 5. Nhưng Kita thông báo đã mua lại 1.600 tỷ đồng vào ngày 28/4.

  1. Novaland (1.000 tỷ đồng)

Novaland có 1.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 5. Trước đó, doanh nghiệp bất động sản này đã đàm phán gia hạn thành công một số lô trái phiếu và khởi động lại dự án Grand Manhattan sau khi được TP Bank gia hạn khoản vay.

  1. FE Credit (900 tỷ đồng)

Sau khi liên tục huy động vốn bằng trái phiếu trong 2 năm gần đây để hỗ trợ tăng trưởng, FE Credit sắp phải thanh toán các lô trái phiếu đáo hạn, bao gồm 900 tỷ đồng trong tháng 5 này. Gần đây, công ty tài chính tiêu dùng này bị Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm vì chất lượng tài sản yếu và rủi ro thanh khoản do chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản và nợ phải trả.

  1. Hưng Thịnh (750 tỷ đồng)

Giống như Novaland, Hưng Thịnh cũng đang gặp khó khăn trong thanh toán trái phiếu, với việc phải xin gia hạn 2 lô trái phiếu tổng trị giá 900 tỷ đồng vào tháng 3. Trong tháng 5, Hưng Thịnh sẽ phải giải quyết lượng trái phiếu đáo hạn trị giá 750 tỷ đồng.

  1. Gelex (700 tỷ đồng)

Gelex có 700 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 5. Sau khi tích cực mua lại trái phiếu trước hạn từ năm ngoái, doanh nghiệp này còn chưa đến 900 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn kể từ tháng 3 đến hết năm nay, phần lớn trong số đó đáo hạn vào tháng 5.

  1. R&H (500 tỷ đồng)

Tập đoàn R&H – một doanh nghiệp bất động sản – có lô trái phiếu RHGCH2123004 trị giá 500 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 3/5. Trước đó, R&H cũng có 2 lô trái phiếu đáo hạn trong tháng 4 với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng. Tất cả các lô này đều do Chứng khoán Tiên Phong (TPS) tư vấn phát hành và nắm giữ một phần.

  1. F88 (400 tỷ đồng)

Trong năm 2023, F88 có 7 lô trái phiếu đáo hạn với tổng giá trị hơn 970 tỷ đồng. Trong đó có 2 lô đáo hạn trong tháng 5, mỗi lô trị giá 200 tỷ đồng. Chuỗi cầm đổ của công ty đang bị cơ quan công an các tỉnh, thành phố điều tra. Gần đây, công an Bình Dương cho biết F88 có dấu hiệu vi phạm trong cầm cố tài sản.

  1. VCSC (313 tỷ đồng)

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có 313 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng này. Tháng 11 năm ngoái, công ty này tuyên bố mua lại trước hạn một loạt các lô trái phiếu với tổng giá trị 393 tỷ đồng.