VNReport»Top»10 nước có độ mở thương mại lớn nhất

10 nước có độ mở thương mại lớn nhất

18:06 - 01/09/2021

Việt Nam có tỷ lệ kim ngạch thương mại trên GDP đứng thứ 8 trong danh sách chủ yếu gồm các nước có diện tích và dân số nhỏ.

Trong thế giới toàn cầu hóa, thương mại quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đối với nhiều nước, nó đã trở thành một động lực phát triển kinh tế chủ chốt.

Tỷ lệ kim ngạch thương mại trên GDP được sử dụng như một thước đo cho độ mở đối với thương mại. Sau đây là 10 nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ đó.

  1. Luxembourg (390%)

Luxembourg là nền kinh tế có độ mở với thương mại lớn nhất thế giới, có kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 390% GDP trong năm 2020. Trong năm ngoái, nước này xuất khẩu 13,4 tỷ USD và nhập khẩu 20,6 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại 7,2 tỷ USD.

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Luxembourg bao gồm máy móc, thép, hóa chất, cao su, thủy tinh. Nước này nhập khẩu chủ yếu máy bay, đá quý, hàng tiêu dùng. Các đối tác thương mại chính là Đức, Bỉ và Pháp, 3 nước có biên giới với Luxembourg.

  1. Hong Kong (352%)

Hong Kong có một trong những cảng lớn nhất thế giới, biến thành phố 7,5 triệu dân này trở thành một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất châu Á. Hong Kong đã xuất khẩu 551,5 tỷ USD và nhập khẩu 573,1 tỷ USD trong năm ngoái, tương đương mức nhập siêu 21,6 tỷ USD.

 

Đối tác thương mại lớn nhất của Hong Kong là Trung Quốc đại lục, chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch thương mại của vùng lãnh thổ này. Hong Kong nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô, hàng tiêu dùng, thực phẩm và nhiên liệu; trong khi xuất khẩu đồ điện tử, hàng may mặc, đá quý.

  1. Singapore (321%)

Singapore là trung tâm thương mại lớn nhất Đông Nam Á, nhờ cảng lớn thứ 2 thế giới tính theo lượng hàng hóa: cảng Singapore. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của nước này là 374,8 tỷ USD, đạt thặng dư 45,2 tỷ USD sau khi trừ đi mức nhập khẩu 329,6 tỷ USD.

Singapore nhập khẩu các mặt hàng như máy móc thiết bị, hóa chất, nhiên liệu để xuất sang nước thứ ba. Ngoài ra, nước này còn nhập khẩu thực phẩm và hàng tiêu dùng. Các đối tác thương mại lớn của Singapore bao gồm Trung Quốc, EU, Malaysia và Mỹ.

  1. San Marino (307%)

Là một đất nước siêu nhỏ nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Ý, không có gì bất ngờ khi đối tác thương mại lớn nhất của San Marino là Ý. Hơn 80% kim ngạch xuất nhập khẩu của San Marino là với Ý. Ngoài ra, nước này còn có quan hệ thương mại đáng kể với Pháp, Đức, Trung Quốc và Mỹ.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của San Marino là máy móc, thực phẩm chế biến và các bộ phận máy bay. Nước này nhập khẩu điện, xe ô tô, nhôm và khí thiên nhiên.

  1. Djibouti (294%)

Djibouti là một trong những nước có thâm hụt thương mại cao nhất so với GDP. Trong năm 2019, nước này nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 5,1 tỷ USD, trong khi chỉ xuất 134 triệu USD. Mức nhập siêu gần 5 tỷ USD của quốc gia đông Phi này gần gấp 3 lần tổng sản phẩm quốc nội.

Djibouti có mức nhập siêu cao như vậy là vì nền kinh tế kém phát triển. Nước này chỉ có thể xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thô sơ như cừu, dê, cây họ đậu; trong khi phải nhập khẩu nhiên liệu, phân bón, dầu cọ, xe ô tô, …

  1. Malta (272%)

Malta có lịch sử thương mại lâu đời. Nhờ vị trí chiến lược ở biển Địa Trung Hải, nước này đã trở thành trung tâm thương mại quan trọng ở châu Âu từ đầu thế kỷ 19.

Ngày nay, Malta vẫn giữ vững vai trò đó, với kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 272% GDP. Năm 2019, mức thâm hụt thương mại của Malta là hơn 4 tỷ USD.

Thương mại ở Malta chủ yếu là hoạt động tái xuất khẩu các mặt hàng như máy móc thiết bị, nhiên liệu, bộ phận máy bay.

  1. Ireland (225%)

Xuất khẩu có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Ireland, đưa nước này từ một trong những nơi có mức sống thấp ở châu Âu những năm 1990 lên nhóm đầu châu lục. Ireland là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất về các mặt hàng dược phẩm, thiết bị y tế và phần mềm.

Năm ngoái, nước này xuất khẩu số hàng hóa trị giá 184,1 tỷ USD; trong khi chỉ nhập khẩu 98,4 tỷ USD, đạt thặng dư 85,7 tỷ USD. Mỹ và Anh là 2 đối tác thương mại quan trọng nhất của Ireland, xếp sau là các nước EU bao gồm Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, …

  1. Việt Nam (209%)

Thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, tăng từ khoảng 100% GDP vào năm 2001 lên 209% GDP năm ngoái. Việt Nam xuất siêu 20,0 tỷ USD trong năm 2020, nhờ xuất khẩu 282,7 tỷ USD so với nhập khẩu 262,7 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm đồ điện tử, may mặc, nông lâm thủy sản. Ở chiều ngược lại, máy móc thiết bị, đồ điện tử, nhiên liệu, ô tô nằm trong số các sản phẩm nhập khẩu quan trọng. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, …

  1. Seychelles (189%)

Quốc đảo ở Ấn Độ Dương có nền kinh tế dựa nhiều vào du lịch. Vì vậy, nước này cần nhập khẩu nhiều hàng hóa như máy móc thiết bị, thực phẩm, nhiên liệu, hóa chất, hàng tiêu dùng. Các mặt hàng xuất khẩu không đa dạng, chủ yếu là hải sản chế biến và nhiên liệu tái xuất khẩu.

Trong năm 2019, thâm hụt thương mại của Seychelles là 613,7 triệu USD. Các đối tác thương mại chính của Seychelles bao gồm UAE (chủ yếu là dầu mỏ), Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha.

  1. Slovakia (171%)

Việc gia nhập EU năm 2004 đã tăng độ mở của nền kinh tế Slovakia lên mức cao. Năm 2020, kim ngạch thương mại của nước này đạt 170,5 tỷ USD, tương đương 171% GDP.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Slovakia là ô tô và linh kiện ô tô, thiết bị điện tử. Nước này nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị, linh kiện ô tô và nhiên liệu. Các đối tác thương mại quan trọng của Slovakia bao gồm Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, …