VNReport»Top»10 nước phát thải nhiều CO2 nhất

10 nước phát thải nhiều CO2 nhất

16:12 - 01/11/2021

Trung Quốc chiếm hơn 30% tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu. Những nước phát thải nhiều CO2 thường có nền kinh tế lớn hoặc sản xuất nhiều dầu mỏ.

Năm ngoái, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với nền kinh tế thế giới, nhu cầu năng lượng toàn cầu suy giảm 4,5%, mức giảm lớn nhất kể từ cuối Chiến tranh thế giới thứ II. Điều đó là nguyên nhân khiến lượng khí thải CO2 toàn cầu giảm khoảng 6,3%, cũng là mức giảm lớn nhất trong cùng giai đoạn.

10 quốc gia sau đây phát thải nhiều CO2 nhất trong năm 2020, theo dữ liệu từ công ty dầu khí BP của Anh.

  1. Trung Quốc (9,9 tỷ tấn)

Với dân số đông nhất thế giới và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc là nước phát thải CO2 hàng đầu thế giới, chiếm hơn 30% tổng lượng phát thải toàn cầu. Nước này đã thải ra gần 9,9 tỷ tấn CO2 đã được năm ngoái.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lượng khí thải CO2 của Trung Quốc là sản lượng than khổng lồ của quốc gia này. Tỷ trọng điện từ than đá của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong 20 năm qua, nhưng vẫn chiếm khoảng 70% trong cơ cấu điện nước này. Tuy nhiên, tổng sản lượng than vẫn tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000 lên khoảng 4 tỷ tấn – xấp xỉ một nửa sản lượng than toàn cầu.

  1. Mỹ (4,5 tỷ tấn)

Mỹ là nước phát thải CO2 lớn nhất thế giới cho đến năm 2006, khi Trung Quốc vượt qua lượng phát thải của Mỹ lúc đó là 6,0 tỷ tấn CO2. Từ khi đó, lượng phát thải của Trung Quốc tăng đều, trong khi lượng khí thải của Mỹ giảm xuống, chỉ còn 4,5 tỷ tấn trong năm 2020.

Tỷ trọng sản lượng điện của Mỹ từ than đã giảm trong những thập kỷ gần đây, từ hơn một nửa năm 1992 xuống còn khoảng 1/3 vào năm 2015. Cùng lúc, Mỹ trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới và tăng đáng kể việc sản xuất và sử dụng khí tự nhiên, loại nhiên liệu hóa thạch phát thải CO2 ít hơn. Điện khí giờ đây chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng điện của nước này.

  1. Ấn Độ (2,3 tỷ tấn)

Giống như nhiều nước phát thải CO2 lớn khác, một nhóm nhỏ các doanh nghiệp chiếm phần lớn lượng khí thải ở Ấn Độ. Đáng chú ý, chỉ riêng công ty Than Ấn Độ thuộc sở hữu nhà nước đã thải ra hơn 1 tỷ tấn CO2 vào năm 2015, tương đương 2,4% lượng khí thải nhà kính công nghiệp toàn cầu.

Nhiều quốc gia phát thải CO2 lớn trên thế giới trong những thập kỷ gần đây đã giảm bớt sự phụ thuộc vào than làm nguồn điện. Nhưng việc sử dụng than của Ấn Độ lại tăng lên, khiến nước này tăng phát thải trung bình 4,5%/năm trong thập kỷ vừa qua, và hiện đạt mức 2,3 tỷ tấn CO2/năm.

  1. Nga (1,5 tỷ tấn)

Than vẫn là một trong những nguồn năng lượng lớn nhất thế giới. Khoảng 40% sản lượng điện toàn cầu đến từ than. Nga là một ngoại lệ, phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên trong 25 năm qua để sản xuất điện. Loại nhiên liệu này chiếm một nửa sản lượng điện của đất nước. Tuy nhiên, sản lượng than của Nga cũng tăng mạnh, lớn thứ 6 thế giới và tăng 70% trong khoảng 3 thập kỷ gần đây. Sự tăng trưởng phần lớn được thúc đẩy bởi việc mở rộng ngành công nghiệp than sang tây nam Siberia, nơi có bể than Kuznetsk.

Mặc dù dân số Nga giảm nhẹ trong những năm gần đây, nước này vẫn có mức phát thải tăng 0,7% trong 10 năm qua, đạt 1,5 tỷ tấn năm ngoái.

  1. Nhật Bản (1,0 tỷ tấn)

Lượng phát thải CO2 của Nhật Bản đạt đỉnh trong 3 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima 2011, lên 1,3 triệu tấn vào năm 2013.

Kể từ đó, lượng phát thải đã giảm xuống mức trước năm 2011, đạt 1,0 tỷ tấn vào năm ngoái, do nước này tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo – hiện chiếm khoảng 5% tỷ trọng năng lượng của Nhật Bản. Tuy nhiên, nước này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ và bị chỉ trích vì thúc đẩy phát triển công nghệ than để giảm phát thải CO2 từ nguồn nhiên liệu hóa thạch này.

  1. Iran (678 triệu tấn)

Với tốc độ tăng dân số nhanh chóng, lượng khí thải CO2 của Iran cũng tăng tương tự, ở mức 2,5%/năm trong thập kỷ qua, bất chấp việc phải đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế trong nhiều năm. Iran là nước ký kết sớm Hiệp định Paris và ưu tiên theo đuổi nền kinh tế xanh. Nước này cam kết cắt giảm khí thải và cải cách lĩnh vực năng lượng của mình, sau khi nhận được lời hứa từ EU về trợ giúp công nghệ.

Công ty dầu khí quốc gia của Iran là một trong những doanh nghiệp phát thải CO2 nhiều nhất thế giới, đóng góp vào tổng lượng khí thải 678 triệu tấn của quốc gia Trung Đông này trong năm ngoái.

  1. Đức (605 triệu tấn)

Đức đang cho thấy tiến bộ trong việc cắt giảm khí thải, giảm trung bình 1,0%/năm trong 10 năm gần đây, mức giảm cao nhất trong danh sách này. Trong thập kỷ qua, chính sách “chuyển đổi năng lượng” của Đức đã tăng đáng kể tỷ trọng năng lượng tái tạo như gió và điện trong cơ cấu năng lượng toàn quốc và đưa lượng phát thải CO2 của nước này từ 783 triệu tấn năm 2010 xuống còn 605 triệu tấn trong năm 2020.

Mặc dù vậy, với việc loại bỏ dần điện hạt nhân, Đức vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá – và hầu hết các nhà máy của nước này đều đốt than nâu, loại than bẩn nhất. Ngoài ra, cơ cấu năng lượng cũng khiến giá điện của Đức cao nhất thế giới, đạt trung bình 0,37 USD (hơn 8.000 đồng)/kWh.

  1. Hàn Quốc (578 triệu tấn)

Với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, GDP nước này tăng hơn gấp 3 lần và lượng khí thải CO2 tăng hơn gấp đôi trong khoảng 25 năm gần đây. Số lượng xe ô tô trên đường ở Hàn Quốc và nhu cầu năng lượng dân cư cũng ngày càng tăng, cùng với nhu cầu năng lượng cho sản xuất.

Hàn Quốc đã cam kết giảm 37% lượng khí nhà kính vào năm 2030. Đồng thời, nước này đặt kế hoạch tăng sản lượng điện mặt trởi và điện gió trong 5 năm tới cũng như đóng cửa 30 nhà máy điện than từ nay đến năm 2034.

  1. Ả Rập Xê Út (571 triệu tấn)

Công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco đã phát thải hơn 60 tỷ tấn CO2 từ năm 1965 đến nay, là doanh nghiệp phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới. Lượng khí thải của Saudi Aramco chiếm phần lớn trong số 571 triệu tấn khí thải của Ả Rập Xê Út trong năm ngoái.

Là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, không có gì ngạc nhiên khi hầu như toàn bộ năng lượng của đất nước này đến từ dầu và khí đốt, với một lượng nhỏ dưới 1% từ năng lượng tái tạo. Trong những năm 1990, nước này không ủng hộ các thỏa thuận quốc tế về khí hậu. Nhưng gần đây, họ đã ký hiệp định khí hậu Paris, mặc dù cảnh báo rằng nền kinh tế của họ không được phép chịu một “gánh nặng bất thường”.

  1. Indonesia (545 triệu tấn)

Indonesia có GDP bình quân đầu người thấp so với các nước trong danh sách này, nhưng nền kinh tế của nước này đang tăng rất nhanh. Kéo theo đó là lượng khí thải CO2 tăng trung bình 4,5%/năm trong thập kỷ vừa qua, và đạt mức 545 triệu tấn trong năm 2020.

Nhiều khả năng, nền kinh tế Indonesia sẽ phát thải thêm nhiều carbon hơn nữa khi tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, cùng với đó là nhu cầu sử dụng ô tô và năng lượng. Để thỏa mãn nhu cầu đó, chính phủ nước này đang tập trung vào nhiệt điện than thay vì năng lượng tái tạo.