VNReport»Top»10 nước tiêu thụ nhiều điện nhất thế giới

10 nước tiêu thụ nhiều điện nhất thế giới

11:33 - 30/09/2021

Trung Quốc chiếm 1/3 tổng tiêu thụ điện toàn cầu. Phần lớn các nước vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để phát điện.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), tiêu thụ điện toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh hơn tốc độ tăng dân số. Điều này cho thấy sự gia tăng lượng điện năng tiêu thụ bình quân đầu người. Trong đó, sự gia tăng mạnh nhất đến từ các nước đang phát triển.

Tiêu thụ điện có mối quan hệ mật thiết với quy mô của nền kinh tế. Tất cả 10 nước trong danh sách sau đây đều nằm trong số 13 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

  1. Trung Quốc (7,5 triệu GWh)

Trung Quốc sử dụng 7,5 triệu GWh điện vào năm 2020, theo thống kê của chính phủ nước này, chiếm 1/3 tổng tiêu thụ điện toàn cầu.

Ngành điện Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện than, khi nước này là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đang cố gắng chuyển trọng tâm sang điện khí và các nguồn điện tái tạo.

Công ty lưới điện Trung Quốc, chịu trách nhiệm cho phần lớn hệ thống điện của nước này, là công ty lớn thứ 2 thế giới tính theo doanh thu.

  1. Mỹ (4,0 triệu GWh)

Người Mỹ đã sử dụng 4,0 triệu GWh vào năm 2019, theo EIA. Tính theo đầu người, mức tiêu thụ điện là 12.154 kWh/người, cao thứ 10 trên thế giới. Kể từ năm 1950, tiêu thụ điện ở Mỹ đã tăng 15 lần.

Mặc dù tổng tiêu thụ điện tăng, doanh số điện ở các khu dân cư lại có xu hướng giảm trong các năm từ 2010 đến 2017. Các nguyên nhân được chỉ ra là thay đổi về thời tiết, hiệu suất điện được cải thiện và các yếu tố về kinh tế.

  1. Ấn Độ (1,5 triệu GWh)

Là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, Ấn Độ tiêu thụ 1,5 triệu GWh vào năm 2018 theo cơ quan thống kê của nước này. Mức tiêu thụ điện của đất nước đang tăng nhanh và dự báo sẽ đạt 4 triệu GWh vào năm 2030.

Mặc dù xếp thứ 3 thế giới về tổng tiêu thụ điện, mức tiêu thụ trên đầu người của Ấn Độ đạt dưới 935 kWh, thuộc hàng thấp trên thế giới.

Ngành điện của Ấn Độ bị chi phối bởi nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than. Chính phủ đang nỗ lực tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo với mục tiêu đạt công suất 175 GW vào năm 2022.

  1. Nga (965.000 GWh)

Đất nước giàu nhiên liệu Nga tiêu thụ 965.000 GWh điện trong năm 2019. Nga có nguồn nhiên liệu hóa thạch dồi dào, với trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và sản lượng dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới sau Ả Rập Xê Út. Nguồn điện than chiếm 46% tổng công suất điện của Nga.

Ngoài ra, quốc gia châu Âu này là một trong 10 nhà sản xuất và tiêu thụ than hàng đầu thế giới. Trong khi đó, điện từ các nguồn năng lượng tái tạo chiếm chưa đến 1%.

  1. Nhật Bản (903.000 GWh)

Với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, Nhật Bản từ lâu đã là nhà tiêu thụ và nhập khẩu năng lượng lớn. Nước này tiêu thụ dầu nhiều thứ 3 và tiêu thụ than nhiều thứ 4 trên thế giới. Xét về điện, nước này đã tiêu thụ 903.000 GWh vào năm 2019.

Nhật Bản có 2 lưới điện ở phía Đông và phía Tây riêng biệt, không giống như hầu hết các nước công nghiệp phát triển khác thường chỉ có một mạng lưới điện quốc gia.

Trước thảm họa hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011, Nhật Bản có 1/3 nguồn điện được cung cấp bởi các nhà máy hạt nhân. Sau đó, những nhà máy này hầu hết đã bị thay thế bởi than và khí đốt.

  1. Brazil (597.000 GWh)

Brazil tiêu thụ 597.000 GWh điện trong năm 2019. Mặc dù là nước sản xuất điện nhiều nhất Nam Mỹ, công suất điện của nước này vẫn không theo kịp nhu cầu trong nước. Điện nhập khẩu chiếm khoảng 5% mức tiêu thụ điện của nước này.

Nhờ công suất chứa nước lớn nhất thế giới, thủy điện ở Brazil phát triển mạnh, chiếm khoảng 70% tổng công suất điện toàn quốc. Nhưng sự phụ thuộc vào thủy điện cũng khiến Brazil dễ tổn thương khi gặp hạn hán, như cuộc khủng hoảng năm 2001-2002.

  1. Canada (549.000 GWh)

Canada có mức tiêu thụ điện trên đầu người cao thứ 6 thế giới, đạt 14.612 kWh/người trong năm 2019. Tổng cộng, nước này đã sử dụng hơn 549.000 GWh điện.

Thủy điện chiếm khoảng 60% nguồn cung điện của Canada. Nước này có công suất thủy điện lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Brazil. Không những sản xuất đủ để phục vụ nhu cầu trong nước, Canada còn xuất khẩu điện sang Mỹ ở mức hơn 70.000 GWh/năm.

  1. Hàn Quốc (527.000 GWh)

Người dân và doanh nghiệp Hàn Quốc đã tiêu thụ 527.000 GWh điện trong năm 2019, theo EIA. Hơn 90% điện của Hàn Quốc được cung cấp bởi Tập đoàn Điện năng Hàn Quốc (KEPCO). Khi công ty này thành lập năm 1961, sản lượng điện hàng năm của đất nước chỉ đạt 1.770 GWh, nhưng đã tăng khoảng 300 lần trong gần 60 năm sau đó.

Hơn 95% nguồn cung điện của Hàn Quốc đến từ các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân. Trong đó, khoảng 2/3 là từ nhiệt điện.

  1. Đức (524.000 GWh)

Lưới điện của Đức là một phần của lưới điện đồng bộ châu Âu lục địa. Năm 2019, nước này tiêu thụ 524.000 GWh điện.

Đức là một hình mẫu trong việc chuyển đổi nguồn cung điện từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo, khiến nước này được gọi là “nền kinh tế năng lượng tái tạo lớn đầu tiên trên thế giới”. Trong năm 2020, một nửa nguồn cung điện của Đức đến từ gió, năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học. Than chiếm 24% nguồn cung điện và khí thiên nhiên chiếm 12%.

  1. Pháp (449.000 GWh)

Ngành điện của Pháp bị thống trị bởi năng lượng hạt nhân. Năm 2018, nguồn năng lượng này chiếm 72% sản lượng điện của Pháp, mức cao nhất thế giới. Ngoài ra, năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch chiếm lần lượt 21,3% và 7,1%.

Không những phục vụ đủ cho nhu cầu điện trong nước hàng năm khoảng 449.000 GWh, sản lượng điện của Pháp còn đủ cho xuất khẩu với số lượng lớn. Năm 2019, nước này đã xuất hơn 70.000 GWh điện sang các nước láng giềng bao gồm Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Sĩ… Lưới điện của Pháp cũng thuộc lưới điện đồng bộ châu Âu lục địa.