VNReport»Top»10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới

10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới

16:07 - 23/06/2021

Bảng xếp hạng của Mercer xếp hạng 209 thành phố, dựa trên so sánh các chi phí bao gồm nhà ở, giao thông, thực phẩm và giải trí, lấy New York làm cơ sở.

Ashgabat (Turkmenistan)

Báo cáo “Cost of Living Survey” năm 2021 do Mercer vừa công bố cho biết, thủ đô của Turkmenistan từ vị trí thứ 2 năm ngoái nay đã vươn lên đứng đầu danh sách thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với lao động nước ngoài.

Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở Turkmenistan dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và siêu lạm phát. Đây là lý do chi phí sinh hoạt của Ashgabat đã tăng chóng mặt trong vài năm qua.

Hong Kong (Trung Quốc)

Từng là thành phố đắt đỏ nhất năm ngoái, Hong Kong đã giảm một bậc xuống vị trí thứ hai trong danh sách năm nay.

Là trung tâm tài chính lớn thứ ba trên thế giới sau New York và London, Hong Kong được đánh giá là một trong những khu vực giàu có nhất, kinh tế phát triển nhất và mức sống cao nhất thế giới. Bất chấp tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, Hong Kong vẫn đắt đỏ trên nhiều lĩnh vực, nhưng đắt đỏ nhất vẫn ở chi phí thuê nhà dù giá bất động sản đã giảm do nhu cầu giảm trong đại dịch và tình hình chính trị bất ổn.

Beirut (Lebanon)

Thủ đô Beirut của Lebanon đã tạo ra sự biến động bất ngờ trong bảng xếp hạng khi tăng từ thành phố đắt đỏ thứ 45 trong năm 2020 lên vị trí thứ 3 trong năm 2021.

Nguyên nhân chủ yếu được cho là liên quan tới suy thoái kinh tế của Lebanon vốn trở nên trầm trọng do đại dịch Covid-19 và vụ nổ ở cảng Beirut vào tháng 8 năm ngoái. Theo đó, đồng nội tệ của Lebanon giảm giá kỷ lục khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Lạm phát tăng vọt cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn kinh tế đối với người dân sinh sống tại đây.

Tokyo (Nhật Bản)

Thủ đô Nhật Bản xếp hạng thứ 3 về độ đắt đỏ vào năm ngoái và đã tuột xuống vị trí thứ 4 ở thời điểm hiện tại một phần do đại dịch. Là thủ đô của Nhật Bản và là thành phố hiện đại bậc nhất thế giới vì vậy không ngạc nhiên khi thành phố Tokyo luôn đông đúc, nhộn nhịp và mọi thứ đều đắt đỏ.

Giống như hầu hết các đại đô thị, chi phí thuê nhà tại Tokyo chiếm phần trăm cao nhất trong tổng chi phí sinh hoạt, tiếp theo sau đó là chi phí mua xe và chi phí đi lại và thực phẩm.

Zurich (Thuỵ Sỹ)

Thụy Sĩ có ba thành phố trong danh sách top 10 năm nay. Trong đó, địa phương đắt đỏ nhất trong bộ ba là Zurich, chiếm vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Nằm ở phía Bắc của hồ Zurich, thành phố Zurich được bao quanh bởi sông Limma là một thành phố nổi tiếng xinh đẹp, sôi động, sầm uất bậc nhất Thụy Sĩ. Mặc dù không phải là thủ đô, nhưng Zurich là thành phố lớn nhất ở Thụy Sỹ và cũng là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất ở xứ sở đồng hồ này. Do đó, chi phí sinh hoạt tại thành phố này thuộc top đắt đỏ nhất thế giới.

Thượng Hải (Trung Quốc)

Là nền kinh tế lớn duy nhất đạt tăng trưởng dương vào năm 2020, các thành phố của Trung Quốc đã tăng thứ hạng trên bảng xếp hạng thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Trong đó, Thượng Hải đã tăng một bậc để đứng ở vị trí thứ sáu trong danh sách năm nay.

Khác với đa số những nơi khác trên thế giới, thành phố Thượng Hải đang chứng kiến sự “bất thường” khi giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng 6%, giá vé máy bay tăng 82% và giá phòng khách sạn tăng 15% bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19.

Singapore

Là đại diện duy nhất của Đông Nam Á trong top 10, Singapore từ vị trí thứ năm của năm ngoái, đã giảm hai bậc và hiện là thành phố đắt đỏ thứ bảy trên thế giới. Singapore đắt hơn nhiều so với các đô thị lớn trên thế giới chủ yếu do chi phí mua xe và giá thuê nhà.

Dù là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới song một số chi phí tại Singapore vẫn rẻ hơn một số nước khác trong khu vực, ví dụ như chăm sóc cá nhân, đồ gia dụng, người giúp việc…

Geneva (Thụy Sỹ)

Geneva  là thành phố Thụy Sỹ thứ hai trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021.

Geneva được ví như một thành phố toàn cầu khi là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế và 40% dân số nơi đây đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Geneva cũng là một trong những nơi người lao động nhận được mức lương cao cùng nhiều phúc lợi rất tốt. Điều đó dẫn đến chi phí thuê nhà, chi phí giải trí và giá thực phẩm tại đây cao hơn nhiều thành phố lớn khác trên thế giới.

Bắc Kinh (Trung Quốc)

Bắc Kinh là thành phố thứ hai của Trung Quốc nằm trong top 10 đắt đỏ nhất thế giới với lao động nước ngoài năm nay. Là trung tâm văn hóa và chính trị, đồng thời cũng là thủ đô của đất nước Trung Quốc, chi phí sinh hoạt ở Bắc Kinh rất đắt đỏ, không kém Thượng Hải là bao.

Hàng năm, Bắc Kinh luôn thu hút một lượng lớn sinh viên quốc tế, người nước ngoài đến đây học tập, làm việc và sinh sống kéo theo giá cả nhà đất, hàng hóa và chi phí sinh hoạt tại đây không ngừng tăng lên qua mỗi năm. Giá nhà đất trung bình ở Bắc Kinh hơn 14.000 NDT/m2, ngang với giá trung bình ở quận Manhattan, New York, Mỹ.

Bern (Thụy Sỹ)

Thành phố còn lại trong bộ ba đắt đỏ chiếm giữ top 10 của Thụy Sỹ là Bern – thủ đô của nước này. Luôn được đánh giá là thành phố đắt đỏ và đáng sống nhất thế giới, Bern thu hút các du học sinh và người lao động nước ngoài bởi giáo dục đỉnh cao, chất lượng sống tuyệt vời, thiên nhiên cảnh quan hung vĩ, không khí trong lành và con người thân thiện, tốt bụng.

Mặt khác, do đồng Euro tăng gần 11% so với USD cũng khiến các thành phố ở châu Âu được xếp hạng tương đối đắt đỏ hơn so với các thành phố ở Mỹ.