VNReport»Top»10 thành phố có sức ảnh hưởng lớn thế giới

10 thành phố có sức ảnh hưởng lớn thế giới

13:45 - 25/11/2021

London đứng đầu bảng xếp hạng thành phố toàn cầu của GPCI 10 năm liên tiếp.

Thành phố toàn cầu là các trung tâm quan trọng trong mạng lưới kinh tế toàn cầu và vì thế, có tầm ảnh hưởng lớn lên nhiều lĩnh vực của thế giới, từ kinh tế, tài chính đến công nghệ, khoa học, văn hóa.

Có nhiều bảng xếp hạng các thành phố toàn cầu. Sau đây là top 10 xếp theo Chỉ số Thành phố Quyền lực Toàn cầu (GPCI) của Viện Chiến lược Đô thị thuộc Quỹ Mori Memorial có trụ sở tại Tokyo, công bố năm 2021. Bảng xếp hạng dựa trên 70 chỉ số riêng thuộc 6 hạng mục gồm Kinh tế, Nghiên cứu & phát triển, tương tác văn hóa, Mức độ đáng sống, Môi trường và Khả năng tiếp cận.

1. London

London duy trì vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng GPCI năm thứ 10 liên tiếp. Điểm số của thành phố giảm so với năm ngoái chủ yếu là do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến vai trò của London trong mạng lưới giao thông quốc tế.

Đại đô thị với lịch sử gần 2.000 năm này có ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực trên thế giới. Ví dụ như kinh tế: GDP của London cao nhất trong các thành phố của châu Âu. London cũng có nhiều trường đại học, khách sạn 5 sao và là thành phố duy nhất từng đăng cai 3 kỳ Thế vận hội Mùa hè.

2. New York

Điểm số của New York được cải thiện nhờ mức độ hài lòng về vệ sinh đô thị. Đây là một trong những thế mạnh của thành phố, cùng với điểm số về Kinh tế. Ở chiều ngược lại, Mức độ đáng sống của New York tiếp tục giảm.

New York được mô tả là trung tâm văn hóa, tài chính và truyền thông của thế giới. Thành phố cũng là một trung tâm quan trọng của ngoại giao quốc tế vì là nơi đặt trụ sở của Liên Hợp Quốc. Nền kinh tế của New York có giá trị khoảng 2 nghìn tỷ USD, chỉ thấp hơn 7 nước trên thế giới.

3. Tokyo

Tokyo cải thiện điểm số so với năm ngoài, rút ngắn khoảng cách với London và New York. Thành phố tăng điểm ở Mức độ đáng sống nhờ mức độ linh hoạt về cách làm việc. Với việc đăng cai Olympic trong năm nay, thành phố cũng cải thiện về khả năng tạo lập xu hướng.

Tokyo là thành phố đông dân nhất thế giới, và có nền kinh tế đô thị lớn nhất tính theo GDP. Thành phố là trung tâm kinh doanh và tài chính số một của Nhật Bản.

4. Paris

Paris tăng hơn 10 bậc trong bảng xếp hạng về kinh tế, nhờ mức độ hấp dẫn thị trường tăng lên sau khi Anh rời EU. Thành phố cũng tăng điểm về Nghiên cứu và Phát triển. Nhưng điểm mạnh nhất của Paris là về Tương tác văn hóa, hạng mục mà thủ đô của Pháp xếp thứ 2.

Paris là một trong những trung tâm tài chính, kinh doanh, ngoại giao, văn hóa, khoa học quan trọng nhất của châu Âu từ thế kỷ 17. Thành phố rất nổi tiếng về các viện bảo tàng và công trình kiến trúc, thu hút lượng khách du lịch nhiều nhất thế giới.

5. Singapore

Singapore cải thiện nhiều nhất về điểm số Môi trường. Thành phố này chứng kiến lượng bụi mịn PM2.5 giảm đến 40%, mức cao nhất trong tất cả các đô thị được xếp hạng, nhờ các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19.

Singapore được thành lập năm 1819 với tư cách là một cảng thương mại của Đế quốc Anh. Sau khi bị Malaysia trục xuất khỏi liên bang vào năm 1967, Singapore phát triển nhanh chóng dựa vào thương mại để trở thành 1 trong 4 “Con hổ châu Á”.

6. Amsterdam

Amsterdam được đánh giá cao về Mức độ đáng sống và Khả năng tiếp cận. Ngoài ra, thành phố cũng cải thiện đáng kể trong các hạng mục Tương tác văn hóa và Môi trường.

Là thủ đô và thành phố đông dân nhất của Hà Lan, Amsterdam có hệ thống kênh đào lớn, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Từ thế kỷ 17, Amsterdam trở thành một trong những cảng quan trọng nhất thế giới khi ngành thương mại và tài chính của Hà Lan phát triển mạnh.

7. Berlin

Berlin có số điểm cao về Mức độ đáng sống và Môi trường, mặc dù thứ hạng về Môi trường của thành phố này giảm trong năm nay. Điểm yếu của Berlin là Khả năng tiếp cận và Kinh tế, các hạng mục mà thủ đô của Đức nằm ngoài top 20.

Berlin là thủ đô của Đức và các thể chế tiền thân của nước này từ thế kỷ 15. Sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, Berlin phát triển nền kinh tế dựa trên công nghệ cao và lĩnh vực dịch vụ.

8. Seoul

Seoul có thứ hạng cao nhất trong lĩnh vực Nghiên cứu & Phát triển – xếp thứ 6. Điểm số về Khả năng tiếp cận của thành phố cũng được cải thiện nhiều nhờ chịu ảnh hưởng ít hơn từ đại dịch so với các thành phố ở châu Âu và châu Mỹ. Ở chiều ngược lại, thành phố này có thứ hạng thấp về Mức độ đáng sống.

Là thủ đô và thành phố lớn nhất của Hàn Quốc, Seoul là một trong những trung tâm kinh doanh lớn nhất. Đây là nơi đặt trụ sở của 15 trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, bao gồm Samsung, LG, Hyundai.

9. Madrid

Madrid được xếp hạng là thành phố đáng sống nhất trong báo cáo năm nay, sau khi đứng vị trí thứ 2 năm ngoái. Hạng mục này giúp thành phố bù đắp điểm yếu về Kinh tế và Nghiên cứu & Phát triển và lọt vào top 10 trong bảng xếp hạng chung.

Madrid là thủ đô, thành phố đông dân nhất, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Tây Ban Nha. Đây là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và hàu hết các ngân hàng lớn của đất nước.

10. Thượng Hải

Nhờ duy trì được lưu lượng giao thông nội địa, Thượng Hải tăng từ vị trí thứ 3 lên thứ nhất về Khả năng tiếp cận. Điểm số Kinh tế của thành phố lớn nhất Trung Quốc cũng được cải thiện. Tuy nhiên, điểm số về Môi trường và Mức độ đáng sống của Thượng Hải nằm gần cuối bảng xếp hạng.

Có lịch sử khoảng 1.000 năm, nhưng phải đến thế kỷ 19, Thượng Hải mới trở thành đô thị lớn nhờ thương mại đường biển. Ngày nay, cảng Thượng Hải là cảng bận rộn nhất thế giới, đóng góp vào vị thế trung tâm toàn cầu của thành phố.