VNReport»Top»10 thương hiệu sữa giá trị nhất thế giới

10 thương hiệu sữa giá trị nhất thế giới

09:44 - 10/09/2021

Vinamilk có giá trị thương hiệu 2,4 tỷ USD, đứng thứ 8 trong danh sách.

Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai và bơ ngày càng được tiêu thụ nhiều hơn trên thế giới, khi người dân ở các nước đang phát triển có thu nhập cao hơn. Nhờ đó, giá trị của các thương hiệu sữa cũng ngày càng tăng.

Sau đây là 10 thương hiệu sữa giá trị nhất thế giới, theo ước tính của Brand Finance.

  1. Yili (9,6 tỷ USD)

Tập đoàn Yili của Trung Quốc có năm thứ 2 liên tiếp đạt danh hiệu thương hiệu sữa giá trị nhất thế giới, với giá trị thương hiệu 9,6 tỷ USD.

Yili có trụ sở tại thành phố Hohhot, khu tự trị Nội Mông. Yili, cùng với đối thủ chính Mengniu, chiếm khoảng 60% thị phần sữa của Trung Quốc.

Năm 2008, Yili nằm trong số 22 công ty Trung Quốc dính lứu vào vụ bê bối sữa nhiễm melamine, gây sỏi thận cho 13.000 trẻ sơ sinh ở Trung Quốc và các nước láng giềng.

  1. Danone (8,2 tỷ USD)

Danone là tập đoàn thực phẩm có trụ sở tại Paris, Pháp. Công ty được thành lập năm 1919 ở Barcelona, Tây Ban Nha.

Năm 2020, doanh thu của Danone đạt 23,6 tỷ euro (27,9 tỷ USD), với 54% đến từ các sản phẩm sữa và sữa thực vật, 31% từ các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt, 15% đến từ các loại nước uống. Các nhãn hiệu quốc tế của Danone bao gồm Actimel, Activia, Alpro, Evian, …

  1. Mengniu (4,8 tỷ USD)

Đối thủ chính của Yili, Mengniu cũng có trụ sở ở Hohhot, khu tự trị Nội Mông. Hai doanh nghiệp này chiếm 60% thị trường sữa của Trung Quốc. Năm 2020, sản lượng của Mengniu đạt 9,9 triệu tấn sữa.

Mengniu là một trong số những công ty có sản phẩm sữa bột chứa melamine năm 2008. Công ty đã buộc phải thu hồi các sản phẩm nhiễm độc và xin lỗi công chúng.

  1. Arla (3,1 tỷ USD)

Arla là nhà sản xuất sữa của Đan Mạch được tổ chức dưới dạng hợp tác xã. Nhãn hiệu này được thành lập khi hợp tác xã Arla của Thụy Điển sáp nhập với công ty sữa MD Foods của Đan Mạch.

Trong năm 2020, Arla ghi nhận doanh số 13,7 triệu tấn sữa và đạt doanh thu 10,6 tỷ euro (12,5 tỷ USD). Quyền sở hữu công ty hiện thuộc về hơn 12.700 nông dân ở 7 quốc gia.

  1. Amul (3,1 tỷ USD)

Amul là hợp tác xã của Ấn Độ, được thành lập năm 1946 và hiện thuộc quyền sở hữu của 3,6 triệu nông dân ở bang Gurajat. Amul đi đầu chiến dịch phát triển ngành sữa của Ấn Độ, còn được gọi là “Cách mạng Trắng”, biến nước này từ nước thiếu sữa trở thành nhà sản xuất sữa số một thế giới.

Với vị thế hàng đầu ở thị trường hơn 1,4 tỷ dân, Amul đạt doanh thu 385,5 tỷ rupee Ấn Độ (5,2 tỷ USD) trong năm tài chính 2020.

  1. Friso (3,0 tỷ USD)

Friso là thương hiệu chính của FrieslandCampina, hợp tác xã sản xuất sữa của Hà Lan. Hợp tác xã này được thành lập năm 2008 sau sự sáp nhập giữa công ty Friesland và hợp tác xã Campina.

Ngoài Friso, các thương hiệu nổi tiếng khác của FrieslandCampina là Fristi, Dutch Lady, Campana… Các sản phẩm của công ty được bán ở hơn 100 quốc gia.

  1. Enfamil (2,4 tỷ USD)

Enfamil là thương hiệu sữa công thức của Mỹ, do công ty Mead Johnson sở hữu. Thương hiệu này bao gồm các sản phẩm như Enfagrow, Enfakid và Enfapro, được tiếp thị đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thuộc nhiều nhóm tuổi.

Enfamil giúp Mead Johnson đứng thứ 3 trong thị trường sữa công thức thế giới, sau Nestlé – công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới của Thụy Sĩ, và Danone – một trong những doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới.

  1. Vinamilk (2,4 tỷ USD)

Vinamilk là công ty sữa lớn nhất Việt Nam và có giá trị vốn hóa lớn thứ 5 trên thị trường chứng khoán trong nước.

Công ty được Nhà nước thành lập năm 1976 với tên Công ty Sữa – Cà phê miền Nam, nhằm quốc hữu hóa 3 nhà máy tư nhân ở miền Nam: Thống Nhất của một công ty Trung Quốc, Trường Thọ của công ty Hà Lan Friesland và Dielac của Nestlé.

Ngoài việc dẫn đầu ở thị trường nội địa với 55% thị phần, Vinamilk còn xuất khẩu sản phẩm ra hơn 50 thị trường khác. Năm 2020, doanh thu của công ty là gần 60 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD).

  1. Almarai (2,2 tỷ USD)

Almarai là công ty sữa của Ả Rập Xê Út, được thành lập năm 1977. Khởi đầu với 350 con bò, Almarai hiện đang khai thác hơn 200.000 con bò trên toàn cầu, trở thành nhà sản xuất sữa lớn nhất ở Vùng Vịnh.

Từ năm 2009, Almarai đã hợp tác với PepsiCo để bán sữa và đồ uống sang các thị trường mới như Ai Cập và Jordan.

Ngoài sữa, Almarai còn sản xuất bánh mì và thịt trứng gia cầm.

  1. Président (2,1 tỷ USD)

Président là nhãn hiệu nổi tiếng với các sản phẩm phô mai, thuộc sở hữu của tập đoàn Lactalis, công ty thực phẩm lớn thứ 2 của Pháp, sau Danone.

Lactalis được thành lập năm 1933 với tư cách là một doanh nghiệp nhỏ sản xuất phô mai. Tính đến năm 2015, công ty đã có hơn 75.000 nhân viên trên toàn cầu, ở 237 điểm sản xuất tại 43 quốc gia.