VNReport»Top»40 nhà lãnh đạo chính trị thế giới giàu nhất lịch sử

40 nhà lãnh đạo chính trị thế giới giàu nhất lịch sử

19:54 - 23/12/2024

Đa số các nhà lãnh đạo chính trị trong danh sách này trở nên giàu có khi đương nhiệm nhờ tham nhũng. Một số người đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ từ trước khi tham gia chính trị.

Mức lương chính thức của các nhà lãnh đạo thế giới dao động từ khiêm tốn đến rất hào phóng. Nhiều người cả trong quá khứ và hiện tại rất giàu trước khi nhậm chức, trong khi những người khác trở nên rất giàu có nhờ tham nhũng khi đương nhiệm.

Dưới đây là danh sách đếm ngược 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ không phải hoàng gia giàu nhất từ trước đến nay, xếp theo giá trị tài sản ròng cao nhất mà họ đạt được. Những nhà lãnh đạo trong lịch sử được đưa vào nếu có ước tính đáng tin cậy về tài sản của họ. Dữ liệu trước năm 2020 được điều chỉnh theo lạm phát.

40. Napoléon Bonaparte (400 triệu USD)

Ảnh: Jacques-Louis David/Wikimedia Commons.

Ảnh: Jacques-Louis David/Wikimedia Commons.

Sinh ra trong một gia đình tương đối nghèo ở Corsica, Napoléon tự xưng là Hoàng đế của Pháp sau Cách mạng Pháp, chinh phục những vùng đất rộng lớn ở châu Âu vào đầu thế kỷ 19.

Các ước tính về tài sản của ông rất khác nhau, và một số học giả cho rằng nó lên tới hàng tỷ USD. Tuy nhiên, ước tính đồng thuận là ông sở hữu 400 triệu USD theo giá trị tiền ngày nay.

39. Cyril Ramaphosa (450 triệu USD)

Ảnh: Alexandros Michailidis/Shutterstock.

Ảnh: Alexandros Michailidis/Shutterstock.

Tổng thống Nam Phi lâu năm, Cyril Ramaphosa là một trong những nhà lãnh đạo dân chủ giàu nhất thế giới. Forbes ước tính giá trị tài sản ròng gần đây nhất của ông là 450 triệu USD vào năm 2015, có thể đã tăng lên kể từ đó.

Ramaphosa có được số tiền khổng lồ này thông qua sự nghiệp kinh doanh đa dạng, bao gồm các vai trò giám đốc và cố vấn cho các công ty Nam Phi như MTN, Alexander Forbes, SABMiller và Standard Bank, cũng như với những công ty nổi tiếng thế giới McDonald’s và The Coca-Cola Company.

=36. Paul Kagame (500 triệu USD)

Ảnh: Alexos Michailidis/Shutterstock.

Ảnh: Alexos Michailidis/Shutterstock.

Paul Kagame là tổng thống Rwanda kể từ năm 2000 sau khi ông lãnh đạo lực lượng nổi dậy chấm dứt cuộc diệt chủng giết hơn 1 triệu người. Kagame đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của quốc gia châu Phi này và ý tưởng trở thành “Singapore của châu Phi”, mặc dù chính quyền của ông cũng đã đàn áp ý kiến bất đồng.

Năm 2012, có thông tin rằng Kagame và đảng Mặt trận Yêu nước Rwanda của ông đang kiểm soát nền kinh tế đất nước thông qua một công ty có tên là Crystal Ventures. Công ty này được cho là có tài sản trị giá 500 triệu USD trong nhiều lĩnh vực từ máy bay tư nhân đến nhà máy chế biến sữa lớn nhất cả nước. Người ta ước tính rằng Kagame, chủ tịch của Crystal Ventures, cũng có giá trị tài sản là 500 triệu USD.

=36. Ilham Aliyev (500 triệu USD)

Antonio Masiello/Getty Images.

Antonio Masiello/Getty Images.

Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev, có mức lương chính thức hàng năm là 230.000 USD vào năm 2010, tương đương với 330.000 USD tiền năm 2024. Tuy nhiên, ông và gia đình có những nguồn thu nhập khác, bao gồm cả bất động sản giá trị lớn ở nước ngoài. Năm 2010, con trai ông Heydar khi đó 12 tuổi được đưa tin đã mua 9 biệt thự bờ biển ở Dubai trị giá khoảng 44 triệu USD (63 triệu USD ngày nay), một con số mà một người dân Azerbaijan trung bình phải làm việc 10.000 năm mới tích lũy được.

Gia đình Aliyev lại lên báo khi Hồ sơ Pandora tiết lộ rằng Crown Estate của hoàng gia Anh đã mua một bất động sản trị giá 67 triệu bảng Anh (87 triệu USD) ở London từ con trai nhỏ của tổng thống. Cả Aliyev và chính phủ của ông đều bị cáo buộc tham nhũng trong nhiều năm qua.

Giá trị tài sản ròng của ông được cho là khoảng 500 triệu USD, mặc dù các ước tính khác đưa ra con số cao tới 900 triệu USD.

=36. Recep Tayyip Erdoğan: 500 triệu USD

Ảnh: Gurer Sumer/Shutterstock.

Ảnh: Gurer Sumer/Shutterstock.

Recep Tayyip Erdoğan từng là thị trưởng Istanbul và thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trước khi được bầu làm tổng thống nước này vào năm 2014. Mặc dù duy trì được đủ sự ủng hộ để tiếp tục nắm quyền, nhiều người đã cáo buộc ông tham nhũng và có khuynh hướng chuyên quyền, và đồng Lira của đất nước đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử khiến nhiều hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính.

Tháng 7/2023, truyền thông trong nước đưa tin Erdoğan đã tăng lương hàng tháng của mình thêm 39% từ 3.829 USD lên 5.360 USD, tương đương mức lương hàng năm gần 65.000 USD.

Tuy nhiên, giá trị tài sản ròng của Erdoğan là chủ đề được xem xét kỹ. Ông được ước tính có tổng giá trị tài sản hiện khoảng 500 triệu USD, mặc dù một số báo cáo đã xác định tài sản của ông lên tới hàng tỷ USD.

35. Uhuru Kenyatta (530 triệu USD)

Ảnh: Horacio Villalobos/Corbis, Getty Images.

Ảnh: Horacio Villalobos/Corbis, Getty Images.

Cựu tổng thống Kenya, Uhuru Kenyatta, là người nắm giữ ít nhất 2.000 km2 đất nông nghiệp màu mỡ ở trong nước. Mảnh đất này được thừa kế từ cha ông, Jomo Kenyatta, nhà lãnh đạo chính trị đầu tiên của Kenya.

Uhuru Kenyatta cũng nắm giữ cổ phần lớn trong công ty sữa lớn nhất đất nước và cổ phần trong một ngân hàng thương mại và đài truyền hình. Các báo cáo gần đây cho biết tài sản của ông lên tới gần 530 triệu USD.

34. George Washington (760 triệu USD)

Ảnh: Gilbert Stuart/Wikimedia Commons.

Ảnh: Gilbert Stuart/Wikimedia Commons.

George Washington, tổng thống giàu thứ hai của Mỹ, sở hữu hàng trăm nô lệ làm việc tại đồn điền Mount Vernon rộng 32 km2 của mình, nơi có 5 trang trại.

Tổng thống lập quốc của Mỹ là một ông trùm bất động sản, sở hữu đất từ Virginia đến New York. Giá trị tài sản ròng cao nhất của Washington tương đương với khoảng 760 triệu USD ngày nay.

33. Rishi Sunak (820 triệu USD)

Ảnh: Associated Press/Alamy Stock Photo.

Ảnh: Associated Press/Alamy Stock Photo.

Rishi Sunak trở thành thủ tướng Anh thứ ba trong năm 2022 khi ông tiếp quản từ Liz Truss, giữ chức cho đến khi lãnh đạo Đảng Lao động Keir Starmer thay thế ông vào tháng 7/2024. Theo Danh sách người giàu mới nhất của Sunday Times, Sunak và vợ có giá trị tài sản chung ròng ước tính là 820 triệu USD, tăng 153 triệu USD so với bảng xếp hạng năm 2023.

Ở vị trí thủ tướng, Sunak kiếm được mức lương hàng năm là 167.391 bảng Anh (210.000 USD). Tuy nhiên, phần lớn số tiền của ông đến từ sự nghiệp kinh doanh thành công – ông đồng sáng lập công ty đầu tư Theleme Partners vào năm 2010 – và từ cuộc hôn nhân của ông với Akshata Murty, một doanh nhân thời trang sở hữu khoảng 500 triệu USD cổ phiếu trong công ty công nghệ Infosys của cha bà. Murty cũng sở hữu một công ty đầu tư mạo hiểm và là giám đốc hoặc cổ đông trực tiếp tại 5 công ty khác có trụ sở tại Anh, theo báo The Sun.

32. Teodoro Obiang Nguema Mbasogo (940 triệu USD)

Ảnh: Issouf Sanogo/AFP/Getty Images.

Ảnh: Issouf Sanogo/AFP/Getty Images.

Là tổng thống của Guinea Xích Đạo giàu dầu mỏ từ năm 1979, Teodoro Obiang Nguema Mbasogo giữ im lặng về khối tài sản của mình, theo ước tính của Forbes năm 2006 là 600 triệu USD, tương đương 940 triệu USD giá trị tiền hiện nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã yêu cầu ông khai báo giá trị tài sản ròng của mình để nhận được thêm tiền cứu trợ cho đất nước nghèo đói nhưng không nhận được phản hồi.

Con trai của ông, cựu phó tổng thống Teodoro Nguema Obiang Mangue, làm ngược lại và phô trương tiền bạc một cách xa hoa – hóa là là hàng triệu USD biển thủ. Mua những thứ từ bất động sản Malibu đến xe Bugatti Veyron, Bentley và Lamborghini, lối sống xa hoa của ông không kéo dài được lâu. Nhiều chính phủ đã tịch thu những tài sản đó và các bất động sản khác, và tòa án Pháp đã tuyên án ông 3 năm tù.

=29. Nursultan Nazarbayev (1 tỷ USD)

Ảnh: Yakub88/Shutterstock.

Ảnh: Yakub88/Shutterstock.

Nursultan Nazarbayev là tổng thống Kazakhstan từ ngày 24/4/1990 cho đến khi từ chức vào tháng 3/2019.

Trong suốt 29 năm tại vị, nhà độc tài này bị cáo buộc vi phạm nhân quyền diện rộng, chưa kể đến nạn tham nhũng tràn lan, và được cho là đã tích lũy được khối tài sản ít nhất 1 tỷ USD.

=29. Islam Karimov (1 tỷ USD)

Ảnh: Maxim Marmur/AFP/Getty Images.

Ảnh: Maxim Marmur/AFP/Getty Images.

Islam Karimov là nhà lãnh đạo chính trị của Uzbekistan và tiền thân của nước này, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Uzbekistan, từ năm 1989 cho đến khi ông qua đời vào năm 2016. Nhà độc tài đã cai trị đất nước bằng nắm đấm sắt – vi phạm nhân quyền là chuyện thường ngày và báo chí bị hạn chế nghiêm ngặt.

Giống như Nursultan Nazarbayev, Karimov được cho là đã xây dựng được khối tài sản trị giá 1 tỷ USD.

=29. Ali Bongo Ondimba (1 tỷ USD)

Ảnh: Jonathan Hordle/WPA Pool/Getty Images.

Ảnh: Jonathan Hordle/WPA Pool/Getty Images.

Ali Bongo Ondimba, tổng thống Gabon vừa bị lật đổ, cũng được cho là có giá trị tài sản 1 tỷ USD và đã bị chỉ trích vì sự giàu có. Ông bị cáo buộc cướp dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên của Gabon để tạo ra khối tài sản của mình, và vào năm 2009, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã đệ đơn kiện gia đình ông. Cuộc điều tra tham nhũng sau đó đã tiết lộ nhiều tài sản, bao gồm 39 bất động sản ở Pháp và 9 chiếc xe ô tô sang, nhưng vụ án đã bị hủy bỏ vào năm 2017.

Tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba, Ali Bongo được công bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử của đất nước vào tháng 8/2023, mặc dù kết quả gây tranh cãi. Chỉ vài giờ sau, các nhà lãnh đạo quân sự tuyên bố đảo chính trên truyền hình quốc gia và quản thúc ông tại gia. Sau đó, ông được thả và được cho phép rời khỏi đất nước, mặc dù các báo cáo cho biết ông vẫn ở lại thủ đô Libreville.

28. Fidel Castro (1,4 tỷ USD)

Ảnh: Jorge Ray/Getty Images.

Ảnh: Jorge Ray/Getty Images.

Nhà lãnh đạo lâu năm của Cuba – thủ tướng của quốc gia Caribe này từ năm 1959 đến năm 1976 và chủ tịch nước từ năm 1976 đến năm 2008 – có thể đã theo đuổi các giá trị của chủ nghĩa Marx-Lenin dựa trên phân phối công bằng của cải, nhưng điều đó không ngăn cản ông tích lũy khối tài sản cá nhân khổng lồ.

Năm 2006, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông là 900 triệu USD, tương đương 1,4 tỷ USD tiền hiện nay.

27. Edward Smith-Stanley (1,5 tỷ USD)

Ảnh: William Holl/Wikimedia Commons.

Ảnh: William Holl/Wikimedia Commons.

Thủ tướng giàu nhất lịch sử Anh, Edward Smith-Stanley, đã đứng đầu chính phủ trong 3 nhiệm kỳ ở các thập niên 1850 và 1860 và có vị trí trong lịch sử với tư cách là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Đảng Bảo thủ.

Nhà quý tộc là một chủ đất lớn và có khối tài sản tương đương khoảng 1,5 tỷ USD tiền ngày nay.

26. Akbar Hashemi Rafsanjani (1,7 tỷ USD)

Ảnh: Wathiq Khuzaie/Getty Images.

Ảnh: Wathiq Khuzaie/Getty Images.

Akbar Hashemi Rafsanjani là tổng thống thứ tư của Iran. Sinh ra trong một gia đình giàu có, ông tại vị từ năm 1989 đến năm 1997 và có một số lợi ích kinh doanh béo bở.

Năm 2006, Rafsanjani – đã qua đời vào năm 2017 – có giá trị tài sản ròng được Forbes định giá là 1,1 tỷ USD, tương đương 1,7 tỷ USD ngày nay.

25. Robert Mugabe (1,8 tỷ USD)

Ảnh: Jekesai Njikizana/AFP/Getty Images.

Ảnh: Jekesai Njikizana/AFP/Getty Images.

Là thủ tướng và sau đó là tổng thống khét tiếng của Zimbabwe từ năm 1980 đến năm 2017, Robert Mugabe dẫn dắt sự sụp đổ kinh tế của quốc gia từng giàu có này, nơi ông đã cướp bóc để làm giàu cho bản thân và gia đình.

Điện tín ngoại giao của Mỹ bị rò rỉ do Wikileaks công bố cho thấy nhà độc tài – sở hữu một số trang trại và dinh thự sang trọng – có khối tài sản ước tính hơn 1 tỷ USD vào năm 2001. Khi điều chỉnh theo lạm phát, con số đó trở thành 1,8 tỷ USD.

24. Bashar Al-Assad (lên tới 2 tỷ USD)

Ảnh: Harold Escalona/Shutterstock.

Ảnh: Harold Escalona/Shutterstock.

Nhà cựu độc tài của Syria từ năm 2000 đến khi bị lật đổ gần đây từng bị cáo buộc tích trữ tới 125 tỷ USD đánh cắp từ kho bạc nhà nước.

Một phân tích thực tế hơn được thực hiện vào năm 2012 và được báo The Guardian đưa tin ước tính giá trị tài sản ròng của ông là 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, vào năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính giá trị tài sản ròng của ông vào khoảng 1 đến 2 tỷ USD.

23. Thaksin Shinawatra (2,1 tỷ USD)

Ảnh: Jewel Samad/AFP, Getty Images.

Ảnh: Jewel Samad/AFP, Getty Images.

Thaksin Shinawatra giữ chức thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 đến năm 2006, khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Thaksin bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành cảnh sát và đã khởi xướng một số dự án kinh doanh thất bại khiến ông mắc nợ đáng kể, trước khi thành lập một công ty viễn thông mà sau đó ông đã bán với giá hàng tỷ USD.

Sau cuộc đảo chính, ông sống lưu vong ở Dubai trong 15 năm trước khi trở về Thái Lan vào tháng 8/2023. Em gái ông là Yingluck cũng là cựu Thủ tướng Thái Lan, trong khi con gái ông là Paetongtarn đã trở thành thủ tướng vào đầu năm nay. Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông là 2,1 tỷ USD.

22. Sebastian Piñera (2,9 tỷ USD)

Ảnh: Daniel Leal-Olivas/WPA Pool/Getty Images.

Ảnh: Daniel Leal-Olivas/WPA Pool/Getty Images.

Cựu tổng thống Chile Sebastian Piñera đã tạo ra một khối tài sản khổng lồ sau khi thành lập công ty thẻ tín dụng Bancard vào năm 1976, trước khi phục vụ 2 nhiệm kỳ tổng thống 4 năm.

Nhà lãnh đạo qua đời vào tháng 2/2024 có giá trị tài sản ròng 2,9 tỷ USD theo Forbes, một phần là do bán các tài sản lớn, bao gồm cổ phần của ông tại hãng hàng không LAN của Chile với giá 1,5 tỷ USD và một kênh truyền hình với giá được cho là 150 triệu USD.

21. Saddam Hussein (3,4 tỷ USD)

Ảnh: Jacques Pavlovsky/Sygma/Getty Images.

Ảnh: Jacques Pavlovsky/Sygma/Getty Images.

Saddam Hussein đã tích lũy khối tài sản khổng lồ khi làm tổng thống Iraq từ năm 1979 cho đến khi bị lật đổ vào năm 2003. Thoải mái dùng tiền của người dân Iraq, nhà độc tài khét tiếng này có giá trị tài sản 2 tỷ USD vào năm 2003 theo Forbes, tương đương với 3,4 tỷ USD ngày nay.

Tài sản của ông bao gồm 89 cung điện, nhiều xe ô tô sang trọng và cổ phần lớn trong các công ty truyền thông như Lagardere SCA của Pháp.

20. Daniel Arap Moi (3,6 tỷ USD)

Ảnh: Pedro Ugarte/AFP/Getty Images.

Ảnh: Pedro Ugarte/AFP/Getty Images.

Daniel Arap Moi là tổng thống Kenya từ năm 1978 đến năm 2002. Trong thời gian tại nhiệm, cố chính trị gia này đã chuyển hơn 1 tỷ USD vào các tài khoản ngân hàng bí mật và bất động sản tư nhân trên khắp thế giới.

Theo Forbes, tài sản của Moi bao gồm cổ phần lớn trong một số công ty dầu mỏ, một trang trại rộng 100 km2 ở Úc và cổ phiếu tại các ngân hàng và công ty vận chuyển. Vào thời điểm ông qua đời năm 2020, ông được cho là có tài sản 3,6 tỷ USD theo giá trị tiền ngày nay.

19. Ôn Gia Bảo (3,7 tỷ USD)

Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images.

Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images.

Là thủ tướng Trung Quốc từ năm 2003 đến năm 2013, Ôn Gia Bảo đã tích trữ được hàng tỷ USD trong nhiệm kỳ 10 năm của mình.

Một đánh giá toàn diện về các hồ sơ doanh nghiệp và hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý được công bố trên tờ New York Times năm 2012 cho thấy ông đã tích lũy được khối tài sản lên tới 2,7 tỷ USD, tương đương với 3,7 tỷ USD giá tiền hiện nay.

18. Francisco Franco (lên tới 3,8 tỷ USD)

Ảnh: Keystone/Getty Images.

Ảnh: Keystone/Getty Images.

Francisco Franco cai trị Tây Ban Nha từ năm 1939 cho đến khi qua đời vào năm 1975 và chịu trách nhiệm cho những vụ sát hại hàng trăm nghìn người, chủ yếu là những người theo chủ nghĩa cộng hòa và những người bất đồng chính kiến ​​khác.

Ước tính cao nhất về tài sản của nhà độc tài này vào năm 1975 lên tới 100 tỷ pesetas, tương đương khoảng 3,8 tỷ USD thời giá hiện nay.

17. Kim Jong-un (5 tỷ USD)

Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images.

Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images.

Nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã tích lũy được giá trị tài sản ròng 5 tỷ USD kể từ năm 2013. Khi đó, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã phát hiện ra tài sản và tài khoản ngân hàng do nhà lãnh đạo tối cao và gia đình ông kiểm soát.

Họ phát hiện ra rằng phần lớn tài sản của ông được cất giấu trong hơn 200 tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc và các nước khác, bao gồm Áo, Luxembourg, Nga và Thụy Sĩ.

=15. Kim Jong-il (5,6 tỷ USD)

Ảnh: Pool/Getty Images.

Ảnh: Pool/Getty Images.

Trong cùng gia đình, Kim Jong-il của Triều Tiên đã tích lũy được khoảng 4 tỷ USD vào thời điểm ông qua đời năm 2011, tương đương với 5,6 tỷ USD giá tiền hiện nay.

“Quỹ đen” của nhà độc tài quá cố này được quản lý bởi Ri Su-yong, cựu đại sứ Triều Tiên tại Thụy Sĩ, bằng cách gửi tiền mặt vào các tài khoản ngân hàng bí mật tại Thụy Sĩ.

=15. Donald Trump: 5,6 tỷ USD

Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images.

Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images.

Tổng thống giàu nhất nước Mỹ từ trước đến nay không ai khác chính là Donald Trump. Ông trùm bất động sản và nhân vật truyền thông này đã kiếm được rất nhiều tiền từ trước khi ông lần đầu tiên đắc cử tổng thống vào năm 2016.

Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của Trump đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2016 và mặc dù sau đó giảm xuống còn khoảng 2,5 tỷ USD, nhưng định giá tài sản của ông đã tăng vọt sau chiến thắng bầu cử gần nhất. Forbes hiện ước tính giá trị tài sản ròng của ông ở mức 5,6 tỷ USD.

14. Silvio Berlusconi (6,8 tỷ USD)

Ảnh: Edoardo Fornaciari/Getty Images.

Ảnh: Edoardo Fornaciari/Getty Images.

Thủ tướng Ý trong 3 nhiệm kỳ vào các thập niên 1990, 2000 và 2010, Silvio Berlusconi bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành xây dựng nhưng bước vào thế giới truyền thông năm 1973, nơi ông xây dựng khối tài sản của mình.

Ông trùm truyền thông này cũng nổi tiếng với 31 năm sở hữu câu lạc bộ bóng đá AC Milan và từng bị kết án gian lận thuế. Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông là 6,8 tỷ USD khi ông qua đời vào tháng 6/2023.

13. Sani Abacha (7,8 tỷ USD)

Ảnh: Issouf Sanogo/AFP/Getty Images.

Ảnh: Issouf Sanogo/AFP/Getty Images.

Nhà độc tài quân sự Sani Abacha là người đứng đầu thực tế của Nigeria từ năm 1993 cho đến khi ông qua đời vào năm 1998. Vi phạm nhân quyền diện rộng và tham nhũng lan tràn là những đặc điểm chính trong thời kỳ của ông.

Sau khi nhà độc tài này qua đời, chính phủ Nigeria phát hiện ra Abacha đã tuồn 4 tỷ USD vào các tài khoản ngân hàng bí mật ở Thụy Sĩ và những nơi khác. Tính theo giá trị tiền ngày nay, con số đó lên tới 7,8 tỷ USD.

12. Adolf Hitler (8 tỷ USD)

Ảnh: Corbis, Getty Images.

Ảnh: Corbis, Getty Images.

Nhà độc tài khét tiếng nhất lịch sử, Adolf Hitler đã lừa đảo nước Đức hàng tỷ USD. Ông cũng kiếm được hàng triệu USD từ bán cuốn sách Mein Kampf của mình.

Theo bộ phim tài liệu năm 2014 The Hunt for Hitler’s Missing Millions, Hitler có tài sản ròng tương đương khoảng 8 tỷ USD theo giá tiền hiện nay.

11. Zine El Abidine Ben Ali (14 tỷ USD)

Ảnh: AFP/Getty Images.

Ảnh: AFP/Getty Images.

Cựu lãnh đạo Tunisia bị người dân ghét Zine El Abidine Ben Ali được cho là từng kiểm soát từ 30% đến 40% nền kinh tế quốc gia trong thời gian nắm quyền.

Năm 2011, khi ông bị lật đổ, cố tổng thống và gia đình ông nắm giữ tài sản ước tính trị giá khoảng 10 tỷ USD, tương đương 14 tỷ USD theo giá tiền hiện nay.

10. Mobutu Sese Seko (15,2 tỷ USD)

Ảnh: Bettmann/Contributor/Getty Images.

Ảnh: Bettmann/Contributor/Getty Images.

Mobutu Sese Seko là tổng thống của Zaire, hiện là Cộng hòa Dân chủ Congo, từ năm 1965 đến năm 1997. Cũng thoải mái với tiền của người dân như những nhà độc tài khác trong danh sách, Mobutu đã kiếm được 5 tỷ USD, theo ước tính vào năm 1984. Con số đó tương đương với 15,2 tỷ USD tiền ngày nay.

Ông sở hữu các cung điện ở Zaire và các dinh thự lớn ở Paris và Thụy Sĩ, có sở thích những thứ xa xỉ đắt tiền như rượu sâm panh hồng vintage.

9. José Eduardo dos Santos (25,8 tỷ USD)

Ảnh: Stephane de Sakutin/AFP/Getty Images.

Ảnh: Stephane de Sakutin/AFP/Getty Images.

Cựu tổng thống Angola đã tích trữ một khoản tiền khổng lồ khi ông đứng đầu đất nước từ năm 1979 đến năm 2017. Bỏ qua hoàn cảnh khốn cùng của người dân nghèo đói, nhà cố độc tài đã chọn làm giàu cho bản thân và gia đình và sở hữu tài sản ước tính 20 tỷ USD trước khi qua đời, tương đương với 25,8 tỷ USD ngày nay.

Con gái ông, Isabel, là người phụ nữ giàu nhất châu Phi, nhưng các cáo buộc tham nhũng và các vụ kiện chống lại bà ở 3 quốc gia khác nhau khiến tài sản của bà bị đóng băng. Forbes không còn liệt kê bà là một trong những người giàu nhất châu Phi.

8. Ibrahim Babangida (27,9 tỷ USD)

Ảnh: Pius Utomi Ekpei/AFP/Getty Images.

Ảnh: Pius Utomi Ekpei/AFP/Getty Images.

Ibrahim Babangida đã cướp hàng tỷ USD tiền của Nigeria khi là tổng thống của đất nước từ năm 1985 đến năm 1993.

Vị tướng quân đội này được cho là đã rửa 12,4 tỷ USD khoản lợi nhuận khổng lồ từ dầu mỏ của Nigeria trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1992, tương đương 27,9 tỷ USD giá trị tiền ngày nay.

7. Mahathir Mohamad (40 tỷ USD)

Ảnh: Afif Abd. Halim/Shutterstock.

Ảnh: Afif Abd. Halim/Shutterstock.

Từng là thủ tướng đương nhiệm lớn tuổi nhất thế giới, Mahathir Mohamad của Malaysia đã có một thời gian dài nắm quyền từ năm 1981 đến năm 2003, và sau đó là từ năm 2018 đến tháng 2/2020.

Thông qua người đại diện của mình, Tun Daim Zainuddin, nhà lãnh đạo hiện 99 tuổi được cho là đã cất giấu ít nhất 40 tỷ USD và có cổ phần tại 50 ngân hàng trên khắp thế giới.

6. Ferdinand Marcos (53 tỷ USD)

Ảnh: Toledo/Getty Images.

Ảnh: Toledo/Getty Images.

Ferdinand Marcos là tổng thống Philippines từ năm 1972 đến năm 1986. Vợ ông, Imelda, trở nên khét tiếng vì bộ sưu tập hơn 3.000 đôi giày cao cấp. Vợ chồng nhà độc tài này đã biển thủ hàng trăm triệu USD và nếu các báo cáo là chính xác, thì số tiền lên tới 53 tỷ USD theo giá trị hiện tại đã bị mất tích trong thời kỳ ông nắm quyền.

5. Suharto (lên tới 58 tỷ USD)

Ảnh: Mark Phillips/AFP/Getty Images.

Ảnh: Mark Phillips/AFP/Getty Images.

Suharto là tổng thống Indonesia trong 31 năm cho đến khi từ chức vào năm 1998. Nhà độc tài quân sự – người được Tổ chức Minh bạch Quốc tế nêu tên là nhà lãnh đạo tham nhũng nhất thế giới trong 20 năm đến năm 2004 – đã cướp bóc tới 35 tỷ USD, tương đương với 58 tỷ USD (46,1 tỷ bảng Anh) ngày nay, trong thời gian nắm quyền thông qua một hệ thống mà những người phản đối ông gọi là “tham nhũng, thông đồng, thiên vị quan hệ”. Suharto qua đời vào năm 2008.

4. Ali Abdullah Saleh (lên tới 82,6 tỷ USD)

Ảnh: Georges Bendrihem/AFP, Getty Images.

Ảnh: Georges Bendrihem/AFP, Getty Images.

Tổng thống Yemen từ năm 1990 đến năm 2012 tham nhũng không kém ai. Saleh bị cáo buộc đã đánh cắp số tiền khổng lồ từ người dân Yemen trước khi bị lật đổ sau các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập.

Một báo cáo trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2015 ước tính giá trị tài sản ròng của ông lên tới 62 tỷ USD, tương đương khoảng 82,6 tỷ USD giá tiền hiện nay.

3. Hosni Mubarak (98,2 tỷ USD)

Ảnh: Khaled Desouki/AFP/Getty Images.

Ảnh: Khaled Desouki/AFP/Getty Images.

Một nhà lãnh đạo tai tiếng khác cũng bị lật đổ sau các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập, Hosni Mubarak của Ai Cập bị phế truất năm 2011 sau 30 năm giữ chức tổng thống nước này. Cùng năm đó, ABC News và The Guardian cáo buộc nhà độc tài đã đánh cắp 70 tỷ USD từ người dân Ai Cập, tương đương 98,2 tỷ USD theo giá tiền hiện tại.

Tuy nhiên, một báo cáo trên tờ Washington Times cho rằng con số này có thể lên tới 700 tỷ USD.

2. Vladimir Putin (lên tới 258 tỷ USD)

Ảnh: Thomas Kronsteiner/Getty Images.

Ảnh: Thomas Kronsteiner/Getty Images.

Năm 2021, tổng lương chính thức của tổng thống Nga Vladimir Putin là 10,2 triệu rúp, hay khoảng 100.000 USD.

Tuy nhiên, theo cựu CEO Hermitage Capital Management Bill Browder, vào năm 2017, Putin có giá trị tài sản lên tới 200 tỷ USD. Số tiền này được cho là nằm trong nhiều ngân hàng và khoản đầu tư ở phương Tây, mặc dù không phải lúc nào ông cũng trực tiếp đứng tên. Điều chỉnh theo lạm phát, con số đó tương đương 258 tỷ USD ngày nay.

1. Muammar Gaddafi (280 tỷ USD)

Ảnh: Sodel Vladyslav/Shutterstock.

Ảnh: Sodel Vladyslav/Shutterstock.

Người đứng đầu là nhà cựu độc tài Libya Muammar Gaddafi. Năm 2011, các quan chức ước tính nhà lãnh đạo nắm quyền từ năm 1977 đến năm 2011 đã cất giấu 200 tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng bí mật, các khoản đầu tư mờ ám và các giao dịch bất động sản đáng ngờ, nhờ vào doanh thu dầu mỏ khổng lồ của đất nước. Theo giá tiền ngày nay, nó tương đương con số khổng lồ 280 tỷ USD.

Sau khi Gaddafi bị lật đổ, tài sản của ông dự định sẽ được đưa vào một quỹ tín thác để giúp ổn định Libya bị chiến tranh tàn phá, nhưng số tiền đóng băng của ông tạo ra lãi tiền mặt cho những người thụ hưởng không rõ danh tính. Nơi trú ẩn phần lớn số tiền của ông vẫn còn là một bí ẩn.

Theo: https://www.lovemoney.com/galleries/83195/the-richest-world-leaders-of-all-time-ranked