VNReport»Top»5 cây lương thực được trồng nhiều nhất thế giới

5 cây lương thực được trồng nhiều nhất thế giới

17:17 - 25/03/2022

Ngô, lúa mì và lúa gạo là 3 loại cây lương thực được trồng nhiều nhất trên thế giới.

Thị trường lương thực thế giới đang thắt chặt trong những tuần gần đây do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, vì đây là 2 nhà sản xuất lớn của các loại lương thực cơ bản như lúa mì và ngô. Điều này đe dọa an ninh lương thực của những khu vực như Trung Đông – phụ thuộc nhiều vào lúa mì nhập khẩu.

Sau đây là 5 loài cây lương thực được trồng nhiều nhất thế giới. Danh sách này không bao gồm những loại củ như khoai tây hay sắn.

  1. Ngô (1,148 tỷ tấn)

Ngô là cây lương thực có nguồn gốc từ Mexico. Trong năm 2019/2020, sản lượng ngô trên toàn thế giới lên đến 1,148 tỷ tấn, cao hơn tất cả các loại lương thực khác.

Ngô có thể được tiêu thụ trực tiếp bởi con người. Nhưng hầu hết sản lượng ngô được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Một ứng dụng khác của ngô là làm nguyên liệu cho ethanol và các loại nhiên liệu sinh học khác.

Ngô là loại cây lương thực phổ biến nhất ở châu Mỹ. Trong đó, Mỹ đứng đầu thế giới về sản lượng ngô. Xếp sau lần lượt là Trung Quốc, Brazil và Argentina. Đáng chú ý, Ukraine là nước sản xuất nhiều thứ 5 loại lương thực này, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng ngô toàn cầu.

  1. Lúa mì (761 triệu tấn)

Lúa mì là loại lương thực chính của các khu vực ôn đới. Lúa mì được tiêu thụ trên toàn cầu nhưng là thực phẩm cơ bản ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc, Nam Mỹ và Trung Đông.

Năm 2020, sản lượng lúa mì của toàn thế giới đạt 761 triệu tấn, là loại lương thực được sản xuất nhiều thứ hai sau ngô. Đây là nguồn proten thực vật hàng đầu của con người, với hàm lượng protein khoảng 13% – cao hơn so với các loại lương thực cơ bản khác.

Trung Quốc là nước sản xuất nhiều lúa mì nhất thế giới với sản lượng 134,2 triệu tấn trong năm 2020. Xếp sau là Ấn Độ, Nga và Mỹ. Ukraine cũng đứng thứ 7 trong danh sách. Nga và Ukraine thu hoạch tổng cộng 110,8 triệu tấn lúa mì trong năm 2020, chiếm gần 15% tổng sản lượng toàn cầu.

  1. Lúa gạo (755 triệu tấn)

Lúa gạo cung cấp loại lương thực được con người tiêu thụ phổ biến nhất. Hơn một nửa dân số thế giới sử dụng hạt gạo làm lương thực chính, chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Ước tính, khoảng 1/5 lượng calo tiêu thụ bởi con người trên toàn thế giới đến từ gạo.

Vì lúa gạo là loại cây cần nhiều nước để phát triển, nên những khu vực trồng lúa gạo chủ yếu thuộc khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới có độ ẩm cao. Trung Quốc là nước sản xuất nhiều gạo nhất thế giới, tiếp theo là Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam.

Bởi vì hầu hết các nhà sản xuất gạo lớn là nước đang phát triển, nên hầu hết gạo đều được sử dụng cho tiêu dùng nội địa. Dưới 10% sản lượng gạo thế giới dành cho xuất khẩu, với Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan là 3 nhà xuất khẩu hàng đầu.

  1. Đại mạch (159 triệu tấn)

Đại mạch là một loài cây lương thực được trồng ở vùng khí hậu ôn đới. Loài cây này đặc biệt thích hợp với các khu vực ôn đới quá lạnh hoặc trên đất có dinh dưỡng quá thấp để có thể trồng lúa mì.

Khoảng 70% sản lượng đại mạch được dùng làm thức ăn chăn nuôi, 30% còn lại chủ yếu dùng làm nguyên liệu lên men cho bia và một số loại đồ uống chưng cất. Nếu không dùng làm thức ăn chăn nuôi, hạt đại mạch thường được chế biến thành mạch nha.

Năm 2019/2020, sản lượng đại mạch ghi nhận trên toàn thế giới là 159 triệu tấn. Trong đó, nước sản xuất nhiều nhất là Nga, chiếm khoảng 14% con số đó. Xếp sau là Pháp, Đức, Australia, Tây Ban Nha. Ukraine cũng năm trong top 10 những nhà sản xuất đại mạch hàng đầu.

  1. Cao lương (58 triệu tấn)

Cao lương là loài cây lương thực được trồng ở những khu vực có khí hậu ấm, bao gồm vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Phi và châu Á. Không giống như lúa gạo, cao lương phát triển ở những vùng đất bán khô hạn. Vì vậy, đây là loại lương thực đặc biệt quan trọng đối với những nước nghèo có khí hậu không thuận lợi cho các cây trồng khác.

Sản lượng cao lương trên toàn thế giới trong năm 2019/2020 là 58 triệu tấn. Trong danh sách những nhà sản xuất hàng đầu có nhiều nước nghèo ở châu Phi như Nigeria, Ethiopia, Burkina Faso … Mỹ là nước sản xuất cao lương hàng đầu với sản lượng 8,7 triệu tấn.

Ngoài công dụng làm thực phẩm cho người, cao lương còn được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc.