VNReport»Top»5 cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu sau Thế chiến hai

5 cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu sau Thế chiến hai

21:02 - 27/02/2022

Chiến tranh Nga – Ukraine là cuộc chiến lớn đầu tiên ở châu Âu sau những cuộc chiến tranh ở Nam Tư vào thập niên 1990.

Kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, châu Âu phần lớn sống trong hòa bình, với sự hội nhập ngày càng tăng giữa các quốc gia – được thể hiện qua sự mở rộng của Liên minh châu Âu (EU). Nhưng châu lục này cũng phải đối mặt với một số cuộc chiến tranh trong giai đoạn này.

  1. Cách mạng Hungary năm 1956

Cách mạng Hungary năm 1956, còn gọi là cuộc nổi dậy Hungary, là cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Cộng hòa Nhân dân Hungary do Liên Xô ủng hộ.

Cách mạng Hungary bắt đầu sau một cuộc biểu tình của sinh viên ở thủ đô Budapest vào ngày 23/10/1956, sau đó lan rộng ra khắp đất nước. Nhóm nổi dậy tổ chức thành các nhóm dân quân để chiến đấu với chính quyền, thành lập chính quyền mới. Chính quyền mới tuyên bố rút Hungary khỏi khối Warsaw và cam kết thiết lập lại bầu cử tự do.

Quân đội Liên Xô mạnh tay trấn áp cuộc cách mạng từ ngày 4/11/1956, và dập tắt được nó sau 1 tuần. Thương vong từ cuộc xung đột này là 2.500 người Hungary và 700 lính Liên Xô, đồng thời khiến 200.000 người Hungary phải tị nạn chính trị ở nước ngoài.

  1. Chiến tranh giành độc lập Croatia

Chiến tranh giành độc lập Croatia xảy ra từ năm 1991 đến năm 1995, là một phần của chuỗi các cuộc chiến tranh dẫn đến sự tan rã của Nam Tư. Các bên tham chiến bao gồm người Croat trung thành với chính phủ Croatia – chính quyền ly khai tuyên bố độc lập từ Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư – và Quân đội Nhân dân Nam Tư do người Serb kiểm soát.

Đa số người Croat muốn Croatia rời Nam Tư và trở thành quốc gia độc lập, trong khi người Serb sống ở Croatia – được chính quyền Nam Tư ủng hộ – không muốn điều này. Cuộc chiến kết thúc với chiến thắng của người Croatia. Cái giá phải trả là khoảng 21-25% nền kinh tế Croatia, 37 tỷ USD thiệt hại về cơ sở hạ tầng … Trên 20.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này.

  1. Chiến tranh Bosnia

Chiến tranh Bosnia diễn ra ở Bosnia và Herzegovina từ 1992 đến 1995. Ngày bắt đầu chiến tranh thường được cho là ngày 6/4/1992, sau một loạt các vụ bạo lực trước đó. Các lực lượng tham chiến bao gồm Cộng hòa Bosnia và Herzegovina và các bên lần lượt được Croatia và Serbia ủng hộ.

Cuộc chiến này là một phần trong quá trình tan rã của Nam Tư. Sau khi Slovenia và Croatia tuyên bố tách khỏi Liên bang Nam Tư năm 1991, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Bosnia và Herzegovina cũng tuyên bố độc lập sau một cuộc trưng cầu dân ý. Người Serb ở Bosnia, được chính quyền Nam Tư hậu thuẫn, phản đối tuyên bố này và sau đó Nam Tư đưa quân đội vào Bosnia và Herzegovina.

Chiến tranh kết thúc vào ngày 14/12/1995 sau khi các bên kỳ Hòa ước Dayton, theo đó Bosnia và Herzegovina được chia làm 2 phần: một phần chủ yếu là người Serb và một phần chủ yếu là người Croat và Bosniak.

Đây là cuộc chiến gây thương vong lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến 2, với khoảng 100.000 người thiệt mạng, hơn 2,2 triệu người phải di dời.

  1. Chiến tranh Kosovo

Nam Tư đối mặt với một loạt các cuộc nổi dậy và chiến tranh dựa trên sắc tộc trong những năm 1990, bao gồm cuộc nổi dậy của Croatia, của Bosnia và của Kosovo. Chiến tranh Kosovo bắt đầu vào ngày 28/2/1998 và kết thúc vào ngày 11/6/1999, giữa Liên bang Nam Tư và nhóm phiên quân người Albani ở Kosovo được biết đến là Quân đội Giải phóng Kosovo. Cuộc xung đột kết thúc khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp bằng không kích, khiến quân Nam Tư phải rút lui.

Sau Hiệp ước Kumanovo, lực lượng Nam Tư chấp thuận rút lui để các tổ chức quốc tế vào Kosovo. Ước tính, có khoảng 13.500 dân thường và binh lính thiệt mạng trong cuộc chiến này.

Chiến dịch ném bom của NATO vẫn gây tranh cãi đến ngày nay vì không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận và khiến ít nhất 488 dân thường Nam Tư thiệt mạng.

  1. Chiến tranh Nga – Ukraine

Chiến tranh Nga – Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2014 sau sự kiện Euromaidan – một làn sóng biểu tình và bất ổn dân sự ở Ukraine chống lại việc chính quyền Ukraine không ký một thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu, thay vào đó lựa chọn quan hệ chặt chẽ hơn với Nga. Làn sóng này dẫn đến một cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền do Tổng thống Viktok Yanukovych dẫn đầu.

Sự kiện này dẫn đến cuộc nổi dậy của các lực lượng thân Nga ở một số khu vực trong Ukraine. Lính Nga không đeo phù hiệu tiến vào và kiểm soát các vị trí chiến lược ở bán đảo Crimea của Ukraine. Nga sau đó sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức.

Vào tháng 4/2014, các cuộc biểu tình ủng hộ Nga ở vùng Donbas của Ukraine leo thang lên thành chiến tranh giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở khu vực này.

Ngày 24/2/2022, cuộc chiến này leo thang hơn nữa sau khi Nga tổ chức chiến dịch xâm lược trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Khoảng 13.000 người được ước tính là đã thiệt mạng trong cuộc chiến này, trong đó có khoảng 3.400 dân thường.