VNReport»Top»5 dịch vụ truyền hình trực tuyến lớn nhất thế giới

5 dịch vụ truyền hình trực tuyến lớn nhất thế giới

19:44 - 19/05/2021

Trong 5 dịch vụ này, có 3 nền tảng của Mỹ và 2 nền tảng của Trung Quốc. Tất cả đều có trên 100 triệu người đăng ký.

Vụ sáp nhập gần đây của WarnerMedia và Discovery dự báo sẽ kết hợp hai nền tảng truyền hình trực tuyến là HBO Max và Discovery+. Tổng số khoảng 35 triệu người đăng ký giữa 2 nền tảng này vẫn còn kém xa so với thành tích của những dịch vụ dẫn đầu thị trường như Netflix và Amazon Prime Video.

Dưới đây là 5 dịch vụ truyền hình trực tuyến lớn nhất thế giới, xếp theo quy mô số người đăng ký.

1. Netflix (208 triệu người đăng ký)

Netflix là công ty được thành lập năm 1997 tại bang California, Mỹ. Ban đầu, công ty cung cấp dịch vụ bán và cho thuê DVD qua thư. Năm 2007, Netflix giới thiệu dịch vụ truyền hình trực tuyến, cho phép người đăng ký xem phim và các nội dung trên TV, máy tính, điện thoại thông minh, … Vào năm 2013, công ty này bắt đầu tự sản xuất các nội dung của riêng mình. 

Netflix đã có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trừ Trung Quốc, Syria, Triều Tiên và Crimea. Với vị thế tiên phong trong thị trường truyền hình trực tuyến, nền tảng này dẫn đầu thị trường với 208 triệu người đăng ký.

Mặc dù liên tục tăng nợ để phục vụ sản xuất nội dung, nhưng mức tăng trưởng người dùng ấn tượng của Netflix đã thu hút các nhà đầu tư. Vào tháng 6/2020, công ty này đạt mức vốn hóa lớn nhất trong ngành giải trí/truyền thông. Trong thập kỷ 2010, giá cổ phiếu của Netflix tăng 3.693%.

2. Amazon Prime Video (175 triệu người đăng ký)

Amazon Prime Video là dịch vụ truyền hình trực tuyến của tập đoàn Amazon. Dịch vụ này chủ yếu phân phối phim và chương trình truyền hình tự sản xuất và một số nội dung khác như thể thao trực tiếp.

Được giới thiệu vào tháng 9/2006 dưới cái tên Amazon Unbox tại Mỹ, hiện Amazon Prime Video đã có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Trước đây, Amazon Prime Video không hỗ trợ cho các thiết bị Apple TV và Chromecast của Google. Vào tháng 10/2015, Amazon đã cấm bán các thiết bị này trên cửa hàng trực tuyến của mình vì không hỗ trợ hệ sinh thái Prime Video. Điều này dẫn đến những chỉ trích cho rằng Amazon đang cạnh tranh không công bằng với các đối thủ của sản phẩm Fire TV của mình. Tuy nhiên, Amazon đã phát hành ứng dụng Prime Video cho Apple TV vào năm 2017 và cho Chromecast vào năm 2019.

3. Tencent Video (123 triệu người đăng ký)

Tencent Video là dịch vụ truyền hình trực tuyến của Trung Quốc do tập đoàn Tencent sở hữu.

Tencent Video ra mắt vào tháng 4/2011. Chiến thuật của nền tảng này là phát triển nội dung gốc bao gồm phim dài tập và phim ngắn.

Vào tháng 4/2017, Tencent Video bắt đầu hợp tác với nhà sản xuất TV lớn nhất Trung Quốc, TCL, để đưa dịch vụ lên các TV của hãng này.

Phiên bản quốc tế WeTV của nền tảng này, được giới thiệu vào năm 2018, hiện đang có ở các quốc gia châu Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam, …

4. iQIYI (118,9 triệu người đăng ký)

iQIYI là dịch vụ truyền hình trực tuyến của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh ra mắt vào tháng 4/2020. iQIYI thuộc sở hữu của Baidu, công ty đứng sau trang web tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc.

Vào tháng 4/2017, Netflix thông báo sẽ cấp phép cho iQYIY trình chiếu một số nội dung gốc của Netflix tại Trung Quốc, nơi Netflix bị cấm hoạt động.

iQIYI đã niêm yết lần đầu ra công chúng tại Mỹ vào tháng 3/2018 và thu về 2,25 tỷ USD. Vào tháng 4/2020, một số nhà đầu tư cáo buộc công ty phóng đại doanh thu và số người đăng ký. Vào tháng 8 cùng năm, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ thông báo mở cuộc điều tra vào iQIYI.

5. Disney+ (103,6 triệu người đăng ký)

Disney+ là dịch vụ truyền hình trực tuyến của Mỹ sở hữu và vận hành bởi công ty Walt Disney.

Nền tảng này chủ yếu phân phối các nội dung phim và truyền hình thuộc sở hữu của Disney như Marvel, Star Wars và Pixar. Ngoài Disney+, Disney còn sở hữu 2 dịch vụ truyền hình trực tuyến khác là Hulu và ESPN+.

Disney+ ra mắt ở Mỹ, Canada và Hà Lan vào tháng 11/2019, sau khi Disney hoàn tất thương vụ mua lại hãng truyền thông 21st Century Fox. Ở Ấn Độ, dịch vụ này được phân phối thông qua nền tảng Hotstar và có tên Disney+ Hotstar.

Disney+ đã có hơn 10 triệu người đăng ký chỉ sau một ngày ra mắt. Với mức giá cạnh tranh và kho nội dung khổng lồ của Disney, nền tảng này đã có hơn 100 triệu người đăng ký chỉ sau 18 tháng hoạt động.