VNReport»Top»5 lần mở rộng của NATO

5 lần mở rộng của NATO

17:15 - 30/06/2022

Được thành lập với 12 thành viên, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện có 30 thành viên sau nhiều lần mở rộng, và nhiều khả năng sắp tiếp nhận thêm Thụy Điển và Phần Lan vào khối.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một liên minh quân sự bao gồm 28 nước châu Âu và 2 nước Bắc Mỹ. Được thành lập vào năm 1949 với 12 thành viên, NATO dần mở rộng quy mô trong và đặc biệt là sau Chiến tranh Lạnh. Từ cuối thập niên 1990 đến nay, NATO đã có thêm 14 thành viên, đều là các nước Đông Âu và có 3 nước trong số này từng thuộc Liên Xô. Nga cho rằng việc mở rộng sau chiến tranh Lạnh của khối nhằm bao vây và cô lập Nga, gây ra căng thẳng giữa Moscow và NATO.

  1. Chiến tranh Lạnh

NATO được thành lập năm 1949 với 12 nước thành viên bao gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Anh và Mỹ. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh chứng kiến ​​sự chia rẽ về ý thức hệ và kinh tế giữa các nước tư bản ở Tây Âu được Mỹ hậu thuẫn, và các nước cộng sản ở Đông Âu được hậu thuẫn bởi Liên Xô. Do đó, sự phản đối chủ nghĩa cộng sản kiểu Liên Xô trở thành đặc điểm nổi bật của tổ chức này. Các chính phủ của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ – chia sẻ quan điểm đó – đưa quốc gia của mình gia nhập khối vào tháng 2/1952.

Tây Đức gia nhập NATO vào tháng 5/1955. Cùng tháng đó, Liên Xô lập liên minh quân sự của mình, thường được gọi là khối Warsaw, một phần là để phản ứng động thái này.

Mối quan hệ giữa các thành viên NATO và Tây Ban Nha dưới thời nhà độc tài Francisco Franco căng thẳng trong nhiều năm, chủ yếu do sự hợp tác của chính quyền Franco với phe Trục trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, mặc dù chính quyền này cũng có tư tưởng chống cộng sản. Sau cái chết của Franco vào năm 1975, Tây Ban Nha bắt đầu chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Điều đó mở đường cho nước này gia nhập NATO vào tháng 6/1982.

  1. Thống nhất nước Đức

Các cuộc đàm phán để thống nhất Đông và Tây Đức diễn ra trong suốt năm 1990, dẫn đến việc ký kết Hiệp ước 2+4 vào tháng 9 năm đó. Để có được sự chấp thuận của Liên Xô về việc giữ nước Đức thống nhất trong NATO, hiệp ước quy định rằng quân đội nước ngoài và vũ khí hạt nhân sẽ không được đóng tại Đông Đức cũ. Có ý kiến cho rằng một số quan chức NATO khi đó đã cam kết không mở rộng khối sang những phần khác của Đông Âu, nhưng nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó là Mikhail Gorbachev nói rằng cam kết này chỉ nhắc đến Đông Đức.

Sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, Nga – nước độc lập lớn nhất – bắt đầu tư nhân hóa nền kinh tế và chính thức quan hệ với các nước NATO, với một số thỏa thuận kinh tế song phương. Tuy nhiên, việc mở rộng sau đó của khối khiến cho giới lãnh đạo Nga bất bình.

  1. Nhóm Visegrád

Vào tháng 2 năm 1991, Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc thành lập Nhóm Visegrád để thúc đẩy hội nhập châu Âu thông qua việc gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, cũng như tiến hành cải cách quân sự phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO. Sau một thời gian tranh cãi, chính quyền Mỹ đồng thuận rằng việc mở rộng NATO là một biện pháp nhằm củng cố quyền bá chủ của Âu-Mỹ. Nếu NATO không mở rộng, Washington lo ngại rằng Liên minh châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống an ninh ở Trung Âu, và do đó thách thức ảnh hưởng của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Một trong những yếu tố thúc đẩy các nước Trung và Đông Âu gia nhập NATO là những hành động quân sự của Nga trong thập niên 1990, bao gồm cả Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất. Các đảng phái không muốn vào NATO bị cử tri miễn nhiệm. Ở Hungary, một cuộc trưng cầu dân ý tháng 11/1997 cho thấy 85,3% cử tri ủng hộ gia nhập khối.

3 nước trong nhóm Visegrád là Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc (tách ra từ Tiệp Khắc) được mời gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 1997. Slovakia (tách ra từ Tiệp Khắc) không được mời vì một số thành viên phản đối Thủ tướng nước này khi đó.

  1. Nhóm Vilnius

Tại hội nghị thượng đỉnh Washington năm 1999, NATO ban hành hướng dẫn mới về tư cách thành viên với “Kế hoạch hành động thành viên” cho từng nước Albania, Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Romania, Slovakia và Slovenia nhằm tiêu chuẩn hóa quy trình cho các thành viên mới. Vào tháng 5/2000, các quốc gia này cùng với Croatia thành lập Nhóm Vilnius nhằm hợp tác và vận động để trở thành thành viên của NATO. Đến hội nghị thượng đỉnh Praha năm 2002, 7 nước trong số này được mời làm thành viên và hoàn thành gia nhập khối vào năm 2004.

Nga đặc biệt khó chịu với việc bổ sung 3 nước Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania) – những quốc gia từng thuộc Liên Xô. Quân đội Nga đóng quân tại những nước này đến cuối năm 1995, nhưng triển vọng hội nhập với châu Âu và NATO thu hút 3 nước này. Việc đầu tư nhanh chóng vào lực lượng quân đội và tham gia vào các hoạt động của NATO sau vụ khủng bố 11/9 giúp 3 nước nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo các nước thành viên trong khối.

  1. Hiến chương Adriatic

Croatia cũng được ban hành một Kế hoạch hành động thành viên tại hội nghị thượng đỉnh năm 2002, nhưng không được đưa vào danh sách mở rộng năm 2004. Vào tháng 5/2003, nước này cùng với Albania và Macedonia thành lập Hiến chương Adriatic. Albania và Croatia được mời tham gia NATO tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest tháng 4/2008, mặc dù Slovenia đe dọa từ chối tiếp nhận Croatia vì tranh chấp biên giới của 2 nước ở Vịnh Piran. Slovenia phê chuẩn đơn xin gia nhập của Croatia vào tháng 2/2009. Ngay trước hội nghị thượng đỉnh cùng năm, Croatia và Albania đều chính thức gia nhập NATO. Nga không đưa ra tuyên bố nào phản đối động thái này.

Montenegro tuyên bố độc lập vào ngày 3/6/2006. Quốc gia mới sau đó tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh Riga năm 2006 và sau đó nộp đơn đăng ký Kế hoạch hành động thành viên vào ngày 5/11/2008. NATO mời Montenegro gia nhập liên minh vào tháng 12/2015. Nước này chính thức tham gia khối vào ngày 5/6/2017.

Bắc Macedonia tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình năm 1995 và bắt đầu Kế hoạch hành động thành viên năm 1999, cùng thời điểm với Albania. Tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, Hy Lạp chặn đơn xin gia nhập khối của Bắc Macedonia, vì tranh chấp liên quan đến tên của nước này (khi đó là Macedonia).

Sau khi giải quyết xong tranh chấp về tên nước vào năm 2018, Bắc Macedonia được NATO khởi động tiến trình gia nhập khối vào tháng 6 cùng năm, và nước này chính thức trở thành thành viên NATO vào ngày 27/3/2020.