VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»5 nước Đông Nam Á đứng cuối bảng xếp hạng khả năng phục hồi sau Covid-19

5 nước Đông Nam Á đứng cuối bảng xếp hạng khả năng phục hồi sau Covid-19

09:36 - 31/08/2021

Theo bảng xếp hạng khả năng phục hồi từ Covid-19 tháng 8 của Bloomberg, Việt Nam đứng thứ 50/53 nước, nằm trong nhóm cuối với 4 nước Đông Nam Á khác.

Trong bảng xếp hạng khả năng phục hồi từ Covid-19 tháng 8 của Bloomberg, các nền kinh tế Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, xếp cuối bảng. Nguyên nhân là do trong thời gian gần đây, khu vực này đã trở thành tâm dịch mới của thế giới với số ca nhiễm và số người chết tăng vọt.

Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia lần lượt xếp ở các vị trí từ 49 đến 53, trong số 53 nước được xếp hạng.

Đông Nam Á trở thành tâm dịch mới của thế giới trong tháng 8.

Đông Nam Á trở thành tâm dịch mới của thế giới trong tháng 8.

Ở Thái Lan, số ca nhiễm đã vượt 1 triệu người, với số ca nhiễm mới trong ngày có thời điểm vượt quá 20.000 ca. Việt Nam đã ghi nhận gần 500.000 ca nhiễm, với hơn 11.000 ca tử vong. Indonesia đã ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm, tuy số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm đáng kể từ mức đỉnh hơn 50.000 ca/ngày vào cuối tháng trước. Philippines đã có gần 2 triệu người mắc bệnh, với số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng kỷ lục. Malaysia, nơi đã tiêm đầy đủ vaccine cho hơn 60% dân số trưởng thành, chứng kiến số ca nhiễm mới tăng kỷ lục, đạt hơn 600.000 trong 1 tháng gần đây, cao nhất thế giới tính theo đầu người.

Điểm sáng duy nhất của khu vực là Singapore, nơi đang mở cửa một cách thận trọng sau khi đã tiêm vaccine cho 77% dân số. Nước này xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng của Bloomberg.

Trong khi đó, New Zealand đã tụt đến 26 bậc từ vị trí thứ 3 xuống 29, sau khi chính phủ nước này phong tỏa toàn quốc sau khi phát hiện ca nhiễm biến thể Delta. New Zealand là nước đã chiếm vị trí đầu bảng trong thời gian nhiều nhất kể từ khi bảng xếp hạng này được công bố vào tháng 11 năm ngoái.

Những nước đi đầu trong tiêm vaccine và tái mở cửa như Mỹ và Israel cũng đã giảm lần lượt 20 và 19 bậc, khi biến thể Delta làm tăng số ca nhiễm mới, bao gồm nhiều ca nhiễm “đột phá” (nhiễm bệnh mặc dù đã tiêm đủ vaccine).

Trung Quốc, nước sử dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để dập dịch, tụt 15 bậc vì các biện pháp chống dịch của nước này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển của người dân và khả năng mở cửa của nền kinh tế.

9 trong số 10 nước đứng đầu đến từ châu Âu, với vị trí số 1 thuộc về Na Uy.