VNReport»Top»5 nước EU nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga nhất

5 nước EU nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga nhất

21:44 - 02/04/2022

Nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt từ Nga. Trong đó, đáng chú ý nhất là Đức: 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đến từ Nga.

Trong bối cảnh các nước châu Âu áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc chiến tranh của nước này với Ukraine, nguồn khí đốt từ Nga đến châu Âu đang trở thành tâm điểm chú ý khi Moscow yêu cầu các nước nhập khẩu khí đốt của Nga phải trả bằng đồng rúp. Đề nghị này bị các nước châu Âu bác bỏ, và hiện không rõ chuyện gì sẽ xảy ra với khí đốt từ Nga sang châu Âu trong thời gian tới.

Vấn đề với nhiều nước châu Âu là họ phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt từ Nga. Năm 2020, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu tổng cộng 153 tỷ m3 khí đốt từ Nga, chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung của khu vực. Lượng khí đốt này có giá thành rẻ hơn khí hóa lỏng từ Mỹ hay Trung Đông vì được vận chuyển qua các đường ống trên đất liền.

Sau đây là 5 nước EU nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga nhất, theo số liệu năm 2020 do Statista thu thập.

  1. Đức (52,5 tỷ m3)

Đức là quốc gia châu Âu nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga nhất, với việc mua gần 52,5 tỷ m3 vào năm 2020. Con số đó chiếm hơn 1/3 tổng lượng nhập khẩu khí đốt của toàn Liên minh châu Âu từ Nga.

So với tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Đức năm 2020 là khoảng 152 tỷ m3, nhập khẩu từ Nga chiếm hơn 1/3. Các nguồn nhập khẩu khí đốt lớn khác của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Na Uy và Hà Lan. Sản lượng khí đốt khai thác nội địa đạt đỉnh từ hồi thập niên 1990 và hiện chỉ chiếm khoảng 5% mức tiêu thụ hàng năm của Đức.

Khoảng 15,3% sản lượng điện của Đức đến từ khí đốt. Nếu mất nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga, nước này có thể phải tăng cường phát điện bằng than hoặc nhập khẩu điện từ các nước láng giếng. Trong thập kỷ qua, Đức tăng cường quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, theo đó là việc đóng cửa hàng loạt các nhà máy điện hạt nhân và phụ thuộc nhiều hơn vào điện khí.

Không chỉ khí đốt, Đức cũng phụ thuộc nhiều vào Nga về dầu mỏ và than, với khoảng 1/3 lượng dầu mỏ và 1/2 lượng than cứng của nước này đến từ Nga.

  1. Ý (28,7 tỷ m3)

Ý nhập khẩu khí đốt từ Nga nhiều thứ 2 ở châu Âu, ở mức khoảng 28,5 tỷ m3 trong năm 2020. Lượng nhập khẩu này chiếm hơn 40% tổng nhu cầu khí đốt nhập khẩu của Ý. Và cũng giống như Đức, nước này phụ thuộc hầu hết vào khí đốt nhập khẩu – hơn 90% tổng nguồn cung khí đốt của Ý đến từ bên ngoài.

Phần lớn lượng khí đốt từ Nga sang Ý được vận chuyển trong các đường ống đi qua Ukraine và đông nam châu Âu. Ý cũng có các đường ống khí đốt từ Algeria và Libya, đi qua biển Địa Trung Hải. Ngoài ra, nước này cũng nhập khí hóa lỏng chủ yếu từ Qatar.

Gần đây, chính phủ Ý cho biết đang lên kế hoạch để thay thế khí đốt từ Nga. Trong đó, khoảng một nửa nguồn cung từ Nga có thể được thay thế trong ngắn hạn và cần khoảng 24-30 tháng để thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga, theo Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái nước này.

  1. Hà Lan (15,7 tỷ m3)

Trước năm 2018, Hà Lan là nước xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, nước này đang dần trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt nhập khẩu do giới hạn khai thác ở mỏ khí Gronigen.

Năm 2020, nước này nhập khẩu khoảng 53 tỷ m3 khí đốt và xuất khẩu khoảng 34 tỷ m3, dẫn đến mức nhập khẩu ròng là 19 tỷ m3. Các nguồn nhập khẩu khí đốt chính của Hà Lan gồm Na Uy và Nga. Trong đó, lượng nhập khẩu từ Nga đạt 15,7 tỷ m3 trong năm 2020, chiếm gần 30% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Hà Lan.

Hiệp hội năng lượng bền vững Hà Lan (NVDE) cho rằng Hà Lan có thể độc lập hoàn toàn khỏi nguồn khí đốt từ Nga trong một vài năm tới.

Hà Lan cũng là nước EU nhập khẩu nhiều dầu thô nhất từ Nga. Phần lớn lượng dầu thô này được dùng cho các nhà máy lọc dầu, cung cấp các sản phẩm hóa dầu cho toàn châu Âu và thị trường thế giới.

  1. Ba Lan (9,6 tỷ m3)

Giống như nhiều nước khác ở Đông Âu, nguồn khí đốt nhập khẩu của Ba Lan phụ thuộc phần lớn vào Nga. Năm 2020, nước này nhập khẩu khoảng 14,5 tỷ m3 khí đốt. Trong đó, 9,6 tỷ m3, tương đương khoảng 2/3, là từ Nga.

Tuần này, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này sẽ cấm nhập khẩu tất cả các loại nhiên liệu từ Nga – bao gồm khí đốt, dầu mỏ và than – bắt đầu từ cuối năm nay. Ông cho biết rằng đây là biện pháp đáp trả mạnh mẽ nhất đối với Nga, đồng thời thúc giục Đức và các nước khác trong EU làm theo Ba Lan.

Khác với các nước Tây Âu – tăng cường phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga trong những năm gần đây – Ba Lan đã nỗ lực để giảm sự phụ thuộc đó. Nước này tăng nhập khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ, Qatar và Na Uy. Từ cuối năm nay, một đường ống mới từ Na Uy sẽ bắt đầu đưa khí đốt vào Ba Lan.

  1. Pháp (7,8 tỷ m3)

Mặc dù có quy mô kinh tế gần bằng Đức và lớn thứ 2 trong EU, Pháp chỉ nhập khẩu lượng khí đốt bằng 30% so với Đức – khoảng 46 tỷ m3 trong năm 2020. Lý do là nước này có năng lực điện hạt nhân cao hơn nhiều so với Đức. Năm 2020, hơn 70% điện của Pháp đến từ nguồn hạt nhân, so với chỉ 13% của Đức.

Nguồn nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Pháp là Na Uy, chủ yếu được vận chuyển qua hệ thống đường ống xuyên qua biển Bắc. Xếp thứ 2 là Nga. Năm 2020, lượng khí đốt từ Nga sang Pháp đạt khoảng 7,8 tỷ m3, chiếm khoảng 17% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của nước này.

Tháng 3 năm nay, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết rằng nước này muốn chấm dứt nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga kể từ năm 2027.