VNReport»Top»5 nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất sang Việt Nam

5 nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất sang Việt Nam

11:01 - 14/12/2022

Nga luôn là nước xuất khẩu nhiều vũ khí nhất sang Việt Nam từ năm 2000 đến nay, nhưng số lượng và tỷ lệ vũ khí do Nga sản xuất đang giảm trong những năm gần đây.

Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam nhập khẩu lượng vũ khí tương đương 1,822 tỷ TIV trong 5 năm từ 2017 đến 2021 (TIV là một chỉ số nhằm đo lường giá thành của vũ khí được chuyển nhượng thay vì giá trị tài chính của giao dịch). Trong đó, vũ khí từ Nga chiếm hơn một nửa.

Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, Việt Nam có xu hướng giảm phụ thuộc vào vũ khí của Nga, tăng cường nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác như Israel, Hàn Quốc, Mỹ …

  1. Nga

Nga là nước xuất khẩu nhiều vũ khí nhất sang Việt Nam kể từ năm 2000 đến nay. Tính riêng trong giai đoạn từ 2017 đến 2021, nước này xuất khẩu lượng vũ khí tương đương 1,016 tỷ TIV, bằng khoảng 56% tổng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam. Mặc dù vậy, tỷ lệ vũ khí do Nga sản xuất trong cơ cấu nhập khẩu vũ khí của Việt Nam đã giảm so với giai đoạn trước, khi nước này thường xuyên chiếm đến hơn 80% tổng lượng vũ khí mà Việt Nam mua từ bên ngoài.

Lượng vũ khí mà Nga xuất khẩu sang Việt Nam cũng đang có xu hướng giảm. Từ mức đỉnh 1,056 tỷ TIV vào năm 2014, con số này liên tục đu xuống theo từng năm, với ngoại lệ duy nhất là trong năm 2021, khi lượng nhập khẩu từ Nga tăng lên 72 triệu TIV từ mức 9 triệu TIV của năm 2020.

  1. Israel

Israel nổi lên là thị trường nguồn vũ khí lớn thứ hai của Việt Nam trong giai đoạn từ 2016 đến 2018, xuất khẩu lượng vũ khí trong từng năm cao hơn so với mọi nước khác ngoài Nga. Trong giai đoạn 5 năm từ 2017 đến 2021, nước ta nhập khẩu số vũ khí tương đương 352 triệu TIV, tương đương khoảng 19% tổng lượng nhập khẩu. Mặc dù vậy, Israel không bán lô vũ khí nào sang Việt Nam trong các năm 2019 và 2020, và chỉ xuất khẩu 9 triệu TIV trong năm 2021.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Israel đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, vươn lên trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 10 thế giới trong giai đoạn 2017-2021, và là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu cho Ấn Độ – nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.

  1. Hàn Quốc

Hàn Quốc xuất khẩu lượng vũ khí tương đương 120 triệu TIV cho Việt Nam trong 5 năm gần đây, với 60 triệu TIV trong mỗi năm 2017 và 2018 – lần đầu tiên nước ta mua vũ khí từ Hàn Quốc. Từ năm 2019 đến 2021, nước này không xuất khẩu lô vũ khí nào cho Việt Nam.

Giống như Israel, Hàn Quốc cũng là một nhà cung cấp vũ khí đang lên, với lượng xuất khẩu nhiều thứ 8 thế giới trong giai đoạn 2017-2021. Nước này bán trang thiết bị quốc phòng cho các khách hàng từ Philippines, Thái Lan, Malaysia đến New Zealand hay Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây nhất, Hàn Quốc ký hợp đồng bán xe tăng và pháo tự hành trị giá hơn 5,7 tỷ USD cho Ba Lan, một phần của thương vụ có tổng giá trị được ước tính lên tới 15 tỷ USD.

  1. Belarus

Việt Nam lần đầu tiên mua vũ khí từ Belarus vào năm 2014. Nước này sau đó trở thành một nhà cung cấp vũ khí thường xuyên của nước ta, xuất khẩu 23 triệu TIV mỗi năm từ 2017 đến 2021, đạt tổng cộng 113 triệu TIV trong giai đoạn 5 năm gần đây.

Belarus không phải là một cường quốc về xuất khẩu vũ khí, với tổng lượng xuất khẩu chỉ đạt 445 triệu TIV trong giai đoạn 2017-2021. Nhưng Việt Nam là khách hàng mua vũ khí lớn thứ hai của họ trong 5 năm vừa qua, chỉ xếp sau Serbia.

  1. Mỹ

Mỹ trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn của Việt Nam sau khi xuất khẩu sang nước ta 54 triệu TIV vào năm 2017 và cũng 54 triệu TIV vào năm ngoái. Trong đó, lô hàng năm 2017 được thực hiện sau khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016.

Lượng vũ khí mà Mỹ bán cho Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của nước này. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ luôn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trong thời kỳ từ 2017 đến 2021, nước này chiếm 39% tổng xuất khẩu vũ khí toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi Nga ở vị trí thứ hai.

Vũ khí của Mỹ được đánh giá có công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, nhưng chúng gặp phải vấn đề về khả năng tương thích với vũ khí do Nga sản xuất – hiện chiếm khoảng 80% kho vũ khí của Việt Nam.