VNReport»Top»5 quốc gia có lạm phát cao nhất

5 quốc gia có lạm phát cao nhất

17:42 - 13/05/2021

Các quốc gia này đều đang gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Trong thời gian gần đây, lo ngại lạm phát đang dấy lên trên toàn cầu. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, ở Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất trong tháng 4 tăng cao nhất kể từ 2017.

Với người dân ở những quốc gia trong danh sách này, lạm phát không chỉ là mối lo mà đã trở nên quen thuộc. Đây là 5 quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong năm 2020 (Số liệu về lạm phát được lấy từ Statista).

1. Venezuela (6.500%)

Tình trạng siêu lạm phát ở Venezuela đã bắt đầu từ năm 2016 trong bối cảnh khủng hoảng xã hội – chính trị ở quốc gia Nam Mỹ này. Theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Trung ương Venezuela, tỷ lệ lạm phát là 53.798.500% giữa 2016 và tháng 4/2019.

Vào tháng 3/2018, tổng thống Nicolás Maduro thông báo sẽ định giá lại đồng bolivar với tỷ giá 1 bolivar mới bằng 1.000 bolivar cũ, nhưng điều này không làm giảm đà lạm phát. Năm 2018, lạm phát tại đây vượt mức 1.000.000%.

Tỷ lệ lạm phát 6.500% trong năm 2020 vẫn là mức thấp so với những năm trước đó. Nguyên nhân được cho là nhờ chính quyền từ bỏ một số biện pháp kiểm soát giá cả và tiền tệ, tạo điều kiện “đô la hóa” một phần nền kinh tế.

2. Zimbabwe (623%)

Quốc gia châu Phi này từng có thời kỳ lạm phát cao thứ hai trong lịch sử thế giới vào những năm cuối thập niên 2000, chỉ sau Hungary thời kỳ 1945-1946. Mức lạm phát cao nhất từng được ghi nhận ở nước này là vào giữa tháng 11/2008: 79,6 tỷ phần trăm theo tháng và 89,7 nghìn tỷ tỷ phần trăm theo năm.

Vào giữa năm 2015, Zimbabwe thông báo kế hoạch chuyển hoàn toàn sang sử dụng đồng USD. Động thái này đã giúp ổn định tình hình lạm phát. Tháng 6/2018, tỷ lệ lạm phát ở đây chỉ là 4,3%.

Tuy nhiên, vào năm 2019, Bộ trường Tài chính mới của nước này Mthuli Ncube tuyên bố chuyển đổi tất cả ngoại tệ sang đồng đô la Zimbabwe mới. Điều này đã khiến lạm phát nước này tăng mạnh trở lại.

3. Sudan (142%)

Lạm phát ở Sudan tăng mạnh trong năm ngoái, trong bối cảnh nước này đang trải qua quá trình chuyển giao chính trị dưới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa quân đội và dân sự.

Chính phủ quốc gia châu Phi này tăng thâm hụt ngân sách khổng lồ do trợ cấp chi phí nhiên liệu, sau đó tài trợ khoản thâm hụt đó bằng cách in tiền. Điều này đã làm suy yếu đồng tiền của nước này và khiến lạm phát lên tới 142% trong năm 2020.

Trong 2 tháng đầu năm nay, tỷ lệ lạm phát tính theo năm của nước này đều đạt trên 300%.

4. Li-băng (86%)

Li-băng đã phải vật lộn với tình trạng tham nhũng chính trị trong nhiều năm, điều này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này. Ngân hàng trung ương nước này đã cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ để giữ tỷ giá ở mức 1.507,5 bảng Li-băng đổi 1 USD với các mặt hàng nhiên liệu và dược phẩm nhập khẩu.

Các cuộc đàm phán viện trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bị đình trệ sau các tranh chấp giữa các bên cho vay và ngân hàng trung ương nước này.

5. Suriname (50%)

Suriname đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế trong năm ngoái do tác động của đại dịch và sự giảm giá của dầu mỏ và vàng, hai mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của quốc gia Nam Mỹ này.

Nhằm giữ tỷ giá đồng nội tệ, ngăn chặn lạm phát và tháo chạy vốn, chính quyền của tổng thống Dési Bouterse đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với giao dịch ngoại tệ vào đầu năm nay.

Vào đầu tháng 5, chính quyền nước này bị các chủ nợ quốc tế tố cáo vi phạm nghĩa vụ đàm phán nợ một cách thiện chí và đe dọa khôi phục các khoản thanh toán mà trước đó đã được họ đồng ý hoãn lại.