VNReport»Top»5 thủ tướng Đức tại vị lâu nhất

5 thủ tướng Đức tại vị lâu nhất

18:59 - 03/10/2021

Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel tại vị lâu thứ 3 trong lịch sử Đức và có thể lên vị trí thứ 2 nếu các đảng không thống nhất được thủ tướng mới trước ngày 17/12 năm nay.

  1. Otto von Bismarck (22 năm 262 ngày)

Otto von Bismarck là kiến trúc sư trưởng của việc thống nhất nước Đức vào năm 1871, và làm thủ tướng đầu tiên của Đế quốc Đức từ đó đến năm 1890. Trước đó, từ 1867 đến 1871, ông là thủ tướng của Liên bang Bắc Đức. Tổng cộng, ông giữ vị trí thủ tướng Đức trong hơn 22 năm và là người tại vị lâu nhất.

Trong thời gian làm thủ tướng Đức, Bismarck là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đối với nền chính trị châu Âu. Ông đã sử dụng kỹ năng ngoại giao của mình để giữ hòa bình giữa các cường quốc trong khu vực. Đường lối ngoại giao thực dụng (Realpolitik) và quyền lực của ông trong nước đã mang lại cho Bismarck biệt danh “Thủ tướng Sắt”.

  1. Helmut Kohl (16 năm 26 ngày)

Helmut Kohl nổi tiếng với vai trò là thủ tướng của Tây Đức từ năm 1982 đến 1990, và nước Đức thống nhất từ năm 1990 đến 1998. Nhiệm kỳ 16 năm của ông chứng kiến sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, sự thống nhất nước Đức và sự thành lập Liên minh châu Âu (EU).

Với tư cách là thủ tướng, Kohl đã thúc đẩy quá trình hội nhập châu Âu và đặc biệt là mối quan hệ Pháp – Đức. Kohl và tổng thống Pháp François Mitterrand là những kiến trúc sư của Hiệp ước Maastricht, thành lập EU và đồng tiền chung Euro. Ngoài ra, ông cũng ủng hộ quá trình mở rộng ra phía đông của EU. Về mặt đối nội, các chính sách của ông tập trung vào việc hợp nhất Đông Đức, với việc chuyển thủ đô liên bang từ Bonn quay về Berlin. Kohl được mô tả là “nhà lãnh đạo châu Âu vĩ đại nhất trong nửa sau thế kỷ 20” bởi các tổng thống Mỹ George H. W. Bush và Bill Clinton.

  1. Angela Merkel (15 năm 315 ngày)

Nữ thủ tướng đầu tiên của Đức đã nắm chức vị này từ ngày 22/11/2005 đến nay. Với vị thế của Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Angela Merkel được coi là nhà lãnh đạo không chính thức của EU và người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Về mặt đối ngoại, Merkel thúc đẩy hợp tác quốc tế, cả về EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và củng cố quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương. Bà có vai trò quan trọng việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Trong nước, chính sách “chuyển đổi năng lượng” của bà đã tăng mức đóng góp của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Đức.

Với thời gian tại vị 15 năm 315 ngày (tính đến 3/10/2021), bà là thủ tướng tại vị lâu thứ 3 của đất nước và có thể lên vị trí thứ 2 nếu các cuộc đàm phán liên minh giữa các đảng sau cuộc bầu cử liên bang năm nay không kết thúc vào ngày 17/12.

  1. Konrad Adenauer (14 năm 31 ngày)

Konrad Adenauer là thủ tướng đầu tiên của Tây Đức từ năm 1949 đến 1963 và là nhà lãnh đạo đầu tiên của CDU, đảng mà ông đồng thành lập vào năm 1946 và sau đó trở thành một thế lực thống trị trong chính trường Đức.

Mặc dù nhậm chức khi đã 73 tuổi, Adenauer thể hiện kỹ năng chính trị xuất sắc. Ông lãnh đạo Tây Đức từ đống đổ nát của Thế chiến II trở thành một đất nước thịnh vượng và có quan hệ mật thiết với Pháp, Anh và Mỹ – những kẻ thù của Đức trong chiến tranh. Trong những năm cầm quyền của ông, cùng với Bộ trưởng Kinh tế Ludwig Erhard, Tây Đức đã lấy lại được sự ổn định và thịnh vượng về kinh tế, trong thời kỳ được gọi là “phép màu kinh tế”. Chính sách đối ngoại của ông hướng về phương Tây, với việc đưa đất nước trở thành một thành viên của NATO.

  1. Adolf Hitler (12 năm 90 ngày)

Adolf Hitler là thủ tướng của Đức từ năm 1933 đến 1945 và là lãnh tụ (Führer) của đất nước trong phần lớn khoảng thời gian đó. Trong nhiệm kỳ của mình, ông được nhớ đến nhiều nhất là người khởi xướng Thế chiến II ở châu Âu sau khi xâm lược Ba Lan vào ngày 19/9/1939.

Hitler được sinh ra ở Áo và được trao một số huân chương sau khi tham chiến trong quân đội Đức thời kỳ thế chiến I. Sau đó, ông tham gia và trở thành lãnh đạo của Đang Quốc Xã Đức và bị bỏ tù sau khi thất bại trong một cuộc đảo chính ở Munich năm 1923. Trong tù, ông đã viết cuốn sách tự truyện và tuyên ngôn chính trị Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi).

Với chính sách đối ngoại kêu gọi việc mở rộng lãnh thổ, bao gồm các lãnh thổ đã mất của Đức sau thất bại ở Thế chiến I, Hitler đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều người Đức. Trong 2 năm đầu của Thế chiến II, Đức và các đồng minh của phe Trục đã chiếm đóng được hầu hết châu Âu và Bắc Phi. Nhưng sau đó, phe Trục đã dần mất ưu thế. Ngày 30/4/1945, đối diện với thất bại không thể tránh được trước quân Đồng minh, Hitler đã tự sát.