VNReport»Top»7 nước và khu vực có lãi suất ngân hàng thấp nhất

7 nước và khu vực có lãi suất ngân hàng thấp nhất

14:05 - 24/06/2021

Các nước và khu vực trong danh sách này giữ lãi suất thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

Gần đây, xuất hiện đề xuất đưa lãi suất tiền gửi ở Việt Nam về 0%. Ở Việt Nam, đây có vẻ là điều “không tưởng”. Chính sách lãi suất ở mức 0% và âm đã được thực hiện ở một số quốc gia trên thế giới, hầu hết là các nước phát triển.

Danh sách này liệt kê 7 nước và khu vực đang có lãi suất từ 0% trở xuống, theo dữ liệu của Trading Economics. 5 trong số này có nền kinh tế phát triển cao. Còn lại là khu vực đồng euro và Bulgaria có chính sách tiền tệ giống hệt khu vực này.

1. Thụy Sĩ (-0,75%)

Thụy Sĩ là quốc gia ở châu Âu có một trong những nền kinh tế thị trường tự do tiên tiến nhất trên thế giới. Nước này có GDP đầu người 94.696 USD, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Luxembourg, theo ước tính năm 2021 của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Nền kinh tế Thụy Sĩ nổi tiếng với ngành ngân hàng và tài chính.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã hạ mức lãi suất chính sách và lãi suất qua đêm ở các tổ chức tín dụng từ 0% xuống -0,75% vào năm 2015, và giữ mức lãi suất đó cho đến nay.

Các nhà hoạch định chính sách nước này cho biết họ đang giữ chính sách tiền tệ mở rộng để đảm bảo ổn định giá cả và tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Thụy Sĩ phục hồi từ tác động của đại dịch.

Ngân hàng trung ương này dự báo lạm phát đồng Franc Thụy Sĩ đạt 0,4% trong 2021 và 0,6% trong 2022 và 2023, do giá các sản phẩm dầu mỏ và dịch vụ liên quan đến du lịch tăng, cũng như giá hàng hóa bị ảnh hưởng bởi các nút thắt nguồn cung. Tăng trưởng GDP của Thụy Sĩ được dự báo là 3,5% trong năm nay, và nền kinh tế nhiều khả năng sẽ trở về mức trước đại dịch vào giữa năm.

2. Đan Mạch (-0,5%)

Đan Mạch là quốc gia ở Bắc Âu có nền kinh tế phát triển. Năm 2021, theo ước tính của IMF, nước này có GDP đầu người đứng thứ 6 thế giới, đạt 67.218 USD. Nền kinh tế Đan Mạch có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế.

Đan Mạch là một trong số ít các quốc gia phát triển giữ tỷ giá cố định. Vì vậy, Ngân hàng Quốc gia Đan Mạch phải luôn điều chỉnh lãi suất để ổn định tỷ giá, và không thể dùng công cụ này để tác động đến lạm phát hoặc việc làm.

Trong những tháng đầu năm 2015, Đan Mạch nhận luồng vốn từ nước ngoài rất lớn, tạo áp lực tăng tỷ giá đối với đồng krone. Ngân hàng trung ương đã phản ứng bằng cách hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là -0.75%. Từ đó đến nay, nước này nhiều lần điều chỉnh lãi suất nhưng luôn giữ ở mức âm.

Tỷ lệ lạm phát của Đan Mạch trong tháng 5/2021 là 1,7% so với 1 năm trước. Đây là mức cao nhất tính từ tháng 12/2012, chủ yếu vì giá xăng dầu tăng cao. Điều này là một trong những lý do khiến Đan Mạch gần đây đã tăng lãi suất lên -0,50%.

3. Nhật Bản (-0,1%)

Nhật Bản là nền kinh tế phát triển cao, có quy mô lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Là một thành viên của nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến G7, Nhật Bản nằm trong top đầu thế giới về nhiều chỉ tiêu kinh tế như: kim ngạch xuất nhập khẩu (đứng thứ 4), dự trữ ngoại hối (đứng thứ 2), sản xuất ô tô và đồ điện tử (đứng thứ 3).

Vào những năm 1990, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản chậm lại sau khi vỡ bong bóng tài sản, trong thời kỳ được gọi là “Thập niên mất mát”. Nước này chấp nhận những khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ để tài trợ cho các công trình công cộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, làm bùng nổ nợ công.

Vào năm 1998, khi nền kinh tế tiếp tục trì trệ, Ngân hàng Nhật Bản bắt đầu sử dụng chính sách nới lỏng định lượng để thúc đẩy tăng trưởng. Kể từ đó đến nay, lãi suất ngắn hạn do ngân hàng trung ương này thiết lập luôn dao động quanh 0%, và ở mức -0,1% kể từ năm 2016.

Đi kèm với tình trạng tăng trưởng kinh tế trì trệ là giảm phát. Trong thập kỷ 2000, Nhật Bản liên tục chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 0 đến 2%. Lạm phát nhẹ quay trở lại nước nay trong thập niên 2010, nhưng tác động của dịch Covid khiến đồng yên giảm phát trong năm 2020.

4. Khu vực đồng euro (0%)

Khu vực đồng euro (eurozone) là liên minh tiên tệ của 19 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sử dụng đồng euro là đơn vị tiền tệ hợp pháp duy nhất. GDP toàn khu vực eurozone là 12,7 nghìn tỷ USD.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thiết lập chính sách tiền tệ chung cho toàn khu vực. ECB được điều hành bởi một chủ tịch và hội đồng gồm người đứng đầu các ngân hàng trung ương thành viên. Mục tiêu chính của ECB là kiểm soát lạm phát.

Lãi suất của eurozone được giữ ở mức 0% từ năm 2016. Đồng thời, ECB cũng liên tục triển khai các chương trình mua trái phiếu tích cực trong những năm qua, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của khu vực.

Lạm phát của khu vực được giữ ở mức thấp. Mặc dù vậy, ECB đã có những dấu hiệu cho thấy tổ chức này sẽ chấp nhận mức lạm phát cao hơn trong thời gian tới để giúp eurozone hồi phục sau suy thoái vì dịch Covid.

5. Thụy Điển (0%)

Thụy Điển là quốc gia ở Bắc Âu có nền kinh tế phát triển thiên về xuất khẩu. Các ngành công nghiệp chính của Thụy Điển là ô tô, viễn thông, dược phẩm, gỗ và khai thác quặng sắt.

Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) là ngân hàng trung ương lâu đời nhất thế giới và là ngân hàng lâu đời thứ 3 còn đang hoạt động trên toàn cầu. Riksbank còn được biết đến là nhà tài trợ cho giải Nobel trong lĩnh vực kinh tế.

Vào năm 1992, nhằm giữ tỷ giá đồng krona Thụy Điển khi đồng bảng Anh rời Cơ chế Tỷ giá châu Âu, Riksbank đã đặt mục tiêu lãi suất liên ngân hàng qua đêm lên tới 500%, nhưng không thành công do vấp phải lực thị trường mạnh.

Riksbank đã nâng lãi suất lên 0% vào cuối năm 2019, sau 5 năm có mức lãi suất âm. Ngân hàng này cũng tăng cường mua tài sản để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Tỷ lệ lạm phát của Thụy Điển là 0,66% trong năm 2020.

6. Na Uy (0%)

Na Uy là một trong những nước có mức sống cao nhất thế giới, với GDP đầu người đạt 81.995 USD, xếp thứ 4 thế giới, theo ước tính năm 2021 của IMF. Nền kinh tế Na Uy dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ ở Biển Bắc.

Norges Bank là ngân hàng trung ương của Na Uy. Ngoài các trách nhiệm thường thấy như quản lý chính sách tài chính và mức giá, Norges Bank cũng quản lý Quỹ Lương hưu Chính phủ của Na Uy, quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.

Phản ứng với khủng hoảng kinh tế do đại dịch, Norges Bank đã giảm mức lãi suất xuống 0% vào đầu năm 2020.

Trong cuộc họp vào tháng 6, các nhà hoạch định chính sách Na Uy gửi tín hiệu rằng sẽ có thể tăng lãi suất vào tháng 9 tới, khi nền kinh tế nước này hồi phục nhanh hơn dự báo trước đó. Đồng thời, lạm phát của đồng krone Na Uy đã giảm và đang ở dưới mức mục tiêu 2%.

7. Bulgaria (0%)

Bulgaria là nước ở đông nam châu Âu, có thu nhập ở mức trung bình cao, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Đồng lev của Bulgaria được neo với tỷ giá cố định vào đồng euro. Vì vậy, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương nước này giống hệt như chính sách tiền tệ của khu vực đồng euro. Hệ quả là lãi suất tiêu chuẩn của Bulgaria ở mức 0%, bằng với lãi suất thiết lập bởi ECB.

Ngoài ràng buộc về chính sách tiền tệ, việc neo cố định vào đồng euro còn khiến Bulgaria không thể giảm giá đồng tiền của mình nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, chính sách quản lý này lại giúp ổn định lạm phát. Năm 2020, tỷ lệ lạm phát ở Bulgaria chỉ là 1,22%.

Khi gia nhập EU vào năm 2007, Bulgaria đã cam kết chuyển sang sử dụng đồng euro. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được khi nước này đạt được đầy đủ các điều kiện do EU đặt ra.