VNReport»Top»8 sa mạc lớn nhất thế giới

8 sa mạc lớn nhất thế giới

14:54 - 29/07/2021

Nam Cực là sa mạc rộng và lớn nhất thế giới hiện nay với diện tích xấp xỉ 14 triệu km2.

Sa mạc Nam Cực

Sa mạc Nam Cực hay còn gọi là châu Nam Cực là sa mạc rộng và lớn nhất thế giới. Nơi đây không bao giờ đón được ánh mặt trời và lượng mưa rất thấp chỉ 50mm trong một năm. Ngoài việc có ít mưa, sa mạc Nam Cực còn là nơi có khí hậu khắc nghiệt cùng độ ẩm siêu thấp và khác với phần lớn sa mạc trên trái đất, đây là sa mạc lạnh.

Xét về kích thước, Nam Cực chính là sa mạc lớn nhất thế giới với diện tích xấp xỉ 14 triệu km2. Nó được bao phủ bởi lớp băng vĩnh hằng chiếm tới 90% lượng nước trên Trái Đất và phần lớn trong số đó dày trung bình 1,6km. Nam Cực là nơi trú ngụ của một số loài động vật như chim cánh cụt, hải cẩu hoặc một số loài chim khác. Và tại lục địa lạnh nhất, gió nhất, cô lập nhất thế giới này không có cư dân sinh sống mà chỉ có một số nhà khoa học làm việc ở các trạm nghiên cứu.

Sa mạc Sahara

Từ Sahara trong ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là Đại sa mạc. Sa mạc Sahara bao gồm những đụn cát khổng lồ bên cạnh một số sông suối, cao nguyên đá, các thung lũng khô cằn và hệ động thực vật và bò sát đa dạng. Sa mạc Sahara có diện tích hơn 9 triệu km2, xấp xỉ diện tích của Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Sa mạc Sahara bao trùm hầu hết Bắc Phi, bao phủ lên những vùng rộng lớn của 12 quốc gia là Algerie, Chad, Ai Cập, Libya, Marocco, Mali, Eritrea, Niger, Sudan, Tunisa, Tây Sahara.

Sa mạc Sahara đang ngày càng mở rộng. Từ năm 1962 tới nay, sa mạc này đã mở rộng thêm gần 650.000 km2. Ở Sahara lượng mưa rất thấp so với những nơi khác trên thế giới, trung bình một năm lượng mưa ở Sahara chỉ có 25mm và phía Đông của Sahara thì lượng mưa thậm chí chỉ ở mức 5mm.

Sa mạc Ả Rập

Diện tích của sa mạc Ả Rập là 2,3 triệu km2, bao phủ Ả Rập Saudi, Oman và một phần của Irac. Tùy vào địa điểm mà độ khô nóng trên sa mạc này khác nhau. Tại vùng trung tâm sa mạc nhiệt độ có thể lên tới 54 độ C song những khu vực gần rìa sa mạc hoặc trên các cao nguyên thì ẩm hơn, đôi khi còn có sương và sương mù.


Lượng mưa trung bình hàng năm tại đây nhỏ hơn hơn 100 mm. Nhưng hiện nay nhờ hoạt động tưới tiêu của con người, nhiều phần sa mạc đã được phủ xanh. Tuy nhiên việc trồng cây theo vòng tròn trở nên phổ biến tại Ả Rập Saudi trong ba thập kỉ qua đang đe dọa tới mạch nước ngầm khi các chuyên gia dự báo mạch nước ở đây sẽ cạn kiệt trong vòng 50 năm tới.

Sa mạc Gobi

Sa mạc Gobi thuộc lãnh thổ của hai quốc gia là Trung Quốc và Mông Cổ với diện tích 1,3 triệu km2. Gobi nổi tiếng là một trong năm sa mạc lớn nhất thế giới và là sa mạc rộng lớn nhất châu Á với rất nhiều cảnh quan hấp dẫn. Thời tiết ở Gobi rất khắc nghiệt khi mùa hè nhiệt độ thường xuyên trên mức 40 độ C còn mùa đông lại lạnh thấu xương khi nhiệt độ xuống -40 độ C.

Sa mạc Gobi có lượng mưa trung bình dao động từ 50mm – 200mm với hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Sa mạc Gobi là sa mạc lạnh vì vào mùa đông nhiệt độ ở đây giảm xuống còn -40 độ C, tuyết phủ trắng một vùng sa mạc. Khí hậu khắc nghiệt nên diện tích trồng trọt ở Gobi rất ít. Người dân chủ yếu là dân du mục chăn nuôi lạc đà, cừu dê để lấy sợi và thịt.

Sa mạc Kalahari

Sa mạc Kalahari là một khu vực rộng lớn bán khô cằn cho đến khô cằn ở phía nam của châu Phi. Đây là sa mạc lớn thứ hai của châu Phi với diện tích 930.000 km2. Sa mạc Kalahari có lượng mưa thấp hơn 500mm, thậm chí có nơi chỉ dưới 200mm với phần lớn diện tích được bao phủ bởi cát nâu đỏ và không có nước trên bề mặt.

Nhiệt độ về mùa hè ở sa mạc Kalahari dao động trong khoảng từ 20 – 40°C. Về mùa đông, Kalahari có khí hậu khô và lạnh với sương muối về đêm và nhiệt độ trung bình cuối mùa đông thường dưới 0°C. Sa mạc Kalahari được biết tới với nhiều khu bảo tồn, trong đó trung tâm Kalahari là khu bảo tồn thiên nhiên lớn thứ hai thế giới nên nơi đây có sự đa dạng sinh học cao cùng nhiều chủng động vật quý hiếm.

Sa mạc Patagonia

Sa mạc Patagonia nằm ở phía nam của Châu Mỹ và nằm trong lãnh thổ của hai nước là Argentina và Chile với địa hình chủ yếu là đồng bằng cát với diện tích khổng lồ lên tới 630.000km2.

Giống như thung lũng Chết ở California, sa mạc Patagonia nằm ở sườn ít mưa của dãy núi Andes. Sự khắc nhiệt ở nơi đây cũng không kém thung lũng chết là bao khi lượng mưa trung bình hàng năm chỉ từ 160 đến 200mm. Môi trường khắc nghiệt ở sa mạc Patagonia chủ yếu là do sự ảnh hưởng của địa hình. Khi các khối không khí bị ép di chuyển vòng qua núi và các vùng trũng sâu, chúng trở nên nóng hơn và khả năng giữ hơi nước cũng tăng. Ở bên sườn ít mưa của một dãy núi, nước bốc hơi rất nhanh, do đó tạo nên một môi trường sa mạc khô cằn như Patagonia.

Sa mạc Great Victoria

Sa mạc Great Victoria chủ yếu nằm ở địa phận nước Úc với diện tích 647.000 km2. Sa mạc Great Victoria bao gồm các cồn cát đỏ và một sô hồ muối. Lượng mưa trung bình ở đây chỉ đạt 162mm do vậy sa mạc này sở hữu số lượng lạc đà khá cao lên đến 750.000 con. Do môi trường khắc nghiệt, sa mạc này chủ yếu chỉ có các vùng đất của thổ dân, khu bảo tồn thiên nhiên mà không có thành phố.

Là sa mạc tương đối khô với thảm thực vật khan hiếm trong hơn 100.000 năm qua, nhưng nếu quay ngược trở lại vài triệu năm trước, đây từng là một vùng đất được bao phủ hoàn toàn bởi những khu rừng nhiệt đới với thảm động thực vật thuộc loại phong phú bậc nhất hành tinh.

Sa mạc Syria

Diện tích của sa mạc Syria vào khoảng 518.000 km2, bao phủ phần lớn Irac, Jordan, Ả Rập Saudi và Syria, Nơi đây được ví như là một vùng đất chết khi được miêu tả là hoang tàn và khô cằn bậc nhất thế giới. Lượng mưa trung bình hằng năm ở khu vực này chỉ khoảng 125mm.


Nơi đây được biết tới là một khu vực nóng về vấn đề chính trị với các trận chiến của những người hồi giáo cực đoan. Hệ sinh thái nơi này cũng đang chịu sự đe doạ từ hạn hán, chăn thả súc vật, săn bắn cùng các hoạt động khác của con người.