VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Các công ty quốc tế liên tục nhắc đến khó khăn về chuỗi cung ứng ở Việt Nam

Các công ty quốc tế liên tục nhắc đến khó khăn về chuỗi cung ứng ở Việt Nam

15:00 - 24/08/2021

Trong các thông báo gần đây, Foot Locker, Adidas và Buckle cho biết tình hình ở Việt Nam đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của họ. Trước đó, Nike và Yeti cũng có tuyên bố tương tự.

Foot Locker, Adidas và Buckle là những công ty mới nhất nhắc đến những khó khăn từ việc đóng cửa các cơ sở sản xuất liên quan đến dịch Covid-19 ở Việt Nam. Điều này có thể khiến lượng hàng tồn kho xuống mức nguy hiểm trong những tháng tới.

Các nhà phân tích cũng đã đưa ra lo ngại về tác động mà các thách thức chuỗi cung ứng có thể gây ra trong mùa mua sắm cuối năm vô cùng quan trọng.

Các rào cản khác bao gồm việc tìm kiếm container và xe tải để vận chuyển các mặt hàng, và các chi phí liên quan đến việc giải quyết các vấn đề chuỗi cung ứng này.

Nhiều công ty quốc tế lo lắng về chuỗi cung ứng khi mùa mua sắm cuối năm đang cận kề.

Nhiều công ty quốc tế lo lắng về chuỗi cung ứng khi mùa mua sắm cuối năm đang cận kề.

Dưới thời chính quyền Trump, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các bước để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến mức thuế thương mại cao hơn. Nhiều công ty đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang các nước trong đó có Việt Nam.

Dữ liệu của công ty nghiên cứu thương mại Panjiva cho thấy “Việt Nam chiếm 39,8% tổng kim ngạch nhập khẩu đường biển của Mỹ trong 12 tháng tính đến ngày 31/7, sau khi tăng 12,5% so với cùng kỳ trong quý II/2021 và tăng 44,5% trong tháng 7”.

Các giám đốc điều hành đã thực hiện các bước để quản lý tình hình, nhưng thừa nhận rằng không có cách khắc phục dễ dàng.

“Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với các đối tác cung cấp của mình”, trong cuộc họp trực tuyến báo cáo kết quả kinh doanh”, Richard Johnson, giám đốc điều hành tại Foot Locker cho biết. “Và rõ ràng việc đóng cửa ở Việt Nam sẽ có tác động lâu dài hơn”.

Giám đốc điều hành Dennis Nelson của Buckle cho biết trong cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh của công ty rằng sẽ có sự chậm trễ. “Với việc đóng cửa tại Việt Nam, chúng tôi sẽ có một số chuyến giao hàng muộn hơn”.

“Kể từ tháng 7, chúng tôi đang gặp phải một thách thức bổ sung trong mạng lưới tìm nguồn cung ứng của mình do sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 ở Đông Nam Á”, Kasper Rorsted, giám đốc điều hành của Adidas, nói trong cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh gần đây nhất của công ty vào ngày 5/8.

“Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Việt Nam, nơi chính phủ yêu cầu đóng cửa các nhà máy quy mô lớn. Và kết quả là, phần lớn công suất nhà máy của các nhà cung cấp ở nước này đã không hoạt động kể từ giữa tháng 7, với những hạn chế hiện tại kéo dài đến ngày 15/8”.

Nike và Yeti đều nhắc đến sự chậm trễ bắt nguồn từ Việt Nam trong báo cáo kết quả kinh doanh của mình.

Wells Fargo cho biết trong một ghi chú gần đây rằng tình hình ở Việt Nam đang “xấu đi”. Các nhà phân tích đã nói chuyện với Miguel Blázquez, trưởng bộ phận mua hàng cho thương hiệu Mango của Tây Ban Nha.

“Với việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở Việt Nam, làm tăng chi phí và làm gián đoạn dòng hàng tồn kho, ông Blázquez dự đoán những thách thức liên quan đến tìm nguồn cung ứng sẽ ảnh hưởng đến kỳ nghỉ lễ, đồng thời khẳng định các công ty không thể chịu được trì hoãn kéo dài trong các tuần mua sắm cao điểm. Hơn nữa, có thể có tác động của rủi ro giảm giá đối với sản phẩm đến muộn”.

Các nhà phân tích khác cũng đưa ra cảnh báo trong một lưu ý về lợi nhuận của 2 nhà bán lẻ đồ nội thất RH và Williams-Sonoma, khi Việt Nam là nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn nhất đến Mỹ.

“Chúng tôi nghĩ rằng điều này có khả năng làm trầm trọng thêm các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng và dẫn đến sự chậm trễ thậm chí còn kéo dài hơn. Một số nhà máy đã có thể hoạt động trong bong bóng, trong khi nhiều nhà máy khác đã phải ngừng sản xuất”, báo cáo cho biết.

Các nhà phân tích không biết có bao nhiêu hàng của RH hoặc Williams-Sonoma có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng “mặc dù sự gián đoạn cuối cùng có thể không quá nghiêm trọng, đây là một trở ngại khác sẽ lan ra khắp ngành”.

Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc cũng đang chậm lại do đại dịch. Với 8 trong số 10 cảng bận rộn nhất trên thế giới, điều này cũng gây khó khăn cho các thương hiệu và nhà bán lẻ ở Mỹ và trên toàn thế giới khi mùa mua sắm cuối năm đang bắt đầu cận kề.