VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp FDI cảnh báo rút khỏi thị trường Việt Nam vì lo đứt gãy chuỗi cung ứng

Doanh nghiệp FDI cảnh báo rút khỏi thị trường Việt Nam vì lo đứt gãy chuỗi cung ứng

00:23 - 07/09/2021

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể rời bỏ thị trường Việt Nam do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đe dọa sản xuất, gây tâm lý e ngại đối với nhà đầu tư.

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế – xã hội của Việt Nam, nhất là nguy cơ hàng loạt nhà máy của các doanh nghiệp FDI buộc phải cắt giảm thậm chí ngưng sản xuất do các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh.

Tại các doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ”, năng lực sản xuất chỉ đáp ứng 10-50% công suất. Một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã phải tạm dừng một phần dây chuyền sản xuất do thiếu nguồn cung phụ tùng từ Việt Nam. Một bộ phận các nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam đứng trước nguy cơ buộc phải di dời cơ sở sản xuất/thiết bị từ Việt Nam ra nước ngoài như qua Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN.

Doanh nghiệp FDI lo đứt gãy chuỗi cung ứng, cảnh báo rút đầu tư khỏi Việt Nam

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH), hiện trong số các thành viên của hội, chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có công ty mẹ rất yếu về tài chính. Vì thế, khi tỷ lệ các doanh nghiệp này sản xuất tại Việt Nam có số lượng càng cao thì càng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, nhiều công ty buộc phải phát sinh chi phí cả trăm tỷ đồng. Điển hình như công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Intel Việt Nam) chỉ trong một tháng từ ngày 15/7 – 15/8, chi phí phát sinh đã lên tới 140 tỷ đồng. Hay Công ty TNHH Jabil Việt Nam dù chỉ duy trì khoảng 30% lao động cũng phát sinh chi phí 120 tỷ đồng/tháng.

Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp hoạt động chỉ duy trì ở mức tối thiểu nên không thể giao hàng đúng hạn cho khách hàng theo hợp đồng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng rất cao. Hiện, lãnh đạo các đơn vị này đều mong chuỗi cung ứng không bị phá vỡ để hoạt động sản xuất được bảo đảm ổn định.

Trong bối cảnh này, JCCH kiến nghị thành phố thực hiện một số vấn đề cấp thiết như: Nhanh chóng phê duyệt hồ sơ xin tiếp tục hoạt động sản xuất của những doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ và nộp hồ sơ theo đúng quy định của Chính phủ Việt Nam; Sớm đẩy mạnh tiêm phòng kịp thời và đầy đủ cho công nhân; Thực hiện linh hoạt quy định trong trường hợp người lao động ở lại nhà máy do Covid-19; Nhanh chóng giải quyết các thủ tục nhập cảnh của doanh nhân và gia đình đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19 tại Nhật Bản; Và xem xét lại chính sách “3 tại chỗ” cũng như đưa ra các chính sách toàn diện hơn về hàng hóa thiết yếu.

JCCH cũng cảnh báo tình trạng hiện nay nếu không được cải thiện với những giải pháp hiệu quả sẽ dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, hệ lụy kéo theo là một số doanh nghiệp sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam.

Nhận định về tình hình hiện nay tại TP HCM cũng như nhiều địa phương trên cả nước, nhiều chuyên gia cho rằng, dịch bệnh Covid-19, nhất là làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam có thể làm gia tăng tâm lý phân vân, e ngại của giới đầu tư. Nhất là việc các địa phương thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, sản xuất của các nhà máy bị ngưng trệ, công nhân mất việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn nhận định, đầu tư nước ngoài là hoạt động mang tính dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài trước khi bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam cũng đã nghiên cứu rất kỹ chứ không phải nhất thời, nên không thể có chuyện vì giãn cách để phòng, chống Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian ngắn sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Môi trường đầu tư Việt Nam hiện vẫn đang được đánh giá rất cao với những lợi thế vượt trội. Trong đó cần kể đến yếu tố chính trị ổn định, chính sách thu hút FDI cởi mở, Việt Nam lại đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thông qua một loạt các Hiệp định thương mại tự do, quy mô dân số gần 100 triệu dân và chi phí đầu tư, thuê nhân công tại Việt Nam rẻ hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, để tăng khả năng cạnh tranh FDI của Việt Nam, theo ông Nguyễn Văn Toàn, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng cần có cách làm linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định sản xuất, giảm tối đa những tác hại bất lợi từ dịch Covid-19.