VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam

Chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam

11:43 - 10/09/2021

Theo EuroCham, mặc dù 18% đơn hàng của các doanh nghiệp châu Âu đã chuyển ra nước khác, nhưng chưa có doanh nghiệp nào rời khỏi Việt Nam.

Bất chấp việc một số doanh nghiệp đã chuyển đơn hàng ra nước khác, các doanh nghiệp châu Âu vẫn muốn đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo chiều tối 9/9 của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) sau buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành và 7 địa phương.

Buổi làm việc trực tuyến của Eurocham với Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành và địa phương.

Buổi làm việc trực tuyến của Eurocham với Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành và địa phương.

Ông Guru Mallikarjuna, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Engineering & Business Solutions Việt Nam, thành viên của EuroCham cho biết, những tác động tiêu cực của đợt dịch thứ 4 trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp EU tại Việt Nam.

Việc đi lại của các nhân viên rất khó khăn; và việc thực hiện chính sách “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp EU.

Chủ trương không cho người tham gia 3 tại chỗ về nhà đồng nghĩa với việc không thể thay thế số công nhân cũ tham gia 3 tại chỗ bằng công nhân mới dù họ đã làm việc trong nhà máy trong thời gian dài. Có trường hợp đi làm việc ở tỉnh này nhưng nhà ở tỉnh khác cũng không về được, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Rõ ràng với những khó khăn này, thì tiêm chủng vaccine là vấn đề cấp thiết cho tất cả cán bộ công nhân viên cũng như người lao động. Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Ưu tiên tiêm cho các công nhân để họ quay trở lại sản xuất tốt hơn”, ông Guru nói và lưu ý rằng đây cũng là khuyến nghị của các doanh nghiệp EU đưa ra tại buổi làm việc với Chính phủ Việt Nam.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham khẳng định: “Các doanh nghiệp châu Âu rất tin vào tương lai của Việt Nam. Họ vẫn thích đầu tư tại Việt Nam với những khoản đầu tư dài hạn. Chúng tôi tin tình hình sẽ được kiểm soát sớm, Chính phủ sẽ dần mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Theo ông Cany, 18% đơn hàng của các công ty thành viên Eurocham đã được chuyển ra nước khác, 16% cũng nghĩ sẽ phải chuyển ra quốc gia khác vì họ nghĩ tình hình này sẽ kéo dài hơn. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào rời khỏi Việt Nam.

Mặc dù vậy, chủ tịch EuroCham cũng cho rằng một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là cần có hộ chiếu vaccine điện tử để tạo điều kiện di chuyển tự do cho người được tiêm chủng trong và ngoài nước.

EuroCham đề xuất Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh quá trình cho phép các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia và gia đình của họ trở lại Việt Nam. Các thủ tục hiện nay vừa tốn thời gian, vừa khó khăn và là rào cản lớn đối với thương mại và đầu tư, vốn là yếu tố cần thiết để đạt được tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Mặt khác, các chính sách 3 tại chỗ hiện tải cần được cải thiện. Quy định đang tạo ra gánh nặng rất lớn cho cả các công ty và người lao động.

Đặc biệt, đại diện EuroCham nhấn mạnh cần triển khai tiêm chủng, ưu tiên những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất để các tỉnh, thành phố dần mở cửa trở lại và thúc đẩy hoạt động thương mại trở lại bình thường; thống nhất các quy định để giảm bớt sự nhầm lẫn cho các công ty và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan… cung cấp cho họ một con đường có thể dự đoán được cho kế hoạch khởi động lại hoạt động kinh doanh.

Việc thực hiện giữa trung ương và địa phương vẫn còn khoảng cách lớn, đòi hỏi phải có nhiều cuộc đối thoại tương tự như các cuộc làm việc với Thủ tướng được tổ chức tại địa phương.

Tuy nhiên, EuroCham tin tưởng vì Chính phủ khẳng định các địa phương sẽ sớm triển khai Nghị quyết của Chính phủ, trong đó có tiêm chủng. “Khi đã có chủ trương, chính sách của Chính phủ, chúng tôi mong muốn các địa phương nhanh chóng triển khai, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Alain Cany nhấn mạnh.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery, cũng cho rằng khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là làm sao để duy trì hoạt động sản xuất và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Hiện nay, vấn đề tiêm phòng cho công nhân là rất cần thiết đối với các công ty đang hoạt động. EU có thể hỗ trợ Việt Nam hơn nữa thông qua cơ chế Covax. Đến nay, châu Âu đã cung cấp 10 triệu liều vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế này. Ngoài ra, cách đây 3 ngày, theo thỏa thuận song phương, Đức cũng tuyên bố sẽ cung cấp thêm 5 triệu liều, Pháp 700.000 liều.

“Chúng tôi có cuộc các cuộc họp với các đại sứ để đưa thông điệp: Việt Nam nên được đưa vào nhóm các quốc gia ưu tiên hàng đầu nhận vaccine từ các quốc gia đang phát triển”, Đại sứ Pháp chia sẻ.