VNReport»Top»8 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

8 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

16:10 - 27/09/2021

Điện thoại, máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện chiếm gần 100 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 283 tỷ USD của nước ta năm ngoái.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có kim ngạch xuất khẩu cao hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thể hiện vai trò vô cùng quan trọng của xuất khẩu đối với nền kinh tế đất nước.

Trong khoảng chục năm gần đây, các sản phẩm điện tử và công nghệ nổi lên trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam và giờ đây đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Sau đây là 8 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, theo số liệu năm 2020 từ Tổng cục Hải quan.

  1. Điện thoại các loại và linh kiện (51,2 tỷ USD)

Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của nước ta, đạt 51,2 tỷ USD trong năm ngoái. Mặt hàng này được sản xuất từ các nhà máy ở Việt Nam do các doanh nghiệp quốc tế đầu tư trực tiếp. Trong đó, hầu hết sản lượng điện thoại sản xuất trong nước là của Samsung – hãng điện thoại lớn nhất thế giới. Gã khổng lồ Hàn Quốc sản xuất khoảng một nửa số điện thoại của mình ở Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 35,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

  1. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (44,6 tỷ USD)

Trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên thành một trong những cơ sở sản xuất máy vi tính lớn của thế giới. Với xu thế nhiều doanh nghiệp lắp ráp máy vi tính chuyển dịch dây chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh khả năng bị Mỹ cấm vận và áp thuế quan, Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á đã hưởng lợi.

Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 44,6 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện tử và công nghệ đạt tổng cộng gần 100 tỷ USD trong năm ngoái và dự kiến sẽ vượt mức này trong năm nay. Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính 8 tháng đầu năm đã tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

  1. Hàng dệt may (29,8 tỷ USD)

Dệt may luôn là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước ta trong nhiều năm. Với lợi thế nguồn lao động giá rẻ và dồi dào, Việt Nam thu hút được vốn đầu tư trực tiếp của nhiều công ty dệt may nước ngoài (chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này).

Hàng dệt may của Việt Nam chủ yếu được sản xuất theo đơn đặt hàng của những thương hiệu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 29,8 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2019 do nhu cầu thế giới suy giảm vì Covid-19.

  1. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (27,2 tỷ USD)

Kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 27,2 tỷ USD trong năm ngoái, tăng đến 48,6% so với 2019. Trong giai đoạn 2016-2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng này tăng với tốc độ bình quân 28,1%/năm.

Động lực chính của tăng trưởng xuất khẩu máy móc, thiết bị cũng là các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, doanh nghiệp trong nước ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc.

  1. Giày dép các loại (16,8 tỷ USD)

Giống như hàng dệt may, các nhà máy giày dép ở Việt Nam chủ yếu gia công cho những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp vào nước ta. Khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng hơn 3/4 trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép toàn quốc. Các đơn đặt hàng chủ yếu đến từ những thương hiệu quốc tế như Nike hay Adidas.

Năm ngoái, do ảnh hưởng của Covid-19 lên nhu cầu thế giới, Việt Nam chỉ xuất khẩu lượng sản phẩm trị giá 16,8 tỷ USD, giảm 8,3% so với 2019. Các thị trường chính của mặt hàng này là Mỹ và châu Âu.

  1. Gỗ và sản phẩm gỗ (12,4 tỷ USD)

Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của các sản phẩm từ gỗ, đặc biệt là nội thất. Điều này giúp nước ta lọt vào top 10 nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất toàn cầu. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,5 tỷ USD, trong tổng cộng 12,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ.

Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng ở mức cực kỳ ấn tượng: 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam đến từ thị trường Mỹ, điểm đến của hơn 50% giá trị xuất khẩu của toàn ngành gỗ nước ta.

  1. Phương tiện vận tải và phụ tùng (9,1 tỷ USD)

Trong năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu 9,1 tỷ USD mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng. Trong đó, hơn một nửa là linh kiện ô tô, với điểm đến là các cường quốc sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, …

Phần lớn linh kiện ô tô xuất khẩu của Việt Nam là hợp đồng gia công giữa các doanh nghiệp quốc tế với các công ty liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Với những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thiết bị điện, săm lốp, thuộc da, sơn…, giá trị gia tăng của lĩnh vực này không cao.

  1. Thủy sản (8,4 tỷ USD)

Thủy sản là mặt hàng nông nghiệp được xuất khẩu nhiều nhất và được đón nhận ở nhiều nước phát triển. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm gần 30% tổng kim ngạch mặt hàng này. Theo sau là các nước EU và Nhật Bản. Đây là những thị trường có thể bán được sản phẩm với mức giá cao hơn, nhưng yêu cầu cao về chất lượng và quy trình đánh bắt, sản xuất.

Năm ngoái, giá trị thủy sản xuất khẩu của cả nước đạt 8,4 tỷ USD. Các mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam bao gồm tôm (chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu), cá tra, cá biển, …