VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp tại TP HCM gặp khó vì thiếu lao động

Doanh nghiệp tại TP HCM gặp khó vì thiếu lao động

09:28 - 05/10/2021

Tình trạng công nhân về quê chưa quay trở lại thành phố làm việc khiến nhiều doanh nghiệp tại TP HCM đối mặt nguy cơ thiếu lao động, tái sản xuất gặp khó khăn.

Nguy cơ thiếu lao động sau giãn cách

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM chiều 4/10, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, cho biết sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 18, TP HCM có 5.279 doanh nghiệp đăng kí hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp cũng đang trong quá trình chuẩn bị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc… để có thể sẵn sàng nhanh chóng khôi phục sản xuất sau thời gian dài giãn cách.

Tuy nhiên, nỗ lực tái sản xuất của các doanh nghiệp đang gặp phải thách thức lớn khi thiếu hụt nguồn nhân lực sản xuất. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp lên đến 43.600 – 56.800 người.

Các doanh nghiệp TP HCM đang gặp phải thách thức lớn khi thiếu hụt nguồn nhân lực sản xuất

Ông Phạm Thanh Trực – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza) cũng cho biết, một trong những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là nguồn nhân lực. Thống kê của Hepza cho thấy có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của thành phố đã về quê, trong đó chủ yếu là về các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Tình trạng công nhân về quê chưa quay trở lại làm việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Minh Trung – Giám đốc Cty CP in số 7 cho hay, do thiếu hụt lực lượng lao động và nhiều công nhân vẫn ở trong “vùng đỏ”, nên công ty phải tính toán, liên tục đưa ra giải pháp để thích ứng với thực tế, cố gắng duy trì doanh nghiệp tồn tại và bảo toàn lực lượng lao động cho tương lai; chấp nhận giảm thị trường, giảm lợi nhuận ở mức tối thiểu nhằm bảo vệ nguồn lực.

Còn ông Trần Tiến Phát – Tổng Giám đốc Công ty CP Datalogic (Khu công nghệ cao TPHCM) thì cho biết, mặc dù có đến 50% công nhân của công ty làm việc “3 tại chỗ”, nhưng năng suất chỉ đạt 30% vì có nhiều nhân sự chủ chốt không thể đến làm việc.

Cần sự hỗ trợ kịp thời

Tại tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” tổ chức mới đây, nhiều ý kiến thống nhất rằng để nhanh chóng thu hút người lao động quay trở lại làm việc, cả chính quyền, doanh nghiệp cần chung tay bảo đảm các điều kiện an toàn cho người lao động. Trong đó, trụ cột là vấn đề về y tế thông qua nhanh chóng tiêm vaccine đầy đủ cho người lao động.

Mặt khác, tình hình thực tế tại TP HCM vừa qua cho thấy, người lao động ở tại các khu nhà trọ dân sinh bị lây nhiễm Covid-19 nhiều nhất do phòng trọ chật hẹp, không gian thiếu thoáng đãng. Do đó, về lâu dài, Nhà nước và doanh nghiệp phải có cơ chế và đầu tư nguồn lực để xây dựng các khu nhà ở đủ tiêu chuẩn để phòng chống dịch bệnh cho người lao động.

Tiến sĩ Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, để khôi phục đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phải mất từ 3-9 tháng và khôi phục nguồn nhân lực, nhất là người có tay nghề, vị trí kỹ thuật, phụ trách chuyên môn lại cần thời gian gấp 3 lần. Để người lao động an tâm quay trở lại làm việc, doanh nghiệp cần phối hợp với tổ chức công đoàn tuyên truyền, vận động người lao động và cả gia đình họ.

Còn theo ông Phạm Chí Tâm – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, chính quyền TP HCM và doanh nghiệp cần có chính sách ngắn hạn hỗ trợ công nhân ở trọ khi trở lại làm việc, ví dụ như hỗ trợ tiền thuê trọ, nhu yếu phẩm trong thời gian chờ lãnh lương tháng đầu tiên khi đi làm lại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ công nhân lao động theo các Nghị quyết 68/2021/NQ-CP, Nghị quyết 116/2021/NQ-CP để người thụ hưởng có khoản tiền tiêu trong lúc khó khăn.