VNReport»Kinh tế»Xuất khẩu thủy sản gian nan phục hồi hậu giãn cách

Xuất khẩu thủy sản gian nan phục hồi hậu giãn cách

14:30 - 18/10/2021

Mặc dù đã hết giai đoạn giãn cách xã hội song các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Ảnh hưởng nặng nề vì giãn cách 

Tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản các loại tăng 4,9% so với tháng 8/2021 nhưng giảm mạnh 23,9% so với cùng tháng năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 36%, các loại cá biển khác giảm 65%, tôm giảm 21% so với cùng kỳ.

Ngoại trừ xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng trưởng nhẹ ở mức 3%, đạt 159 triệu USD, thì xuất khẩu sang các thị trường khác tiếp tục sụt giảm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu có mức giảm mạnh nhất, với gần 50%. Các thị trường Nhật Bản, Canada, Anh, Australia giảm từ 35 – 45%; EU, Nga giảm trên 15% và Hàn Quốc giảm 5%.

Xuất khẩu thuỷ sản của năm 2021 được dự báo khả quan nhất là bằng năm 2020

Lý giải nguyên nhân sụt giảm của xuất khẩu thủy sản tháng 9, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ giữa tháng 7/2021, khu vực trọng tâm của ngành thủy sản Việt Nam là TPHCM và các tỉnh phía Nam và các tỉnh Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận…) phải thực hiện giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau. Chỉ có 30% số nhà máy duy trì sản xuất cầm chừng, 70% số nhà máy không đủ điều kiện phải tạm ngừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy, thậm chí ngừng hoàn toàn.

Việc nới lỏng giãn cách xã hội từ giữa tháng 9 giúp sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối tháng 9/2021 đã có dấu hiệu hồi phục, nhất là tại những tỉnh trọng điểm về tôm như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và các tỉnh ven biển miền Trung. Tuy nhiên, việc phục hồi chưa mang tính đồng bộ và còn phụ thuộc vào diễn biến khó lường của đại dịch.

Theo thống kê của VASEP, đến tháng 9, chỉ có 30 – 40% doanh nghiệp đánh giá đủ khả năng phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, 60-70% số doanh nghiệp còn lại cho rằng rất khó hoặc cần thêm thời gian để bắt nhịp trở lại. Cũng theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD – Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 9/2021, 19 tỉnh, thành phía Nam có 449 nhà máy chế biến thủy sản, trong đó có 176 nhà máy đã ngừng sản xuất, chiếm 39%.

Hệ lụy còn kéo dài

Theo VASEP, ngành thuỷ sản đang kỳ vọng từ tháng 10 sẽ khả quan hơn khi “mở cửa” ở TP HCM cùng những chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất. Cùng với đó, cuối năm là mùa cao điểm xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản, do nhu cầu tiêu thụ của các thị trường xuất khẩu tăng vọt trong dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên trên thực tế, với tình trạng “nửa mở nửa đóng” ở các địa phương và diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 cho thấy chặng đường hồi phục sản xuất và xuất khẩu thủy sản còn rất gian nan. Câu chuyện khôi phục sản xuất của doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gặp nhiều lực cản như dòng tiền cạn kiệt, giá cả đầu vào leo thang và thiếu nhân lực trầm trọng.

Theo ước tính của VASEP, có khoảng 300.000 lao động trực tiếp trong ngành chế biến thủy sản đã mất việc làm trong giai đoạn vừa qua, nhiều người trong số họ đã về quê, nên việc khôi phục sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, từ khi dịch bệnh bùng phát, nguyên liệu bị ùn ứ, giá giảm, người dân không tiếp tục thả nuôi, khiến diện tích nuôi trồng giảm, tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguyên liệu ngay sau khi các doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng (tôm, cá tra…) sẽ thiếu từ 20 – 30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10 – 20% trong những tháng cuối năm.

Từ đó, xuất khẩu thủy sản tháng 10 dự báo sẽ tiếp tục giảm ít nhất 25% so với cùng kỳ. Hai tháng cuối năm dù có nỗ lực thích ứng thì khả năng xuất khẩu cũng chỉ tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Với đà này, xuất khẩu thuỷ sản của năm 2021 được dự báo khả quan nhất là bằng năm 2020, đạt 8,4 tỷ USD. Thậm chí, xuất khẩu sẽ giảm dưới 8,4 tỷ USD nếu tình hình dịch Covid-19 phức tạp hơn và các biện pháp phòng chống dịch siết chặt sản xuất trở lại.

Hệ lụy sẽ còn kéo dài tới năm sau nếu thủy sản Việt Nam mất thị phần tại các thị trường nhập khẩu lớn, trước các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan dù họ cũng đã và đang vừa chống dịch vừa sản xuất. Nếu như vậy, Việt Nam sẽ phải cần tới 3 – 5 năm mới có thể khôi phục được thị trường.